Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu
Được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương được đánh giá chất lượng các tiêu chí NTM đứng hàng đầu trong tỉnh Long An. Về Mỹ Lộc, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những tuyến đường liên ấp, liên xã được đầu tư khang trang, sạch đẹp.
Từ một vùng trũng thấp, nay những tuyến đường sạch đẹp đang làm thay đổi quê hương Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường anh hùng
Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc - Nguyễn Tấn Phục cho biết: “Xã nhà xây dựng và đạt chuẩn NTM, kết quả đó từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp rất lớn của người dân. Hàng ngàn mét vuông đất với giá đắt đỏ của một địa phương giáp ranh TP.HCM được nhân dân đồng thuận hiến cùng Nhà nước thực hiện những công trình”. Ông Trương Văn Thủ, ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc hiến hơn 4.000m2 đất, phấn khởi cho biết: “Mỗi người dân chúng tôi cố gắng vận động nhau cùng đóng góp xây dựng NTM, người có đất thì hiến đất, không đất thì góp tiền, công sức cùng chính quyền thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi. Bộ mặt nông thôn của Mỹ Lộc khác xưa nhiều lắm, ai mà không vui mừng, phấn khởi! Bây giờ, đời sống người dân Mỹ Lộc chẳng kém gì các vùng thị trấn, thị tứ”.
Toàn tỉnh, đến nay có 57 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu trong năm 2017 có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2017, nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM cả tỉnh ước tính 199 tỉ đồng, bao gồm 100 tỉ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết và 99 tỉ đồng vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, tập trung tại 8 xã điểm và 15 xã có tiêu chí thấp. Ngoài ra, các xã đạt NTM còn được đầu tư 35 tỉ đồng để xây dựng các mô hình sản xuất. |
Theo ông Nguyễn Tấn Phục, sau khi được công nhận xã NTM năm 2015 thì năm 2016, xã xây dựng kế hoạch nâng chất các tiêu chí. Đến nay, xã chỉ còn 22 hộ nghèo theo chuẩn mới trong tổng số 3.150 hộ dân, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 45 triệu đồng/năm. Từ đó, người dân có điều kiện cùng chính quyền xây dựng quê hương.
Riêng trong năm 2016, số tiền người dân đóng góp để nâng chất các tiêu chí lên đến hơn 2 tỉ đồng. “Mục tiêu lâu dài của địa phương là xây dựng Mỹ Lộc thành một trong những xã nông thôn kiểu mẫu của tỉnh” - ông Phục thông tin thêm.
Còn tại Hòa Phú, huyện Châu Thành, khi đặt chân đến xã, rất nhiều người lầm tưởng đây là một vùng thuộc TP.Tân An, bởi nơi đây đang phát triển từng ngày. Những năm qua, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những vùng lúa cho hiệu quả kinh tế thấp được người dân chuyển sang trồng thanh long. Những vụ thanh long được mùa, được giá giúp người dân tăng thu nhập, nhiều hộ vươn lên khá giả, có điều kiện để đóng góp cùng chính quyền xây dựng quê hương.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Bùi Văn Hòn, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 44 triệu đồng/người/năm, cả xã chỉ còn 3 hộ nghèo. Những ngôi nhà khang trang đua nhau mọc lên xen giữa những vườn thanh long trĩu quả, những tuyến đường trong xã được trải bêtông rộng, đẹp như khẳng định những đổi mới trên xã NTM Hòa Phú.
Ông Nguyễn Văn Bền đã 75 năm sinh sống tại đây cho biết: “Giờ Hòa Phú quê mình chẳng kém gì so với các khu vực thành thị khác, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, người dân còn được thụ hưởng các công trình văn hóa do địa phương xây dựng. Con em có điều kiện học tập tốt hơn khi các trường trong xã đạt chuẩn. Và chúng tôi tiếp tục cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng khang trang, đẹp hơn trong tương lai”.
Thanh long mang lại cuộc sống khá giả cho nhiều hộ dân tại xã nông thôn mới Hòa Phú
Từ những xã như Hòa Phú, huyện Châu Thành đang trong lộ trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2018, hiện huyện có 7/12 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Những xã hoàn thành tiêu chí MTM tiếp tục đầu tư, nâng chất xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Tiếp tục nhân rộng
Hiện nay, sản xuất lúa đạt hiệu quả phải dựa trên cơ sở liên kết vùng và liên kết 4 nhà với các giải pháp: Xây dựng CĐL, từng bước thực hiện sản xuất lúa theo quy trình VietGAP như những mô hình mẫu để nhân ra diện rộng. Theo đó, tỉnh hình thành và phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười với tổng diện tích trồng lúa 40.000ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Triển khai xây dựng mô hình CĐL là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc dần đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng CĐL giúp nông dân áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao về kinh tế.
Mô hình CĐL bước đầu khẳng định hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong chuyển đổi phương thức canh tác và đầu tư trong sản xuất lúa, xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Năm 2017, tỉnh tăng diện tích CĐL lên 36.700ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2016-2017 thực hiện 62 CĐL với 19.000ha và 8.141 hộ tham gia; vụ Hè Thu năm 2017 thực hiện 45 CĐL với 17.700ha.
Những tuyến đường được làm từ sức dân tại xã Hòa Phú, huyện Châu Thành
Để đạt kế hoạch trên, tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến giúp nông dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng CĐL, lợi ích của việc tham gia vào CĐL; vận động các doanh nghiệp chung sức phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới bằng hình thức liên kết xây dựng CĐL, hỗ trợ nông dân và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia./.
Kiên Định