Ngày 3/3/2023 xảy ra vụ việc phụ huynh ở TP.HCM bị kẻ xấu mạo danh nhân viên y tế, giáo viên gọi điện báo con bị tai nạn cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy và yêu cầu chuyển tiền để phẫu thuật. Đến nay, chiêu trò lừa đảo này vẫn tiếp diễn và không loại trừ trường hợp vẫn có phụ huynh mắc bẫy, mất tiền. Chính những người trong cuộc, người có liên quan như thầy cô giáo, cán bộ y tế, công an chỉ ra rằng, do nhiều phụ huynh yếu về công nghệ, thiếu thông tin hoặc tiếp cận thông tin không kịp thời khiến chiêu trò này có đất sống.
Học sinh cần được huấn luyện về an ninh mạng cơ bản (ảnh: MH)
Lộ lọt thông tin và thiếu thông tin
Ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày 3/3 có 2 phụ huynh đến bệnh viện tìm thông tin của con bị tai nạn nhập viện nguy kịch, đã chuyển tiền cấp cứu nhưng không tìm thấy. Bệnh viện lập tức cung cấp thông tin đến tất cả cơ quan truyền thông để cảnh báo vụ việc với dấu hiệu lừa đảo. Nhưng vài ngày sau đó, bệnh viện này tiếp tục ghi nhận vụ việc tương tự. Đó là do nhiều phụ huynh không tiếp cận thông tin đã được cảnh báo, dẫn đến tình trạng bị lừa đảo.
Ông Hiển khuyến cáo: "Ở bệnh viện Chợ Rẫy không bao giờ có chuyện thu tiền qua điện thoại. Trước khi mổ cũng cần gia đình ký cam kết và trường hợp nặng cần mổ cấp cứu thì các ê kíp của bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm thay cho gia đình. Khi đó là cứu bệnh nhân trước, viện phí tính sau. Cho nên phụ huynh cần bình tĩnh, chậm lại một chút, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để xác minh thông tin, đừng quá vội mà lọt vào bẫy bọn xấu bày ra".
Câu hỏi đặt ra là, tại sao các đối tượng lừa đảo có thông tin cá nhân của học sinh, bao gồm cả số điện thoại của phụ huynh để liên hệ khi cần thiết? Có hay không chuyện lộ lọt thông tin cá nhân từ phía nhà trường?
Theo ban giám hiệu nhiều trường học, nhà trường không bao giờ cung cấp thông tin, dữ liệu của học sinh ra ngoài. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp tội phạm công nghệ xâm nhập dữ liệu và thông tin của học sinh lộ lọt khi được nhập liệu để gửi cho các đơn vị liên quan làm sổ bảo hiểm, làm hồ sơ thi...Đồng thời, việc phụ huynh, học sinh cung cấp thông tin cho các hoạt động học tập ngoài nhà trường, mạng xã hội hoặc các trò chơi cũng có nguy cơ thông tin cá nhân bị chiếm đoạt.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho rằng, học sinh cần biết cách bảo mật thông tin cá nhân và phụ huynh phải cập nhật thông tin trên báo chí, bĩnh tĩnh xem xét để tránh bị lợi dụng, lừa đảo, không chỉ với chiêu trò gọi điện báo tin tai nạn như hiện nay mà còn nhiều thủ đoạn khác: "Truyền thông đã cảnh báo rất nhiều, nên những phụ huynh bị lừa là những người không cập nhật thông tin. Muốn có một ca mổ thì bệnh viện sẽ cùng phụ huynh quyết định, trước khi vào phòng mổ, phụ huynh phải ký cam kết cho nên phụ huynh khi nghe tin thì phải bình tĩnh suy xét. Và nếu tai nạn xảy ra ở trường thì có nhân viên y tế, ban giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm gọi điện trực tiếp".
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho rằng, nhiều phụ huynh rất thiếu thông tin (ảnh: MH)
Thay đổi cách truyền thông để phòng chống
Theo Đại uý Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh- Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Tp.HCM thì những vụ lừa đảo qua điện thoại bắt nguồn từ những lỗ hổng thông tin, trong đó 20% là do doanh nghiệp, còn 80% là do cá nhân các nạn nhân tự để lộ thông tin của mình. Mỗi ngày Phòng này tiếp nhận hàng chục hồ sơ các vụ lừa đảo qua mạng, qua điện thoại với cách thức đa dạng, mượn danh người thân quen, thậm chí mượn danh của cơ quan chức năng. Cách thức lừa đảo đang nóng hiện nay là mạo danh giáo viên, nhân viên y tế để gọi cho phụ huynh báo tin học sinh bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu. Những nhóm lừa đảo có sự chuẩn bị rất kỹ, mỗi đối tượng đóng vai một người có trách nhiệm, liên tục dồn thông tin xấu cho phụ huynh để họ hoang mang, mất bình tĩnh, mất sự suy xét sáng suốt và mắc bẫy.
Đại uý Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự tăng cường tuyên truyền, thông tin cho người dân nhưng người dân cũng phải chủ động nắm bắt, cập nhật tình hình thời sự kịp thời hơn: "Về phía Phòng Cảnh sát hình sự thì hiện thay đổi cách thức tuyên truyền đến người dân theo phương châm bỏ một đồng để tuyên truyền phòng ngừa còn hơn bỏ 10 đồng ra để đấu tranh. Khi người dân tiếp cận zalo của phòng, quét mã QR thì sẽ biết những thủ đoạn lừa đảo mới nhất và phòng cũng gửi thông tin cần thiết đến người dân qua zalo".
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát tại TP.HCM mà từ nước ngoài. Việc lừa đảo phụ huynh không phải là vấn đề mới và dự báo sắp tới còn chuyển biến những vụ việc khác, không có điểm dừng. Thêm vào đó, học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường được các cạm bẫy, nguy cơ mất thông tin trên không gian mạng.
Ông Thắng đề xuất, cần phải có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh về an toàn trên không gian mạng, từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro: "Chúng ta phải có những chương trình như chương trình an ninh mạng cơ bản cho học sinh. Để cho các em thấy được những rủi ro, thấy được tiktok, games mình chơi hàng ngày có những lỗ hổng, rủi ro mà có thể dẫn đến mất dữ liệu, mất thông tin, mất tài khoản gia đình.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, chuyển đổi số mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực như hiện nay, tội phạm công nghệ có nhiều cách để lấy cắp thông tin, các nhóm lừa đảo cũng liên tục có thêm chiêu trò, thủ đoạn. Mỗi người cần chủ động nắm bắt thông tin, cập nhật các kỹ năng, công nghệ cần thiết để tự bảo vệ dữ liệu của mình, thông tin của mình và tránh bị lừa đảo, thiệt hại./.
Minh Hạnh/VOV-TP.HCM