Thu hoạch vụ lúa Đông Xuấn
Vụ Đông xuân bất lợi, nhưng tăng năng suất
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nhưng nhờ triển khai tốt các giải pháp ứng phó nên nông dân trên địa bàn tỉnh có một vụ ĐX được mùa, được giá. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn sớm, thiếu nước ngọt phục vụ cây trồng vụ ĐX 2019-2020 nên các huyện phía Nam như Tân Trụ, Thủ Thừa và TP.Tân An,... phải tăng chi phí bơm tưới, một số nơi thiệt hại giảm năng suất lúa từ 30-70%. Lúa ĐX 2019-2020, toàn tỉnh gieo sạ ước đạt 227.235ha, đạt 99,98% kế hoạch, bằng 98% so với vụ ĐX 2018-2019 (giảm 4.733ha), do hạn, mặn thiếu nước tưới các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, TP.Tân An chủ động bỏ vụ, một số ít diện tích chuyển sang trồng cây khác.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Vụ ĐX 2019-2020 diện tích giảm nhưng bù lại, năng suất tăng, giá cũng tăng nên nông dân có lợi nhuận tăng, ước bình quân từ 15-20 triệu đồng/ha, cao hơn 2-3 triệu đồng/ha so với vụ ĐX 2018-2019. Đến nay, toàn tỉnh thu hoạch 226.245ha lúa ĐX, năng suất khô ước đạt 64,6 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1,46 triệu tấn, giảm khoảng 9.200 tấn so với vụ ĐX 2018-2019 do giảm diện tích và có 990ha bị mất trắng, đạt 54% kế hoạch năm 2020 (2,7 triệu tấn)”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn Long An, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh trong tháng 4/2020 sẽ còn khốc liệt hơn trước đây. Độ mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sẽ xâm nhập sâu hơn lên vùng Đồng Tháp Mười gồm các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ. Các địa phương vùng Đồng Tháp Mười nên đắp đập ngăn mặn tạm thời trên các sông, rạch lớn; khuyến cáo các hộ nông dân nên trữ nước khi độ mặn còn thấp để đề phòng nước mặn xâm nhập sâu.
|
|
Hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 1.000ha chưa thu hoạch, tập trung ở các huyện phía Nam, chủ yếu là Tân Trụ. Phần lớn diện tích này bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, trong đó có hàng trăm hécta bị mất trắng. Còn tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, lúa ĐX 2019-2020 đã thu hoạch dứt điểm, nông dân đang chuẩn bị vụ Hè Thu sắp tới. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin: “Vụ ĐX 2019-2020, toàn huyện gieo sạ khoảng 36.234ha và đã thu hoạch xong. Hiện giá lúa ổn định, năng suất tăng nên nông dân có lãi khá”. Anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Vĩnh Đại, vui vẻ cho biết: “Qua đếm sơ bộ các bao lúa vừa thu hoạch xong cho thấy, năng suất lúa của ruộng tôi ước tăng hơn 1 tạ/ha so với vụ ĐX 2018-2019. Không riêng gì lúa của tôi mà hầu hết lúa ở cánh đồng này đều trúng mùa”. Tiếp lời anh Hùng, anh Lê Văn Nhỏ nói: “Nhờ gieo sạ đúng lịch thời vụ, không bị ảnh hưởng của thời tiết, các loại sâu, bệnh gây hại nên lúa hạt dài hay lúa tròn năm nay trúng đều đồng”. Anh Nhỏ khoe: “Tính trung bình mỗi công đạt gần 17 bao. Nếu so với vụ ĐX 2018-2019 là hơn 3 bao/công”.
Bên cạnh đó, đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh cũng tương đối ổn định. “Trên địa bàn tỉnh có 24 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 1 doanh nghiệp FDI. 2 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu được 98.640 tấn gạo, trị giá 40 triệu USD, tăng 59% về sản lượng và 58% về giá trị. Ước quí I-2020, các doanh nghiệp xuất khẩu được 139.600 tấn, đạt 62,3 triệu USD” - ông Truyền cho biết thêm.
Vụ Đông Xuân 2020, năng suất tăng trước những khó khăn
Phấn đấu sản lượng lúa cả năm trên 2,7 triệu tấn
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, nhằm phấn đấu sản lượng lúa cả năm đạt trên 2,7 triệu tấn, ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông 2020. Các địa phương phải tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa Hè Thu hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ ĐX ít nhất 3 tuần thích ứng, linh hoạt với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm gắn với bản đồ cơ cấu mùa và lịch né rầy. Dự kiến thời vụ xuống giống: Đợt 1 từ ngày 10 đến 20/4/2020 (các địa phương vùng trũng Đồng Tháp Mười); đợt 2 từ ngày 08 đến 23/5/2020 (toàn tỉnh); đợt 3 từ ngày 05 đến 20/6/2020 (các huyện phía Nam). Những vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng nước trời kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Riêng về cơ cấu giống, ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường xuất khẩu, cần chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực: OM 4900, OM 5451, nếp, Đài thơm 8, RVT, Nàng Hoa 9, ST, OM 6976,… Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: AS996, OM 5451, OM 6976,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.
“Ngoài ra, các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,...; cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma, Sumitri,... giúp rơm rạ được phân hủy nhanh, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan sang vụ Hè Thu; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5, giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó chú trọng tuyên truyền thường xuyên việc giảm lượng giống gieo sạ, lượng giống gieo sạ khuyến cáo khoảng 100kg/ha; tổ chức khuyến cáo nông dân ứng dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ cho lúa và tưới nhỏ giọt, phun mưa cho cây trồng khác điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra sự cố rò rỉ nước mặn tại các cửa cống, hoàn chỉnh hệ thống đê bao dọc theo sông lớn, xây dựng các công trình ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây lúa của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường” - ông Truyền nói thêm.
Tình hình tiêu thụ lúa ĐX 2019-2020 tương đối thuận lợi, hiện tại giá bán cao hơn so cùng kỳ năm 2019. Lúa IR 50404 từ 4.600-4.900 đồng/kg, tăng từ 100-200 đồng/kg; OM các loại (OM 4900, OM 6976,...) từ 5.200-6.000 đồng/kg, tăng 700-1.000 đồng/kg; Đài thơm, Nàng Hoa 9, RVT từ 5.500-5.700 đồng/kg, tăng 200-900 đồng/kg; ST 24 từ 6.700-7.500 đồng/kg. Nếp từ 6.000-6.800 đồng/kg, tăng từ 1.000-1.400 đồng/kg./.
|
Huỳnh Phong