Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Long An
1. Những ngày xuân, chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sáu, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Trong căn nhà tình nghĩa giữa vùng quê miền hạ, mẹ Sáu tận hưởng những phút giây yên bình cùng người con gái út và đứa cháu ngoại. Nhìn cuộc sống bình dị hiện nay, ít ai biết được rằng, cuộc đời mẹ trải qua nhiều cay đắng. Ngày đất nước còn chiến tranh, ở làng quê Tân Tập, nhiều gia đình đưa tiễn chồng, con lên đường chiến đấu. Hai người con lên đường theo tiếng gọi quê hương, mẹ dặn lòng phải mỉm cười để động viên các con. Và chưa đầy 2 năm sau, chiến tranh cướp đi của mẹ cả 2 người con. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mẹ nhận được tin con trai hy sinh. Tiếp sau đó, người con gái của mẹ là Thượng sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cũng ra đi,...
Nén nỗi đau, hằng ngày, mẹ vẫn tham gia sản xuất, nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng đến khi đất nước được giải phóng. Hiện nay, bước qua tuổi 90, sức khỏe mẹ yếu dần. Được sự quan tâm, chăm sóc của địa phương và các ngành, đoàn thể, mẹ cảm thấy an ủi phần nào. Mỗi lần mẹ đau ốm, xã đều cử người đến thăm hỏi, động viên.
Đón xuân vừa qua, mẹ Sáu ấm lòng hơn khi nhìn thấy con đường dẫn vào nhà mình được tráng bêtông, trong đó có sự đóng góp của Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện cùng một số bạn trẻ địa phương. Các bạn không ngại vất vả, tranh thủ những ngày cận tết cùng nhau trộn bêtông, khuân vác vật liệu để công trình sớm hoàn thành.
Lau vội những giọt mồ hôi, Bí thư Đoàn xã Tân Tập - Nguyễn Thị Ngọc Giàu nói: “Hoàn cảnh của mẹ đơn chiếc nên chúng tôi thường sang nhà trò chuyện với mẹ. Hiện nay, Đoàn xã xây dựng câu lạc bộ tình nguyện với hơn 40 người. Họ sẵn sàng đến các gia đình chính sách dọn vệ sinh, nấu cơm, chăm sóc, lau dọn bàn thờ,... góp phần cùng địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa”.
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương, tuổi trẻ càng ý thức hơn những việc làm này để bồi dưỡng, rèn luyện, giáo dục tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Không chỉ trong dịp xuân về, tết đến mà ngày thường, các bạn đều đến thăm nom, chăm sóc,... gia đình chính sách. Hiện tại, Huyện đoàn nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hai, ngụ xã Phước Lâm. Mẹ Hai năm nay 95 tuổi. Mỗi lần ghé thăm mẹ, các bạn trẻ lại lo lắng cho sức khỏe của mẹ mỗi ngày một yếu. “Mấy tháng trước, mẹ Hai bị bệnh phải điều trị ở bệnh viện, chúng tôi thay phiên nhau cùng gia đình chăm sóc,... Mừng là sức khỏe mẹ hồi phục, về vui tết cùng gia đình” - chị Phương chia sẻ.
Đoàn viên, thanh niên làm đường vào nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sáu dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018
2. Với khí phách “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang’’, trong bảng vàng danh dự ghi dấu công lao to lớn của các Mẹ VNAH. Có mẹ phải lần lượt tiễn các con để rồi không bao giờ được gặp lại con nữa. Một trong số đó là mẹ Phạm Thị Uyển, sinh năm 1928, ngụ phường 4, TP.Tân An.
Mẹ nói rằng, rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Long An “trung dũng kiên cường” và càng tự hào hơn khi cả mẹ chồng và mẹ ruột của mẹ Uyển đều là Mẹ VNAH. Mẹ Uyển có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đón Xuân Mậu Tuất vừa qua, mẹ Uyển vui trước những tình cảm của con cháu dành cho mình cũng như sự quan tâm, ân cần thăm hỏi của chính quyền địa phương. Mẹ nói: “Tôi cảm thấy vinh dự vì gia đình có đến 3 người được nhận danh hiệu Bà Mẹ VNAH. Vì vậy, tôi luôn giáo dục con cháu phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình’’.
Còn gia đình bà Lê Thị Yến, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện nay. Bản thân bà Yến là người có công với cách mạng. Khi về sinh sống tại địa phương, bà được quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn làm kinh tế, các con của bà được giới thiệu học nghề,... Cuộc sống hiện tại của gia đình bà ổn định. Bà thông tin, chế độ chi trả, trợ cấp kịp thời, đúng, trúng đối tượng. Vào những dịp lễ, tết, chính quyền địa phương ân cần thăm hỏi, chăm lo các đối tượng có công. Bà mừng trước sự thay đổi của quê hương! Mới đây, khi tuyến đường đi ngang trước nhà được trải đal, bà và những hộ dân đón tết ấm cúng và vui tươi hơn.
Quan tâm thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách
3. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh trợ cấp tết cho 87.987 đối tượng người có công, với tổng kinh phí trên 21 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 8 tỉ đồng, ngân sách tỉnh chi trên 7,8 tỉ đồng, ngân sách huyện khoảng 1,2 tỉ đồng, còn lại từ các nguồn vận động.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 15,675 tỉ đồng, đạt 522,50% kế hoạch. Tỉnh hỗ trợ xây dựng 362 căn nhà cho người có công, kinh phí 17,515 tỉ đồng; sửa chữa 397 căn, kinh phí 9,48 tỉ đồng.
Toàn tỉnh có 127 tập thể và 90 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; có 5.128 mẹ được phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà Mẹ VNAH’’; có hơn 2.800 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương tù đày; gần 80.000 người có công được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến,...
Những năm qua, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Tỉnh đang quản lý chi trả trợ cấp hàng tháng cho 22.000 đối tượng người có công với cách mạng với số tiền hàng năm trên 300 tỉ đồng. Vào những dịp lễ hoặc Tết Cổ truyền dân tộc, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến các địa phương đều tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng có công. Riêng những Mẹ VNAH còn sống được phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời. Đây là một trong những nét đẹp của lòng tri ân./.
Thanh Nga