Có 10 công trình trong danh mục phê duyệt xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước
Vị trí 10 công trình giếng khai thác nguồn nước dưới đất này nằm ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Đức Huệ, Bến Lức và thị xã Kiến Tường.
Cụ thể, tại huyện Cần Giuộc là công trình của Cty Cổ phần Long Hậu tại xã Long Hậu: tại huyện Đức Huệ là công trình của Cty TNHH Ihoa Ecofar, xã Bình Thành và trạm cấp nước ấp 4, xã Mỹ Quý Tây; tại huyện Bến Lức là công trình trạm cấp nước xã Thanh Phú.
Tại thị xã Kiến Tường là công trình Nhà máy nước số 2 và Nhà máy nước số 4 ở phường 2. Tại huyện Tân Trụ là công trình cấp nước ấp Bình Lợi, xã Đức Tân.
Tại huyện Tân Thạnh là các công trình: Trạm cấp nước ấp 3, xã Tân Thành; Trạm cấp nước ấp Giồng Dung, xã Hậu Thạnh Tây; Trạm cấp nước ấp Đá Biên, xã Kiến Bình; Trạm cấp nước ấp Thân Cần, xã Bắc Hòa.
Tổng công suất khai thác của các công trình trên là 10.154m3 nước/ngày đêm.
Trong đó, phạm vi vùng bảo hộ khu vực lấy nước sinh hoạt tối thiểu 20m tính từ miệng giếng khai thác có 7 công trình; 18 m có 1 công trình; 2 đến 3 mét là 2 công trình.
Từ quyết định phê duyệt này, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục các công trình và cung cấp đến các địa phương nơi có công trình khai thác nước và gửi đến Cục Quản lý Tài nguyên nước theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chỉ đạo các địa phương nơi có công trình khai thác nước xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa; thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn; tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Minh Lâm cũng yêu cầu các chủ đầu tư công trình khai thác nước tuân thủ các quy định về bảo vệ nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Phối hợp UBND các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa sau khi được phê duyệt và công bố.
Lắp đặt, cắm biển chỉ dẫn, bảo vệ biển chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình của mình; bảo vệ nguồn nước mình đang trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.
Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý.
Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về bảo vệ nguồn nước dưới đất, hành lang bảo vệ nguồn nước và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước theo đúng quy định của pháp luật về hiện hành./.
Lê Đức