Tiếng Việt | English

24/10/2020 - 19:18

WHO cảnh báo dịch bệnh ở Bắc bán cầu, số ca mắc ở châu Âu cao báo động

Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết có quá nhiều nước đang chứng kiến số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, khiến các cơ sở chăm sóc sức khỏe hoạt động quá tải hoặc gần hết công suất.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 23/10/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 23/10/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các nước ở Bắc bán cầu đang trong giai đoạn dịch COVID-19 nguy cấp khi mà đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,1 triệu người và làm gần 42 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết có quá nhiều nước đang chứng kiến số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, khiến các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe hoạt động quá tải hoặc gần hết công suất.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại Anh và 23 nước thành viên của liên minh này vẫn rất "đáng quan ngại."

Theo đánh giá mới nhất của ECDC, toàn bộ các nước thành viên EU, ngoại trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức đáng báo động. Trước đó 1 tháng, danh sách này chỉ có 7 nước.

Nhiều nước châu Âu ngày 24/10 thông báo có thêm số ca nhiễm mới cao nhất trong 24 giờ qua. Cụ thể, Cộng hòa Séc ghi nhận thêm 15.252 ca nhiễm mới trong ngày 23/10.

Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở Séc kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, Séc có tổng cộng 238.323 bệnh nhân COVID-19 trong tổng số 10,7 triệu dân, trong đó có 1.971 ca tử vong (sau khi có thêm 126 ca tử vong mới).

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Manchester, Anh trong bối cảnh các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chuẩn bị được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 22/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Manchester, Anh trong bối cảnh các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chuẩn bị được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 22/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Slovakia có thêm 2.890 ca nhiễm (mức cao nhất từ trước đến nay) và 25 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 40.801 ca và 159 ca tử vong.

Cùng ngày, Nga thông báo 16.521 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua sau khi ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trên 17.300 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.497.167 ca. Tổng số ca tử vong ở nước này đến nay là 25.821 ca.

Tại Đức, trước tình hình dịch bệnh xấu đi mỗi ngày, giới chức nước này đã hối thúc người dân hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội cũng như hoạt động đi lại không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.  

Trong một tuyên bố ngày 24/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh nếu người dân giảm tiếp xúc, "chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với thách thức lớn này." 

Mặc dù nước Đức không bị đại dịch COVID-19 hoành hành nghiêm trọng như nhiều nước châu Âu khác, nhưng hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này đã vượt quá con số 10.000 người.

Trong khi đó, ngày 22/10 vừa qua cũng ghi nhận số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 ca và số bệnh nhân COVID-19 tại Đức hiện là 417.000 ca. Giới chức Đức đã khuyến cáo người dân không đi nghỉ Đông tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Áo, Italy và Thụy Sĩ.

Khách du lịch tại Berlin, Đức ngày 4/8/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khách du lịch tại Berlin, Đức ngày 4/8/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, từ ngày 25/10, thủ đô Sofia của Bulgaria chính thức đóng cửa các hộp đêm và vũ trường trong hai tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Thông báo về quyết định này ngày 24/10, Thị trưởng Sofia, bà Yordanka Fankakova cũng đồng thời kêu gọi các trường đại học tại thủ đô có khoảng 2 triệu dân này chuyển sang hình thức học trực tuyến, các chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà.

Bà nhấn mạnh tình hình lây nhiễm bệnh COVID-19 tại Sofia là rất đáng báo động, số người nhiễm mới tăng lên mỗi ngày, tỷ lệ thuận với số bệnh nhân nhập viện điều trị. Điều này khiến hệ thống y tế của thủ đô bị quá tải.

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, trong 3 tuần qua, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Bulgaria liên tục tăng cao. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.589 bệnh nhân nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 36.519 người trong khoảng 7 triệu dân.

Riêng tại thủ đô Sofia, số ca nhiễm mới trong một ngày qua là 584. Hiện Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cùng ba bộ trưởng đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một thứ trưởng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2./.

Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết