Tiếng Việt | English

06/08/2019 - 20:25

Vượt khó vươn lên

Bằng ý chí, nghị lực vượt khó cộng với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều cựu chiến binh, thương binh vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm 1976, ông Hoàng Hồng Vịnh, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ ở chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1981, ông xuất ngũ và lập gia đình. Ba người con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn trăm bề. Năm 1987, gia đình ông quyết định “khăn gói” đến xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng lập nghiệp. Tại đây, ông Vịnh làm đủ nghề như cắt cỏ, lái máy cày thuê,... Ngoài ra, năm 2004, ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vĩnh Hưng cho vay 5 triệu đồng để chăn nuôi heo. Sau đó, ông tiếp tục được vay 50 triệu đồng để mua máy xay xát lúa gạo mini. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá ở địa phương. Ông Vịnh trải lòng: “Là thương binh, tôi luôn tự nhủ phải vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con cháu, đồng đội học tập kinh nghiệm, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh”.

Ông Hoàng Hồng Vịnh chăm chỉ lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Vịnh còn tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo như xây nhà tình thương, tặng quà, phát thuốc miễn phí, khám bệnh,... Bà Phan Thị Hoa (vợ ông Vịnh) bộc bạch: “Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn nên vợ chồng tôi hiểu được hoàn cảnh của người nghèo, chung tay giúp đỡ họ. Có thể đối với nhiều người, sự giúp đỡ của vợ chồng tôi không lớn nhưng với người nghèo, nó có ý nghĩa về vật chất lẫn tinh thần, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

Theo chân Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi vịt đẻ khép kín của cựu chiến binh Trần Văn Sở, ngụ ấp Bình Điện. Được biết, trước khi nuôi vịt đẻ, ông Sở từng nuôi nhiều loại vật nuôi khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trong một lần ông đến thăm người bạn và học hỏi được mô hình nuôi vịt đẻ. Đầu tiên, ông nuôi thử nghiệm vài trăm con vịt giống nông nghiệp lai vịt siêu nạc. Do nắm bắt được kỹ thuật và chuồng trại phù hợp nên vịt phát triển tốt, tỷ lệ đẻ trứng rất cao. Sau đó, ông tiếp tục mở rộng chuồng trại, đến nay, đàn vịt của ông gần 2.200 con. 

Ông Sở chia sẻ: “Nuôi vịt đẻ đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt nhất là khâu chọn giống, bởi chọn được giống tốt thì sản lượng trứng rất cao. Vịt nuôi từ 4-5 tháng bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng 2 năm. Hiện nay, mỗi ngày, đàn vịt của tôi đẻ từ 1.200-1.500 quả trứng”. 

Điều đáng ghi nhận ở ông Sở là việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư lò ấp trứng tự động. Trứng ấp bằng lò ấp tự động đạt từ 90-95%. Trứng sau khi ấp đều được thương lái đến tận nơi thu mua. Bình quân mỗi năm, gia đình ông có lãi hàng trăm triệu đồng. Ông Sở cho biết: “Để có được kết quả trên, gia đình được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Trụ cho vay 50 triệu đồng để đầu tư lò ấp trứng tự động. Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi có điều kiện vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2016 và xây dựng được ngôi nhà tường khang trang”.

Ông Vịnh, ông Sở, mỗi người có cách làm giàu riêng nhưng đều có điểm chung là nghị lực vượt khó và nhận được sự hỗ trợ vốn kịp thời từ Ngân hàng Chính sách Xã hội trong hành trình vươn lên làm giàu./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết