Tiếng Việt | English

16/12/2015 - 10:56

Phát triển đô thị Long An: Những bước đi mới

Tỉnh Long An có nhiều tiềm năng và nguồn lực nhất định để đẩy mạnh đô thị hóa; tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết những lợi thế ấy để phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị hóa ở tỉnh còn thấp so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình trong cả nước. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng để phát triển đô thị, Sở Xây dựng tỉnh phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Long An tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Phát triển đô thị Long An – tiềm năng và nguồn lực”.

Một góc của đô thị loại III – TP.Tân An

Những kết quả bước đầu

Sau năm 1975, Long An vẫn là một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị hầu như không đáng kể, tỉnh tập trung toàn bộ nguồn lực để bảo vệ biên giới Tây Nam. Mặt khác, toàn dân trong tỉnh dồn sức khai hoang, phục hóa vùng Đồng Tháp Mười - nơi hứng chịu nhiều trận lũ lịch sử làm cho hệ thống hạ tầng xuống cấp nhanh hơn.

Từ khi đổi mới, đô thị trong tỉnh đã có những bước chuyển mình. Thành phố, thị trấn được đầu tư, xây dựng và nâng cấp trở thành các trung tâm thương mại, dịch vụ của địa phương, thúc đẩy kinh tế, dịch vụ phát triển và là nền móng để chuyển đổi theo chủ trương từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp của tỉnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư ngày càng hình thành nhiều hơn.

Hằng năm, ngân sách địa phương dành ra một khoản đáng kể để chỉnh trang đô thị, đặc biệt là đầu tư các hạ tầng thiết yếu như điện, nước, đường giao thông nông thôn, xây dựng các bờ kè,... Các công trình phúc lợi được tập trung phát triển như công viên, bệnh viện, trường học,...

So với năm 2000 thì đến nay, đô thị Long An phát triển mạnh, các thành phố, thị trấn, khu dân cư được quy hoạch theo kiến trúc hiện đại, góp phần tạo bộ mặt mới cho đô thị. Hiện nay, Long An có 17 đô thị các loại, trong đó có 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V.

Hạ tầng, nhà ở, dân cư đô thị phát triển, bình quân dân số đô thị trong tỉnh tăng 13,3% từ năm 2005-2013 (Cục Thống kê Long An năm 2014), thu nhập bình quân đầu người trong đô thị năm 2014 khoảng 3.200USD (bình quân toàn tỉnh 2.000USD), diện tích nhà ở đô thị tăng gấp đôi, từ 15m2 lên 30m2 (2005-2014).

Đường sá của TP.Tân An được đầu tư xây dựng thông thoáng, sạch đẹp

Vươn lên xứng tầm

Tuy đạt những kết quả bước đầu nhưng việc quy hoạch phát triển đô thị ở tỉnh còn ở mức thấp, xấp xỉ 24% về dân cư và 11% về diện tích đất xây dựng đô thị so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Việc quy hoạch xây dựng đô thị còn nhiều bất cập như tính toán quy mô phát triển đô thị chưa phù hợp, bộ mặt kiến trúc khá lộn xộn, vẫn còn tình trạng xây dựng không đúng quy hoạch, kinh phí đầu tư cho đô thị còn hạn chế.

Long An nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về TP.HCM - một trung tâm kinh tế, thương mại lớn của cả nước, điều này vừa thuận lợi để phát triển đô thị, đồng thời tạo ra nhiều áp lực cho việc quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh.

Những khó khăn đó được các đại biểu tham dự hội thảo nêu ra, đồng thời thống nhất việc quy hoạch đô thị Long An trong thời gian tới phải gắn liền với định hướng quy hoạch vùng (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long) và mức độ phát triển kinh tế của địa phương.

Dự kiến, đến năm 2020, toàn tỉnh có 25 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (TP.Tân An), 3 đô thị loại III (Kiến Tường, Bến Lức, Hậu Nghĩa), 8 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V. Quy mô dân số nông thôn giảm dần đến cuối năm 2015 chỉ còn khoảng 70 - 75%, năm 2020 còn khoảng 60 - 65% và tương đối ổn định ở khoảng 40 - 50% vào năm 2030.

Các điểm dân cư, khu dân cư nông thôn phải được định hướng phát triển theo mô hình nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trên cơ sở đó quy hoạch xây dựng đô thị phù hợp với đặc trưng của mỗi vùng.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính:

“Để đô thị Long An phát triển, chúng ta cần phải đẩy mạnh tốc độ phát triển đô thị, nhất là TP.Tân An phải lên đô thị loại II trước năm 2020 (khoảng năm 2017) vì bản thân đô thị loại II tạo sự tương tác và có một vị thế nhất định đối với toàn vùng. Cần phải xây dựng Bến Lức trở thành một đô thị đặc biệt của tỉnh Long An để xứng với vị trí là địa phương có công nghiệp phát triển, giáp với TP.HCM, đây chính là bản lề để phát triển KT-XH cũng như đô thị của tỉnh. Còn ở Cần Giuộc, Cần Đước, chúng ta phải đầu tư hơn nữa để đẩy nhanh về tốc độ đô thị hóa. Có như thế đô thị Long An mới vươn lên xứng tầm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phan Thị Mỹ Linh:

“Việc quy hoạch phát triển đô thị Long An đã xác định rõ vai trò của Long An. Thứ nhất, là nơi kết nối các vùng kinh tế động lực của vùng TP.HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. Thứ hai, là đầu mối giao thông quan trọng kết nối tỉnh với quốc tế, quốc gia nên nhất thiết phải phát triển đô thị - công nghiệp tập trung, trung tâm thương mại, dịch vụ đa ngành, hình thành đô thị trung tâm phát triển nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và đa dạng sinh học của vùng Đồng Tháp Mười”.

Lực Nguyễn
 

Chia sẻ bài viết