Tiếng Việt | English

10/06/2024 - 08:45

Vò võ nhớ thương

Thằng Hon hớt hải phóng vèo qua bãi rau má của anh Sỹ, vừa chạy, vừa la í ới.

- Anh Sỹ! Chị Thêm! Chị Thêm té xuống ao Dâu, anh ra nhanh lên!

Sỹ vừa nghe xong, ba chân bốn cẳng vắt lên cổ mà chạy. Ra ao đã thấy Thêm đang chới với, cố bấu víu vào cây sào mà tụi nhỏ câu cá chìa ra.

- Thêm!

Sỹ chỉ kịp la lên một tiếng rồi nhảy tùm xuống ao, lai cô vào bờ. Thêm ho sằng sặc, toàn thân rã rời, cô nhìn anh Sỹ.

- Lớn rồi mà còn xỏ lộn dép nữa.

Sỹ giận, nhưng khi đối mặt cô, anh không thể lớn tiếng được bao giờ.

- Nè, hổng phải lúc để giỡn đâu nghen! Cô sao nông nổi vầy?

Thêm ngồi dậy, tỉnh bơ đáp.

- Tui có mần gì đâu, đang ngó đông ngó tây rồi trượt giò té xuống.

Anh nhìn qua tụi nhỏ, tụi nó lắc đầu nguầy nguậy, vác cần xé chạy biến. Anh cũng thừa biết, Thêm không phải là vô ý. Cách mấy cũng làm sao giấu được cái ánh mắt sâu lắng, lãnh đạm của Thêm, cô cứ nhìn chòng chọc xuống ao Dâu, có gì tha thiết lắm, đau đớn lắm!

Chị Thêm đứng dậy phủi quần áo, vỗ vai anh.

- Thôi tui về nghen, cảm ơn đã cứu tui một mạng!

- Hôm nay cô không muốn hái rau má hả?

Thêm nghĩ ngợi một chút, lắc đầu.

- Hông, chắc uống nước ao xong lạt miệng quá nên hết muốn ăn!

Cô lên chiếc xe đạp, lộc cộc chạy về.

Sau hôm đó, Sỹ dựng một tấm ván dài bắc từ bờ chỉa ra ao Dâu mấy thước, dựng mấy cây cọc xung quanh để làm tay vịn. Ao này khá sâu, lại có thêm mớ sen, mớ lục bình nên nhiều khi vướng chân, gặp người biết bơi chập choạng cũng đủ “tèo”. Vừa làm, anh vừa nghĩ ngợi: "Chiều chiều cho Thêm ra ngồi vọc nước!". Thế là, anh lấy thêm mấy cái dây buộc, làm vài cái nơ cột lên cọc.

Cả hai là bạn từ tấm bé, ở cùng trong xóm Tam Điệp. Xóm nhỏ, nhà nào nhà nấy san sát và yêu thương nhau. Sỹ mồ côi, được bà con thay nhau nuôi lớn. Anh dựng nhà ở gần ao Dâu, ai thuê gì thì làm nấy. Nhà chị Thêm là thương anh nhất, cứ hễ có gì ngon, bác gái cũng kêu đem sang cho anh, khi thì xoài chín, khi thì chảo cá kho, khi thì nải chuối sứ,... Cứ thế, họ thân thiết với nhau lúc nào không hay. Thêm hay ghẹo Sỹ:

- Sau này, cậu đi cưới vợ ở gần thôi. Đi xa là nhà tôi buồn dữ lắm à!

- Cô Thêm có buồn hông?

- Buồn chớ!

Thêm ngây thơ, hớn hở trả lời mà đâu có để ý, hai tai và má của người kia đã đỏ như quả gấc chín rồi. Mà cái tình này đâu phải muốn nói là dễ! Ít nhiều gì cũng biết ra bờ Dâu, dốc mặt mình xuống rồi soi xét. Xong lại quay ngược ra nhìn căn nhà lá te tua, chỗ lá mục cũ kia mỗi khi mưa xuống phải đẩy cái lu hứng, nặng muốn… ná thở! Chắc có mỗi luống rau má tươi là có giá, vì Thêm thích rau má lắm nên Sỹ đặc biệt trồng một khu riêng cho cô thỏa thích hái. Thêm đẹp người, đẹp nết, ai cũng thích, hơn nữa nhà Thêm cũng là ân nhân nuôi mình từ bé. Bởi vậy, Sỹ chỉ có thể giữ khoảng cách từ xa, được nói chuyện với nàng đã là quý hóa lắm.

Dạo từ đó, mỗi lần thấy cô lảng vảng ở gần ao Dâu, Sỹ lại ra “canh gác”, không để cô trượt chân nữa hoặc có thì nhảy xuống ngay còn kịp. Cái chuyện Thêm nhảy ao lan ra khắp xóm. Má chị biết, bắt nằm chổng mông lên ván, đánh cho mấy roi đau điếng. Vậy mà chị cũng chỉ cười hì hì.

- Má còn sức để đánh con là con mừng hớn!

Má chị cũng chịu thua đứa con khéo miệng, không đánh nữa, vùng vằng bỏ vào trong phòng.

Một trưa nóng nực, ve kêu râm ran trên những tán cây bàng già, ông Năm kêu Sỹ sang nhà để xây giúp ông cái hàng rào chặn gà, vịt không chạy lung tung, anh vui vẻ đi ngay. Đến nơi, thấy có các bà, các cụ làm nông đang ghé lại nhà ông để tránh nắng với nhâm nhi ly trà đá cho mát bụng. Bác Hiệp ngó sang, ghẹo Sỹ.

- Thằng này mới đó mà nay đã đẹp trai, cao lớn tồng ngồng, có em người yêu nào chưa, để tụi tao còn… bốc thăm coi ai ngồi sui?

Nhìn Sỹ bẽn lẽn xoa tay, các bác cười, rôm rả trò chuyện, lâu lâu quay sang ngoắt Sỹ vào trong nghỉ mệt rồi ra làm tiếp. Có một bác vừa từ thành phố về, tò mò hỏi.

- Mà hôm bữa, nghe nói bây nhảy xuống cứu con Thêm hả? Nó bị sao mà nhảy ao bữa đó?

Mọi người nhìn nhau, họ biết trong bụng, có lý do nên Thêm mới vậy, mà không ai dám nói với ai. Sỹ ngượng ngùng.

- Dạ Thêm trượt chân té.

Họ xầm xì, bàn tán với nhau.

- Ừ chắc do chuyện đó, nó buồn quá nên mới dại dột.

- Từ bữa đó tới nay, con Thêm cứ như người mất hồn, khờ khờ, “mát mát”!

- Tội nghiệp con nhỏ, còn trẻ mà chịu cú sốc lớn vậy! Hôm qua, nó ra chợ mua bó rau muống mà ngồi ngẩn tò te cả buổi trời, tui lay mấy cái mới sực tỉnh.

Ông Năm pha xong ấm trà, nhanh nhảu cắt lời.

- Thôi thôi! Chuyện nhà người ta, các anh bàn tán làm gì, sắp quá trưa rồi, nghỉ ngơi uống chút trà gừng này rồi ai làm việc nấy!

- Ừ ông nói phải, thôi anh chị ngồi chơi, tui ra đồng trước cho kịp ngày lái mua.

Rồi ai cũng nhớ ra công việc còn đang dang dở, húp nhanh ly trà rồi vác liềm, rựa,... ra đồng. Còn ông Năm ở lại với Sỹ, ông vỗ vai anh.

- Hên là nhờ có con, Thêm mới được cứu, con ráng coi chừng và giúp đỡ nó qua khoảng thời gian khó khăn này.

Anh ậm ừ, cũng ra nắng làm cho xong cái chuồng rồi quay về, nhỡ trong lúc không có anh ở đó, Thêm lại ra ao Dâu thì sao, nghĩ tới thôi đã thấy sốt ruột. Chiều tà, anh thấy Thêm lại ra bờ ao, ngồi bó gối, mắt nhìn xa xăm. Ánh chiều phả xuống gương mặt gầy gò, hốc hác của người con gái xinh đẹp, điểm thêm cho mái tóc suôn mượt thêm phần óng ả, nhìn Thêm như bước ra từ bức tranh vậy. Thêm yên lặng nhìn mặt trời lặn dần, rồi khuất bóng. Sỹ ngồi bên hiên, yên lặng nhìn Thêm, cho đến khi cô đứng dậy, phủi quần áo rồi lại lủi thủi đi về.

Hôm sau, Sỹ đang đan lưới đánh cá để chuẩn bị cho mùa nước nổi thì anh lại nghe một tiếng “Ùm” thật khẽ, nghĩ có chuyện không lành, anh quẳng lưới sang một bên và chạy ra ao Dâu.

- Cô Thêm!

Anh nhảy tùm xuống ao, thấy Thêm đang cố lặn xuống đáy, anh móc hai tay vào nách cô và cố bơi ngược lên. Thêm vùng vẫy một hồi nhưng rồi cũng ngoan ngoãn để anh kéo lên. Lên tới được bờ, Sỹ giận quá, trách móc cô.

- Cô làm gì vậy hả?! Cô không thương má nữa sao? Cô làm thế, thì…

Thêm nằm sõng soài, ngước mặt nhìn lên trời, đôi mắt đỏ hoe không nói gì.

Sỹ hạ giận, nằm xuống, nhỏ nhẹ nói.

- Cô làm thế thì anh Hoàng sẽ buồn lắm…

Nghe đến anh Hoàng, Thêm bật khóc tức tưởi. Sỹ ở bên cạnh, không nói không rằng, chỉ lẳng lặng nghe Thêm khóc cho đã đời.

Anh Hoàng là thầy giáo ở thành phố, anh xin về xóm Tam Điệp nghèo khó, xa xôi này để dạy cho trẻ em ở đây biết chữ. Nghe có thầy giáo về, bà con mừng rỡ lắm, vì cái chốn “khỉ ho cò gáy” này có mấy ai mà quan tâm tới, vậy nên tụi trẻ con ngoài mấy con số đếm để phụ cha mẹ tính tiền thì nửa chữ cũng không biết. Mọi người yêu quý thầy vì thầy chất phác, thật thà và hiền hậu, ai có đồ ăn cũng mang sang, nhà chị Thêm cũng vậy. Rồi, Thêm yêu thầy lúc nào không hay. Chắc chị yêu lúc thầy cần cù viết bảng, lúc thầy sớm mai đã dậy để dạy bọn trò hiếu học và cái ánh mắt dịu dàng quá đỗi của thầy dành cho chị. Họ yêu nhau, cả xóm ai cũng biết và chúc phúc. Nhưng có một ngày, cũng vào mùa nước nổi, có đứa bé đi học, bị trượt chân té xuống ao Dâu, anh Hoàng nhảy xuống cứu nó rồi bị lục bình vướng vào chân, đuối nước mất.

Thêm khóc chưa dứt, trong tiếng nấc dài, cô lí nhí:

- Anh Hoàng… dưới này lạnh… lắm! Cậu để tôi tìm… anh!

Sỹ nhẹ nhàng nói.

- Nếu nhìn thấy cô cứ đau buồn thì anh ấy sẽ không vui và mãi lưu luyến ở nơi này hoài. Anh Hoàng là người tốt, chắc chắn anh ấy không phải nằm ở dưới đáy ao lạnh lẽo này mà giờ đây đang ở một nơi thật đẹp và nhìn xuống đây.

Anh thở dài.

- Vậy nên… cô Thêm ở lại, cũng phải cố sống thật tốt, để thay cho phần anh ấy nữa.

Cứ thế, hai người nằm trên bờ ao Dâu, không ai nói với ai tiếng nào nữa mà cứ để tiếng ve lấn át khung trời tĩnh lặng.

Từ đó cũng không ai thấy Thêm thẫn thờ như người mất hồn, chị lại cười nói vui vẻ như xưa. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm: “Chắc con nhỏ hết buồn rồi! Mừng quá trời!”. Duy chỉ có Sỹ mới biết, chiều nào Thêm cũng ra bờ Dâu mà ngồi cho đến trời sụp tối mới quay về. Lâu lâu, chị quay sang ngắm nghía mấy cái nơ vụng về, rồi lại quay đầu nhìn anh, lúc nào anh cũng lẳng lặng ngồi sau hiên nhìn về phía chị. Sỹ biết, Thêm biết, anh chờ chị nhưng chị cũng đang chờ mình, chờ đến khi nào lòng chị nhìn ao Dâu đã thôi rưng rức nhớ...

Bởi thương sớm đợi, tối chờ

Không thương ai ở dật dờ chi đây!./.

Thùy Dương

Chia sẻ bài viết