Tiếng Việt | English

29/07/2020 - 11:12

Xã hội hóa chăm lo gia đình chính sách, người có công

Xã hội hóa xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm, tặng quà người có công (NCC), gia đình chính sách (GĐCS) là những việc làm thiết thực, ý nghĩa của tỉnh Long An thời gian qua. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống NCC, GĐCS bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.

Đoàn cán bộ tỉnh thăm, tặng quà thương binh nặng quê Long An đang điều trị ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất

Đoàn cán bộ tỉnh thăm, tặng quà thương binh nặng quê Long An đang điều trị ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất

Cùng với thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho GĐCS, NCC với cách mạng, tỉnh còn vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống NCC, GĐCS.

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, tỉnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 270 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã hỗ trợ xây 168 căn nhà tình nghĩa, bình quân mỗi căn 60 triệu đồng; sửa chữa 517 căn nhà tình nghĩa, bình quân mỗi căn 30 triệu đồng cho NCC với cách mạng và người thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng khó khăn về nhà ở. Trước đây, gia đình ông Dương Văn Tịnh (thương binh hạng 4/4, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) phải sống trong căn nhà xuống cấp, không bảo đảm sinh hoạt. Vì vậy, ông Tịnh luôn mơ ước có được căn nhà vững chãi để ổn định cuộc sống và an tâm lao động. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Tịnh, chính quyền địa phương vận động Ngân hàng TMCP Kiên Long hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Ông Tịnh trải lòng: “Khi còn trẻ, tôi tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Trở về địa phương, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, tôi xây dựng được căn nhà tình nghĩa khang trang. Có được căn nhà mới, tôi mừng lắm!”.

Nhằm tri ân những Mẹ Việt Nam Anh hùng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp UBMTTQ Việt Nam tỉnh phát động phong trào nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời, với mức từ 500.000-2.000.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, công tác thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho GĐCS, NCC luôn được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống GĐCS, NCC mà còn lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác thực hiện chính sách đối với NCC của tỉnh cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện nay, tỉnh vẫn còn một số hồ sơ NCC tồn đọng (mới kê khai thiết lập sau ngày 01/7/2013) chưa có chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH cho giải quyết; công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia; công tác giám định ADN ở 9 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, với hơn 10.000 liệt sĩ chưa biết tên chưa được lấy mẫu sinh phẩm, trong khi đó, càng để lâu càng khó khăn trong công tác giám định ADN,... Đây là những vấn đề thế hệ hôm nay luôn trăn trở, tìm cách giải quyết.

Để giải quyết các khó khăn trên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Đặng Ngọc Tảo cho biết: “Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó tập trung rà soát, giải quyết căn bản các hồ sơ tồn đọng theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời, chế độ ưu đãi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi NCC để trục lợi; xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm giúp gia đình có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; thực hiện việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ đối với những mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin theo quy định tại Thông tư 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 03/6/2014 của liên Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Công văn số 2184/LĐTBXH-NCC, ngày 17-6-2020 về việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ của Bộ LĐ-TB&XH theo phân cấp về quản lý và tài chính,...”.

Với những nỗ lực và giải pháp thiết thực trên, hy vọng, tỉnh sớm giải quyết được các khó khăn trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa, góp phần nâng cao mức sống NCC bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Bởi, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là việc làm thiêng liêng và đầy ý nghĩa của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc.

Toàn tỉnh có trên 125.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong đó, gần 30.000 liệt sĩ, trên 11.000 thương, bệnh binh, 5.294 Mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 149 mẹ); trên 26.000 người và gia đình có công với cách mạng; gần 1.900 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học; gần 2.900 người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.../.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết