Ảnh (minh họa): CNN
Theo đài CNN (Mỹ), đây là 10 nguy cơ lớn về sức khỏe với nhân loại trong năm 2019 mà theo cơ quan sức khỏe cộng đồng của Liên Hiệp Quốc, nếu không có biện pháp giải quyết, nhân loại sẽ rơi vào tình thế rất nguy hiểm.
Chưa rõ việc liệt kê này có được đưa ra theo thứ bậc ưu tiên không, nhưng mối nguy đầu tiên được nhắc tới là việc nhiều người đang chọn không tiêm vắc-xin phòng bệnh khi họ có thể làm điều đó. Điều này đang trở thành mối lo ngại trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ riêng tại quốc gia nào.
WHO khẳng định "tiêm vắc-xin phòng bệnh là một trong những cách tiết kiệm nhất để phòng tránh bệnh tật. Hiện việc này đang giúp ngăn ngừa 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm, và nếu công tác tiêm chủng được cải thiện toàn cầu, con số này còn có thể tăng thêm 1,5 triệu ca khác".
Mối nguy thứ hai là các siêu khuẩn kháng thuốc mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng virus và các loại thuốc kháng sốt rét.
Theo WHO, nguy cơ này hiện đã ở mức báo động và "đe dọa đưa chúng ta quay về thời kỳ mà ta không thể dễ dàng điều trị các bệnh do nhiễm trùng như viêm phổi, lao, lậu và nhiễm khuẩn salmonella".
Khoảng 1,6 triệu người chết mỗi năm vì lao, nhiều người trong đó chết vì các thuốc kháng sinh không còn hiệu lực với họ.
Đáng chú ý khi WHO đưa ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu vào là nguy cơ lớn thứ 3 đe dọa sức khỏe nhân loại. Theo cơ quan này, mỗi năm trung bình có 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí và khoảng 90% người trên thế giới hiện đang phải sống chung với không khí ô nhiễm.
WHO ước tính trong thời gian từ 2030-2050 "biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm vì các nguyên nhân hệ quả của tình trạng này như suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và nắng nóng".
Một nguy cơ nữa cũng được WHO lên tiếng cảnh báo là các bệnh không lây nhiễm. Mặc dù phần lớn mọi người thường lo sợ về những dịch bệnh lây lan, tuy nhiên có đến hơn 70% số ca tử vong toàn thế giới có nguyên nhân từ những bệnh không lây như ung thư, tiểu đường và tim mạch.
WHO cho biết trong số những trường hợp tử vong đó, có 15 triệu người chết sớm, trong độ tuổi 30-69. Các bệnh hiểm nghèo không lây nhiễm này bắt nguồn từ các nhân tố nguy cơ lớn như hút thuốc lá, lười vận động, uống rượu vô độ, chế độ ăn không lành mạnh và ô nhiễm không khí.
Các nguy cơ sức khỏe lớn khác còn lại mà WHO cảnh báo là một đại dịch cúm toàn cầu khác; các nguồn bệnh có nguy cơ cao như Ebola; chăm sóc sức khỏe ban đầu không tốt; những khủng hoảng y tế tại các khu vực xảy ra thiên tai, xung đột; HIV và căn bệnh vẫn luôn là ám ảnh của thế giới: sốt xuất huyết./.
Đỗ Dương/tuoitre.vn