Những khu phố với hàng cây xanh mướt, gần gũi với thiên nhiên tại đô thị Tân An
Đô thị hóa là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Tính đến tháng 12-2015, toàn tỉnh có 1 đô thị loại III (TP.Tân An), 6 đô thị loại IV (thị xã Kiến Tường, các thị trấn: Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và Đức Hòa) và 9 đô thị loại V (thị trấn: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Đông Thành (Đức Huệ), Hiệp Hòa (Đức Hòa), Tầm Vu (Châu Thành) và Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa)). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện khoảng 25%, thấp hơn mức bình quân của cả nước (trên 35%). Chính vì vậy, Nghị quyết kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, khóa VIII (tháng 11-2015) thông qua nội dung điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị đến năm 2020 của Long An nhằm mục tiêu toàn tỉnh sớm đạt tỷ lệ đô thị hóa so với bình quân cả nước, dự kiến đạt 50% vào năm 2025. Trong đó, trước năm 2020, phấn đấu nâng cấp xây dựng TP.Tân An đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; Kiến Tường, Hậu Nghĩa và Bến Lức đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.
Xây dựng đô thị phát triển bền vững, nhân văn, truyền thống, bản sắc, có điều kiện “đáng sống” được coi là những tiêu chí hàng đầu hiện nay. Chính tiêu chí “đáng sống” sẽ làm nên điều khác biệt giữa các đô thị. Một đô thị với các khu phố được phân chia rõ ràng; mọi nơi, người dân đều thể hiện sự thân thiện, văn minh. Đường giao thông có phân làn, phân tuyến, vạch kẻ chi tiết, trục đường lớn được bố trí làn cho xe hơi, xe 2 bánh, làn ưu tiên cho xe buýt. Vỉa hè có làn dành cho xe đạp, người đi bộ, có dấu hiệu dễ nhận biết cho người khuyết tật di chuyển, có cây xanh, bóng mát. Người sống trong các khu phố có thể đi bộ thuận tiện, an toàn vào thời gian không quá 10 phút (tương đương 500m) để được đáp ứng các nhu cầu hằng ngày (như đến nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, chợ, cửa hàng ăn uống, giải khát, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, thể dục-thể thao, vui chơi, giải trí,...). Đó chính là hình ảnh của đô thị hiện đại, nhân văn, truyền thống và bản sắc.
Hiện nay, thế giới đang đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là đối với các đô thị ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà Long An là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng khá nặng nề khi mực nước biển trung bình dâng cao hơn 1m (kịch bản cao - đến năm 2100) so với hiện nay. Vì vậy, mỗi đô thị trong quá trình quy hoạch, xây dựng, phát triển cần có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, trữ và sử dụng nước mưa hiệu quả; nâng cao cao trình xây dựng, cầu, đường; bảo vệ và sử dụng hiệu quả các kênh, sông, rạch và các loại mặt nước tự nhiên, nhân tạo trong đô thị; tăng lượng cây xanh, khoảng xanh và không gian xanh là các giải pháp trước mắt và lâu dài được khuyến khích áp dụng càng sớm càng tốt.
Đô thị hiện đại với ý nghĩa tích cực là sự mở rộng đất đai, nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời không xâm hại đến môi trường, không hủy hoại những giá trị văn hóa truyền thống, không làm tăng khoảng cách giàu-nghèo, không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Ngược lại, mặt tiêu cực của nó là lợi ích nhất thời, hủy hoại môi trường sống, phân cực giàu-nghèo, khói bụi, ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước, mất an toàn, an ninh, trật tự xáo trộn,... Do vậy, sự hiểu biết, đồng thuận và tham gia của người dân nhằm phát huy mặt tích cực trong công cuộc phát triển đô thị thật sự cần thiết.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động đến mọi lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt, đời sống và môi trường tự nhiên, xã hội. Chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp cần định hướng, tuyên truyền, hướng dẫn mọi người dân hành động một cách tự chủ, tự giác và có trách nhiệm nhằm góp phần tích cực, hiệu quả vào sự phát triển đô thị theo hướng hiện đại nhưng phải bền vững, nhân văn. Đó là nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức bảo vệ môi trường, cân nhắc khi tiêu thụ năng lượng, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước, tái sử dụng nước, giữ gìn mặt nước để điều hòa nhiệt độ trong thời gian nắng nóng, sử dụng vật liệu bền vững,...
Theo đó, cả hệ thống chính trị và chính quyền các đô thị cần sớm vận dụng đưa vào quy chế quản lý quy hoạch, có quy định khuyến khích hoặc bắt buộc (khi cần thiết) về công trình xanh, kiến trúc xanh, tăng số lượng cây xanh trong đô thị, phục hồi diện tích cây xanh bị chiếm chỗ do xây dựng đường, vỉa hè, nhà ở, công trình công cộng. Những công trình thương mại-dịch vụ sẽ được khuyến khích, vận động và quy định thực hiện tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước. Những công trình quan trọng, phục vụ công cộng, công trình văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn, di tích lịch sử, di tích cảnh quan phải ưu tiên áp dụng tiêu chí công trình xanh, kiến trúc xanh. Việc phân loại chất thải tại nguồn, tái sử dụng chất thải phải được các công sở, công trình thương mại-dịch vụ thực hiện gương mẫu, nghiêm túc. Qua đó, người dân sẽ quen dần, thấu hiểu, thấy được lợi ích, từng bước chủ động áp dụng và tự giác thực hiện.
Một mùa xuân mới lại đến, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng, mọi người dân Long An sẽ chung tay, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền góp phần vào công cuộc phát triển đô thị bền vững, hiện đại, nhân văn, truyền thống với bản sắc của quê hương “Trung dũng, kiên cường”, sớm sánh vai cùng các đô thị cả nước, khu vực và thế giới./.
Lưu Đình Khẩn (Giám đốc Sở Xây dựng)