Tiếng Việt | English

24/09/2015 - 10:04

Vị thế ông lớn xuất khẩu vũ khí của Nga đang bị Mỹ chèn ép mạnh?

Chuyên gia cho rằng xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới do bị Mỹ và các nước khác chèn ép.

Theo các nhà phân tích, trong bảng xếp hạng toàn cầu về xuất khẩu vũ khí, Nga vẫn giữ vững vị trí của mình dù môi trường địa chính trị không thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đang chờ đợi Nga ở phía trước.

Cho đến nay, Nga luôn là một nước có vai trò quan trọng trên thị trường vũ khí toàn cầu. Đây có thể xem là kết quả tự nhiên của cuộc đối đầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Nhiều người cho rằng, sự suy thoái kinh tế của Nga cộng với tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây (bao gồm lệnh trừng phạt trực tiếp nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên trên thực tế điều này không xảy ra - ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay. Điều đó không chỉ được thể hiện bằng những con số do chính Nga cung cấp mà còn từ kết quả của các trung tâm nghiên cứu chuyên về vấn đề vũ khí toàn cầu.


Dù đang có những thành công, các chuyên gia cho rằng xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Nga không thiếu khách hàng muốn mua vũ khí

Báo cáo giám sát hàng năm về thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu do công ty HIS (Mỹ) công bố cho thấy, hiện Nga đứng thứ hai sau Mỹ về xuất khẩu vũ khí. Theo đó doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2014 (không có số liệu gần đây bởi số liệu thống kê thị trường vũ khí luôn mất từ 6 - 12 tháng để hoàn thành) lên tới 10 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013.

Số liệu thống kê do Tập đoàn xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga Rosoboronexport công bố cũng khẳng định vững chắc vị trí thứ hai của Nga trên bảng xếp hạng. Theo số liệu của tập đoàn này, trong năm qua Nga đã xuất khẩu vũ khí các loại trị giá 13,2 tỷ USD. Hiện không có lý do gì cho thấy năm 2015 này, Nga sẽ giảm lượng vũ khí xuất khẩu và bị tụt hạng trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

CEO của Rosoboronexport, Anatoly Isaikin cho biết: "Lượng đơn đặt hàng của chúng tôi rất tốt và thường dao động ở mức từ 39 - 39,5 tỷ USD".

Thực tế cho thấy không thiếu khách hàng muốn mua các loại vũ khí do Nga chế tạo. Báo cáo của IHS cho biết các khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga là Trung Quốc (2,3 tỷ USD), Ấn Độ (1,7 tỷ USD) và rất nhiều quốc gia khác.

Đáng lưu ý thị trường xuất khẩu vũ khí của Nga xuất hiện một khách hàng lớn đầy tiềm năng là Iraq (năm ngoái Iraq là khách hàng mua vũ khí của Nga chỉ sau Ấn Độ). Bên cạnh đó, nhu cầu từ châu Phi cũng đang tăng lên với việc các nước như Uganda, Cameroon và Angola đang ký hợp đồng mua các loại vũ khí của Nga trị giá hàng trăm triệu USD.

Các chuyên gia tin rằng, Iran sẽ sớm trở thành một thị trường béo bở cho các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga. Mặc dù lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran vẫn còn hiệu lực nhưng Nga vẫn có thể cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa cho Iran do không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên vẫn đang được Nga và Iran bàn thảo và dự kiến hợp đồng mua bán các hệ thống này sẽ sớm được ký.

Cùng với việc Iran và P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran trung tuần tháng 7 vừa qua, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran sẽ được xem xét dỡ bỏ. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran được cho là không chỉ mở đường cho việc xuất khẩu dầu mỏ của nước này mà còn giúp nối lại hợp tác quân sự giữa Nga và Iran.


Các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2014. Nguồn SIPRI

Xuất khẩu vũ khí của Nga đối mặt với thách thức nào trong tương lai?

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) - một trung tâm phân tích quốc tế có uy tín vừa công bố một báo cáo về tình hình buôn bán vũ khí toàn cầu. Theo báo cáo này, Mỹ và Nga là hai nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu, chiếm hơn một nửa thị phần nguồn cung vũ khí toàn cầu (58%) trong 5 năm qua.

Vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng thuộc về Mỹ. Từ năm 2010 - 2014, Washington kiểm soát 31% thương mại vũ khí toàn cầu. Theo báo cáo của SIPRI, Nga đứng ở vị trí thứ hai, trong giai đoạn từ 2010 - 2014, Moscow chiếm 27%.

Nga hiện cung cấp vũ khí cho 56 quốc gia, trong đó khoảng 60% lượng vũ khí được xuất khẩu tới ba quốc gia là Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria. 2/3 các lô hàng vũ khí của Nga được xuất sang châu Á và châu Đại Dương.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Nga cũng không nên quá lạc quan về những kết quả thời gian qua. Một số liệu so sánh cho thấy, thời điểm từ 2001 - 2005, Nga là nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới với 31% thị phần, vượt trên Mỹ (30%). Vào thời điểm hiện nay, Mỹ đã chiếm vị trí số 1 với doanh thu xuất khẩu vũ khí trị giá 20 tỷ USD và Nga bị tụt lại phía sau.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của Nga như thời gian vừa qua đã chững lại. Theo các chuyên gia, đây là điều không có gì đáng ngạc nhiên bởi các hợp đồng xuất khẩu của Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc cắt đứt quan hệ với Ukraine. Ngoài ra, khách hàng nước ngoài cũng cảnh giác với vũ khí đóng dấu "Made in Russia" vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt.

Điều đó đồng nghĩa với việc Nga không chỉ phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế mà còn bị hạn chế về công nghệ. Công nghệ của Mỹ và EU có thể giúp san lấp “khoảng trống” trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, tuy nhiên lệnh trừng phạt đã "đóng sầm cửa" trước mặt Nga trong thời gian dài sắp tới.

Ông Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga tin rằng, vị trí thứ hai của Nga trong bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu sẽ bị đe dọa. Các chuyên gia dự đoán rằng, trong những năm tới Pháp sẽ tiếp tục củng cố vị trí của mình. Sau một thời gian gián đoạn khoảng 10 năm, Paris đã trở lại thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu với việc nước này bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập và Qatar trong năm nay.

Hàn Quốc - quốc gia còn khá mới trên thị trường vũ khí cũng đang có sự tăng trưởng nhanh về doanh số bán hàng. Bên cạnh đó cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thể hiện tham vọng của mình. Chính vì vậy, việc buôn bán vũ khí đang ngày một khó khăn hơn.

Theo kết luận của các chuyên gia, mặc dù có những thành công hiện tại, ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới./.

Nguyễn Hùng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết