Huy động nguồn lực trong nhân dân
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 13/4/2021 của Huyện ủy Vĩnh Hưng về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM giai đoạn 2021-2025, gần 3 năm qua, UBND huyện, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM huyện tập trung xây dựng các xã đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng huyện NTM. Đến nay, trên địa bàn huyện có 7/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện đạt 4/9 tiêu chí (TC) NTM.
Xã Khánh Hưng được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Đến năm 2020, xã hoàn thành các TC NTM nâng cao, trở thành xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Nguyễn Minh Luân cho biết: “Sau khi đạt chuẩn NTM, hàng năm, xã tập trung nâng chất các TC, xây dựng xã NTM nâng cao. Sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và người dân góp phần quan trọng vào thành công của XDNTM nâng cao của xã”.
Diện mạo nông thôn huyện Vĩnh Hưng ngày càng khang trang hơn
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giai đoạn 2014-2020, xã Khánh Hưng huy động nguồn lực trong dân như đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, tổng trị giá trên 53 tỉ đồng để xây dựng các công trình dân sinh. Xã luôn chú trọng công tác lãnh đạo phát triển sản xuất, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 65,2 triệu đồng/năm.
Cùng với xã Khánh Hưng, diện mạo các địa phương khác trong huyện cũng có sự phát triển và thay đổi. Đây là tiền đề để huyện Vĩnh Hưng hướng đến mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM thời gian tới. Ngay thời gian đầu, huyện có lộ trình XDNTM tại các xã chưa đạt chuẩn, xác định các công trình trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết đầu tư trước, đề xuất danh mục công trình để xin kinh phí từ ngân sách nhà nước. Nhờ tập trung cả hệ thống chính trị tham gia và sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, huyện đạt những kết quả tích cực trong XDNTM.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường cho biết: “Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả nông sản bấp bênh nhưng người dân trong huyện tích cực tham gia đóng góp kinh phí XDNTM. Giai đoạn 2021-2023, ngoài ngân sách nhà nước đầu tư, huyện huy động gần 57 tỉ đồng từ người dân và doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều công trình được xây dựng hoàn thiện phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Việc huy động cộng đồng dân cư đóng góp XDNTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng huy động quá khả năng của người dân”.
Phấn đấu “về đích” huyện nông thôn mới trong năm 2024
Bên cạnh những kết quả đã đạt, huyện vẫn còn một số khó khăn: Việc duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn NTM của một số xã còn hạn chế. Nhiều công trình công cộng của xã đạt chuẩn NTM có dấu hiệu xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Môi trường nông thôn tuy được quan tâm nhưng chưa thực sự chuyển biến rõ nét, nhất là việc thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được triệt để. Tệ nạn xã hội vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp ở một số nơi. Việc liên kết, hợp tác trong sản xuất thiếu bền vững. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả kinh doanh chưa cao; còn hạn chế về tài chính, cơ sở vật chất, trình độ điều hành và quản lý.
Xây dựng hệ thống giao thông tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đến cuối năm 2024 huyện có thêm 2 xã: Thái Trị và Tuyên Bình Tây đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 9/9 xã, 100% xã đạt chuẩn NTM không nợ TC; có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 2 xã; huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Theo ông Trần Văn Cường, để thực hiện Chương trình XDNTM theo đúng tiến độ đề ra, cả hệ thống chính trị của huyện tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia phong trào XDNTM. Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ XDNTM, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của huyện.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác trên địa bàn nông thôn để hoàn thành các mục tiêu XDNTM. Nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, tồn tại trong XDNTM.
Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương. Tập trung huy động nguồn lực, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM đã đạt chuẩn; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các nội dung, TC chưa đạt./.
Văn Đát