Tiếng Việt | English

04/04/2016 - 17:20

Xã Tân Chánh: Đổi thay từ những đầm tôm

Bây giờ, có dịp về xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, mọi người đều cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của vùng quê này. Từ một xã nghèo, Tân Chánh “vươn mình” trở thành xã văn hóa và vừa được công nhận xã nông thôn mới. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Chánh trong nhiều năm liền. Câu chuyện đổi thay ở vùng quê nghèo này được bắt đầu từ con tôm và những mùa tôm.

Năm 1992, Huyện ủy Cần Đước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi,… tạo sự thay đổi toàn diện đối với tình hình sản xuất của địa phương, nhất là các xã có diện tích đất ngập mặn, trồng lúa không hiệu quả.

Từ nghị quyết trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm sú theo phương pháp quản canh cải tiến và Tân Chánh là xã đầu tiên của huyện Cần Đước thực hiện thí điểm.

Lúc đó, Tân Chánh có 6 hộ tham gia chương trình với diện tích 2ha. Kết quả năm đầu tiên khẳng định tôm sú có thể nuôi trên đồng ruộng Tân Chánh và là vật nuôi chủ lực góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

Đầm tôm Tân Chánh

Từ kết quả ban đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Long An chọn Tân Chánh để triển khai dự án nuôi tôm sú theo phương pháp quản canh cải tiến, trong đó, tập trung vào việc nạo vét hệ thống sông rạch tự nhiên, đào mới một số tuyến kênh, xây dựng cống đầu mối, cấp thoát nước phục vụ nuôi tôm, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quản lý con giống, hỗ trợ vốn cho nông dân nuôi tôm.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm trong toàn xã tăng lên 900ha. Nông dân mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi bán công nghiệp, công nghiệp. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân còn thả nuôi tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận có năm lên đến 30 tỉ đồng. Việc nuôi tôm kéo theo sự hình thành và phát triển của một số dịch vụ, ngành nghề, qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc nuôi tôm của nông dân trên địa bàn huyện Cần Đước nói chung và Tân Chánh nói riêng gặp nhiều khó khăn do môi trường nước ngày càng ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh phát sinh và cả những nguyên nhân chủ quan do nông dân không xử lý ao đầm đúng yêu cầu kỹ thuật, lạm dụng các loại thuốc kháng sinh,…

Do đó, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn về kỹ thuật, quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn nuôi tôm, quản lý môi trường,… nông dân cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc vệ sinh đầm, chọn con giống, lịch thả nuôi cũng như phương pháp chăm sóc tôm.

Bên cạnh đó, nông dân phải theo dõi diễn biến môi trường, thực hiện phương châm phòng bệnh là chính và không nên nuôi nhiều vụ trong năm mà phải kết hợp vật nuôi khác hoặc thực hiện các mô hình luân canh nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm năng suất và chất lượng. Hy vọng, Tân Chánh và các xã ngập mặn sẽ có hướng phát triển việc nuôi tôm một cách bền vững./.

Huỳnh Nguyên

 

Chia sẻ bài viết