Chất tạo ngọt aspartame có trong các loại đồ uống cho người ăn kiêng, cũng như các sản phẩm từ sữa như sữa chua, ngũ cốc ăn sáng... - Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, WHO không thay đổi khuyến cáo về mức tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được đối với aspartame.
Kết luận trên được đưa ra dựa trên hai hoạt động nghiên cứu, phân tích và đánh giá dữ liệu về mối liên quan giữa bệnh ung thư và chất aspartame, được sử dụng phổ biến trong một số thực phẩm và đồ uống.
Hoạt động thứ nhất là của Cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC) thuộc WHO tiến hành đợt đánh giá chưa từng có trước đây về khả năng gây ung thư của chất aspartame tại một cuộc họp ở Lyon, Pháp, từ ngày 6 đến 13-6 vừa qua.
Theo đó chất aspartame được xếp vào danh sách các chất gây ung thư thuộc phân nhóm 2B, sau khi ghi nhận một số bằng chứng cho thấy chất này liên quan đến một loại bệnh ung thư gan. Mặc dù vậy, các thí nghiệm trên động vật cho thấy những bằng chứng này chưa đủ rõ ràng để khẳng định chất này là tác nhân gây ung thư.
Nhóm nghiên cứu thứ hai là Ủy ban chuyên gia chung về phụ gia thực phẩm do WHO cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) thành lập.
Nhóm này đã có cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 27-6 đến 6-7 nhằm đánh giá các nguy cơ gây bệnh liên quan đến chất aspartame.
Dựa vào phân tích và đánh giá dữ liệu, nhóm này kết luận rằng không có lý do gì để thay đổi khuyến nghị mức tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được (ADI) được xác định từ 0 - 40mg/kg thể trọng đối với chất aspartame.
Một lon đồ uống giải khát có gas thường chứa từ 200-300mg chất làm ngọt nhân tạo aspartame. Do đó, người lớn có thể trọng 70kg nếu tiêu thụ hơn 9 đến 14 lon mỗi ngày thì mới vượt quá mức tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được, với giả thiết người đó không tiêu thụ thêm aspartame từ bất kỳ nguồn thực phẩm và đồ uống nào khác.
Tại buổi họp báo trình bày kết quả đánh giá của hai nhóm nghiên cứu nói trên, ông Francesco Branca, giám đốc phụ trách dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO, cho biết: "Chúng tôi không khuyến nghị các công ty thu hồi sản phẩm cũng như không khuyến nghị người tiêu dùng ngừng sử dụng chất này. Chúng tôi chỉ khuyến nghị sử dụng có chừng mực".
Theo giáo sư Paul Pharoah chuyên về dịch tễ học ung thư thuộc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, nhóm 2B cũng bao gồm cả chất chiết xuất từ lô hội và caffeic acid. Vì vậy, giáo sư cho rằng "không nên lo lắng về nguy cơ mắc ung thư do một chất nào đó thuộc nhóm 2B có thể là tác nhân gây bệnh".
Liên quan đến bằng chứng hạn chế về việc chất aspartame có khả năng gây ung thư gan, bà Mary Schubauer-Berigan thuộc IARC cho biết những bằng chứng này được lấy từ 3 nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ và 10 quốc gia châu Âu. Bà cho rằng cần phải làm rõ hơn nữa về mối liên quan giữa ung thư gan và chất aspartame.
Trước thông tin trên, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc ngày 14-7 cho biết nước này sẽ giữ nguyên khuyến nghị về mức tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được đối với chất aspartame. Tuy nhiên, bộ này sẽ giám sát chặt chẽ các sản phẩm sử dụng chất tạo ngọt và sẽ đánh giá tiêu chuẩn của phụ gia thực phẩm nếu thấy cần thiết.
Aspartame có trong những thực phẩm nào?
Aspartame là chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại sản phẩm đồ uống và thực phẩm kể từ những năm 1980.
Chất này được tìm thấy trong các loại đồ uống cho người ăn kiêng, kẹo cao su, gelatin, kem, các sản phẩm từ sữa như sữa chua, ngũ cốc ăn sáng, kem đánh răng, kẹo ngậm trị ho và kẹo dẻo bổ sung vitamin.
|
Theo TTO