Đây là năm thứ 2, Sân chơi lưu động giáo dục kỹ năng sống được Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức tại một số trường. (Trong ảnh: báo cáo viên nói chuyện về chuyên đề phòng, chống xâm hại tình dục với các em học sinh tiểu học). Ảnh: Phương Phương
Từ một câu chuyện đau lòng
Đầu năm 2018, câu chuyện đau lòng xảy ra tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An khiến nhiều người xót xa và có lẽ, nỗi ám ảnh ấy theo suốt cô bé D., ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của em. Tuổi thơ của D. không trọn vẹn khi thiếu sự chăm sóc của ba mẹ. Mẹ đi làm xa, D. sống với ngoại. Một đêm ngoại vắng nhà, có kẻ lẻn vào làm hại đời em. Khi thỏa mãn thú tính, hắn đâm em nhiều nhát hòng bịt đầu mối. Cô bé 16 tuổi không biết cầu cứu ai đến khi ngoại em trở về nhà và đưa em đi cấp cứu.
May mắn, D. được cứu sống nhưng nỗi đau có lẽ sẽ theo em đến suốt đời. Sau tai nạn, D. ít nói hẳn, không muốn tiếp xúc với người lạ. Sự việc được trình báo đến cơ quan chức năng. Các ban, ngành, đoàn thể đến thăm, động viên D. và gia đình. Hiểu được tính chất nhạy cảm của vụ việc, ai cũng tế nhị trong cách tiếp cận, vừa giúp D. và gia đình có thể cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho quá trình điều tra của cơ quan chức năng, vừa tránh để em sợ hãi. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Đặng Văn Vững cho biết: “Vì đây là vụ việc nghiêm trọng nên chúng tôi cố gắng giúp đỡ D. và gia đình vượt qua nỗi đau, trở lại cuộc sống bình thường. Hiện tại, D. vẫn tiếp tục đi học. Chúng tôi luôn cố gắng ngăn chặn, không để xảy ra những câu chuyện đau lòng như vậy!”. Theo ông Vững, Cần Giuộc là huyện công nghiệp nên số lượng người nhập cư đông, còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự, trong đó có việc xâm hại và bạo hành trẻ em.
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Ảnh: Cảnh Huy
Chung tay bảo vệ trẻ em
Nhằm ngăn ngừa những sự việc đau lòng, các cơ quan chức năng, cụ thể là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội huyện liên tục có các văn bản nhắc nhở địa phương chú trọng việc tuyên truyền pháp luật, cung cấp kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Cán bộ Đoàn, hội cơ sở thường xuyên lồng ghép nội dung trên vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội.
Năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức Sân chơi lưu động giáo dục kỹ năng sống tại một số trường tiểu học và THCS. Theo đó, học sinh được cung cấp kiến thức về giới tính, phòng, chống xâm hại tình dục,... Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thị Ngọc Điệp cho biết, mô hình Sân chơi lưu động giáo dục kỹ năng sống tập trung tuyên truyền về: Phòng, chống xâm hại tình dục, bắt cóc, bạo lực học đường,... nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho học sinh.
Nhiều trường còn tổ chức các tiết học ngoài giờ, cung cấp cho học sinh kiến thức về giới tính và phòng, chống xâm hại tình dục. Cô Trịnh Hoàng Anh Thư - người trực tiếp giảng dạy giáo dục giới tính ở Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An), cho biết: “Năm nay là năm thứ 2, trường duy trì lớp ngoài giờ về giáo dục giới tính cho học sinh. Ngoài cung cấp kiến thức khoa học về giới tính, chúng tôi còn hướng dẫn các em xử lý những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra”.
Lớp ngoài giờ về giáo dục giới tính tại Trường THCS Nhựt Tảo cung cấp cho các em kiến thức khoa học giới tính và hướng dẫn học sinh đề phòng cũng như thoát khỏi tình huống nguy hiểm
Khi xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng tinh vi và độ tuổi các em bị xâm hại ngày càng trẻ hóa thì việc chung tay bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ là điều hết sức cần thiết. Không chỉ giúp các em có đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ mình mà ngay cả khi có tình huống khẩn cấp xảy ra cũng có tổ chức hỗ trợ kịp thời. Chính vì vậy, đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh (0272) 3.513663 được công bố rộng rãi nhằm kịp thời hỗ trợ các em vượt qua những thời điểm khó khăn.
Đường dây nóng Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh mở 24/7, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cần hỗ trợ khẩn cấp. Trung tâm có nhà tạm lánh để thân chủ có thể ở tạm trong vài ngày nhằm bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý. Nếu thân chủ cần được hỗ trợ sau biến cố, cán bộ trung tâm phối hợp cộng tác viên tại địa phương có nhiều biện pháp hỗ trợ. Nhân viên công tác xã hội, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh - Phạm Tấn Ngàn cho biết: “Chúng tôi mở đường dây nóng để tiếp nhận các trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ và mở hồ sơ theo dõi. Năm 2017, trung tâm hỗ trợ 2 trường hợp bị xâm hại tình dục ở Đức Hòa và Cần Giuộc. Đến nay, tâm lý các em đều ổn định”.
Trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ một cách tốt nhất vì bất cứ sự tổn hại nào về thể chất hay tinh thần cũng sẽ để lại những “vết sẹo” trong tâm hồn các em.
"Ngày 14/5/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản số 1848/LĐTBXH-TE gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc với trẻ em và bản thân trẻ em để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Từ năm 2015 đến 2017, tỉnh xảy ra 44 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, vẫn còn vài vụ trẻ em bị xâm hại tình dục (nhất là dâm ô) nhưng không có chứng cứ rõ ràng nên ngành chức năng không kết luận được”.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
|
Phương Phương