Viêm amidan quá phát là tình trạng amidan bị viêm nhiễm nhiều lần và kéo dài lâu ngày, làm amidan sưng to hơn bình thường, chiếm nhiều chỗ trong khoang họng, lấn vào làm hẹp khoang trụ trước đỏ. Tình trạng này sẽ khiến trẻ bị đau rát, mệt mỏi, chán ăn, thậm chí có thể dẫn đến suy giảm thính lực, ngưng thở khi ngủ, viêm cầu thận cấp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết...
Viêm amidan quá phát thường gặp ở trẻ
Viêm amidan là bệnh rất thường gặp ở trẻ, nhiều trẻ bị viêm amidan tái phát nhiều lần. Theo nghiên cứu có tới 21% trẻ em mắc bệnh này, trong khi đó tỷ lệ mắc ở người lớn chỉ từ 8 - 10%.
Do cấu trúc amidan nằm ở phía sau của cổ họng, nơi được cho là vị trí giao nhau giữa đường ăn và đường thở. Chức năng chính và cũng là quan trọng nhất của amidan đó chính là ngăn chặn lại sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn đối với cơ thể. Đồng thời amidan còn có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên, chống lại sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, do nguyên nhân nào đó mà amidan không thể kháng lại sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus, sẽ làm cho amidan bị sưng lên, đó chính là thời điểm bệnh viêm amidan xuất hiện.
Chính vì vậy, viêm amidan có nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập ồ ạt. Vì vậy, sẽ xảy ra tình trạng amidan bị sưng, đỏ. Đối với trường hợp amidan bị viêm tái phát nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, thì chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng.
Viêm amidan quá phát là tình trạng amidan bị viêm nhiễm nhiều lần và kéo dài lâu ngày.
Biểu hiện của viêm amidan quá phát
Khi trẻ bị viêm amidan quá phát, amidan to ở 2 bên thành họng, lấn vào trong làm hẹp khoang họng, khiến cho trẻ có các biểu hiện như:
- Trẻ khó ăn, khó nuốt, cơ thể mệt mỏi.
- Trẻ ngủ không ngon giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, do bít tắc hô hấp trên.
- Trẻ có biểu hiện bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất.
- Trẻ ho khan kéo dài, hay ho về đêm, hơi thở có mùi hôi.
Nếu không được xử lý sớm bệnh có thể gây ra những biến chứng như: Viêm nhiễm lan rộng gây sưng, áp-xe amidan làm cổ họng đau đớn, sưng to, khó nuốt, đau tai, khó nói, sốt cao, hơi thở có mùi hôi…
Amidan bị viêm có thể gây ảnh hưởng đến các vùng xung quanh và gây ra các bệnh lý như viêm tai giữa, viêm mũi – viêm xoang, viêm thanh – phế quản.
Viêm amidan tiến triển nặng có thể gây ra biến chứng viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm cơ tim…
Viêm Amidan nhiều sẽ gây biến chứng áp xe thành sau họng, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, thấp tim… Ảnh minh hoạ.
Điều trị viêm amidan quá phát ở trẻ
Câu hỏi được nhiều cha mẹ quan tâm là nếu trẻ bị viêm amidan quá phát thì cần điều trị như thế nào?
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp, thông thường chủ yếu là điều trị nội khoa kết hợp với chăm sóc đúng cách. Chỉ định cắt amidan thường được chỉ định khi trẻ có 1 trong 3 vấn đề sau:
- Viêm amidan nếu quá phát độ III trở lên, có ảnh hưởng nhiều đến giọng nói, nuốt, thở, rối loạn giấc ngủ.
- Viêm amidan tái phát nhiều lần, nhất là trẻ bị viêm trên 5 lần/năm, điều trị nội khoa kém đáp ứng.
- Viêm amidan nhiều, gây biến chứng như: Áp xe amidan, áp xe thành sau họng, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, thấp tim…
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cũng rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều tới khả năng hồi phục của trẻ. Vì vậy, nếu trẻ viêm amidan tái phát hoặc amidan, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và điều trị.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa viêm amidan ở trẻ, cha mẹ lưu ý khi thời tiết nóng bức cần để nhiệt độ phòng phù hợp đối với trẻ là 26 độ C – 28 độ C, tránh để lạnh quá dễ bị viêm amidan.
Cần giữ gìn vệ sinh răng miệng và vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ: Cho trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, nhất là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Tránh để cho trẻ đưa tay vào miệng, hạn chế chơi và thổi bong bóng. Mùa hè vệ sinh quạt máy, thiết bị làm lạnh để không khí được sạch sẽ.
Để trẻ tránh xa môi trường khói thuốc và bụi bẩn. Nếu đi đường nhớ đeo khẩu trang vệ sinh.
Khi trẻ đã có tiền sử về các bệnh hô hấp, nên hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh như trái cây, kem… Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn và uống thực phẩm chung với đá lạnh./.
Theo suckhoedoisong.vn