Nông dân chủ động làm đất trước khi gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2019-2020
Xuống giống hơn 13.367ha
Đến nay, toàn tỉnh xuống giống hơn 13.367ha lúa ĐX 2019-2020, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Đước, Mộc Hóa, Bến Lức,... Tại huyện Tân Thạnh đã xuống giống trên 9.300ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Nhơn Hòa, Nhơn Ninh, Tân Ninh. Hiện các trà lúa trên 20 ngày tuổi, đang trên đà phát triển tốt, ít sâu, bệnh phá hoại. Tuy nhiên, mấy ngày qua, mưa to kết hợp triều cường đã làm cho nước lũ lên nhanh, có khoảng 250ha lúa ĐX 2019-2020 nằm ở khu vực đê bao lửng xã Nhơn Hòa bị đe dọa. Trước tình hình nước lũ đổ về nhanh, đê bao lửng còn thấp, nhiều đoạn xung yếu nước lũ đã mấp mé, tràn bờ; ngành chức năng huyện khuyến cáo người dân không nên nôn nóng, tự xuống giống không theo lịch thời vụ, tránh lũ, né sâu, rầy,…
Tại các huyện khác, nông dân đang chủ động xả đồng đón lũ, vệ sinh đồng ruộng nhằm cắt đứt nguồn thức ăn, nơi trú ẩn và phát triển của dịch hại, nhất là nguy cơ rầy nâu truyền bệnh lùn lúa cỏ và lùn xoắn lá là rất cao. Ông Trần Văn Lập (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Nông dân ở đây ai cũng chú trọng khâu vệ sinh đồng ruộng, trục bừa thật kỹ để mặt ruộng phẳng; đồng thời, tu sửa bờ bao sau khi rút nước trong ruộng để thực hiện tốt giải pháp né sâu, bệnh khi xuống giống lúa”. Còn ông Nguyễn Văn Kiệt (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh) lo lắng: “Theo dự báo, năm nay lũ nhỏ, mưa ít trên toàn khu vực dẫn đến nhiều nguy cơ hạn, xâm nhập mặn cao ở mùa khô năm 2019-2020 và một số sinh vật gây hại có nguy cơ bùng phát gây ảnh hưởng xấu cho sản xuất lúa ĐX 2019-2020, nhất là chuột, sâu năn, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá,… Vì vậy, để xuống giống vụ này, tôi chủ động cày, xới và xử lý tận gốc mầm mống sâu, bệnh để có vụ mùa thắng lợi. Hiện tôi chuẩn bị gieo sạ hơn 3ha theo lịch thời vụ đợt 1”.
Theo đánh giá của ngành chức năng, năm 2019 có khả năng lũ nhỏ, do vậy người dân nên tiến hành cày, xới, không nên để đất lâu ngày không cày hoặc xới vì sẽ làm cho đất chai lì, tầng canh tác thấp; rễ lúa phát triển kém do không ăn sâu xuống được sẽ dẫn đến cây lúa yếu, dễ đổ ngã và năng suất sẽ giảm. Chú ý khi cày, xới xong nên đắp bờ giữ nước mưa lại để phân hủy rơm rạ và lúa chét, tránh sau này bị ngộ độc hữu cơ cho lúa (đối với vùng gò không nước lũ vào). Đồng thời, tăng cường diệt chuột, ốc bươu vàng bằng nhiều biện pháp, tránh diệt bằng thuốc hóa học làm ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh và môi trường không khí. Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ rầy nâu gây hại và truyền bệnh lùn lúa cỏ và lùn xoắn lá, người dân cần tuân thủ lịch xuống giống của ngành chuyên môn để bảo đảm vụ sản xuất đạt thắng lợi.
Để vụ Đông Xuân đạt hiệu quả
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa lũ 2019 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ ở mức thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và mùa mưa kết thúc sớm. Tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm. Mực nước trước nguy cơ thấp hơn năm 2015, là năm lũ rất nhỏ kéo theo hệ lụy xâm nhập mặn và hạn gay gắt năm 2016, kịch bản này có khả năng lặp lại, thậm chí là nghiêm trọng hơn trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, gây bất lợi cho sản xuất.
Theo đó, lũ thấp dẫn đến nước vô đồng hạn chế, ít phù sa bồi đắp cho ruộng, các độc chất và mầm bệnh còn lưu tồn không được rửa trôi sẽ gây khó khăn cho sản xuất lúa vụ ĐX 2019-2020 và dự báo một số đối tượng dịch hại như chuột, ốc bươu vàng,... có thể xuất hiện, gây hại vào đầu vụ. Ngoài ra, sản xuất lúa ĐX chính vụ thời tiết nắng nóng ở giai đoạn đòng - trổ là điều kiện thích hợp cho rầy phấn trắng, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện gây hại.
Để khắc phục những khó khăn, bất lợi này, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương hướng dẫn nông dân bố trí cơ cấu giống hợp lý, chủ động khắc phục khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; xuống giống tập trung, né rầy theo khung lịch thời vụ; bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, an toàn và hiệu quả; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế đồng ruộng như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM,... Cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã cùng nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường, bất lợi trong sản xuất lúa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, sở chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp địa phương quản lý, thực hiện đúng lịch gieo sạ, hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là về lúa giống, tăng diện tích gieo trồng giống chất lượng cao gắn với sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, hợp tác, liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm,… Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bố trí cơ cấu nhóm giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, chủ yếu là các nhóm giống: Lúa thơm và lúa nếp ST 24, RVT, VD 20, IR 4625, OM 406,...; nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao và thơm nhẹ: OM 4900, OM 7347, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9,…; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn khá - tốt: OM 5451, OM 6976, OM 576,…; đồng thời, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và theo dõi cập nhật thông tin về giá cả thị trường, dịch bệnh trên cây trồng, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về diễn biến của thời tiết. Bên cạnh đó, sở phối hợp chặt chẽ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và Trung ương để có dự báo, cảnh báo cụ thể tình trạng xâm nhập mặn, hạn, tình hình mưa, lũ,…; theo dõi, quản lý chặt chẽ dịch bệnh trên cây trồng ở từng khu vực nhằm xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt và hiệu quả, hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại sản xuất. Sở chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi phối hợp các địa phương vận hành tốt hệ thống cống điều tiết nước để phục vụ sản xuất; rà soát lại các hệ thống công trình cống, đập, nạo vét kênh, mương trữ nước khi cần thiết; vận động nông dân nạo vét kênh, mương, gia cố bờ bao, cống, đập, chủ động bơm tát, gieo sạ đồng loạt,... Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,... cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học giúp rơm rạ được phân hủy nhanh, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan sang vụ ĐX 2019-2020.
Nông dân mở đồng đón lũ, chuẩn bị gieo sạ lúa vụ Đông Xuân khi lũ rút
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng để hạn chế dịch hại; các huyện phía Bắc cần tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo sạ dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 trong tháng 12/2019; các huyện phía Nam cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường và xâm nhập mặn nên chuyển sang các cây trồng ngắn ngày và áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm để bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng./.
Dự kiến lịch thời vụ xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020:
Đợt 1 từ ngày 18 đến 25/10/2019 (các huyện phía Bắc vùng gò biên giới khả năng thiếu nước cuối vụ); đợt 2 từ ngày 18 đến 30/11/2019 (các huyện vùng đất trung bình, vùng có đê bao); đợt 3 từ ngày 15 đến 31/12/2019 (các huyện vùng trũng không có đê bao).
|
Huỳnh Phong