Dữ liệu: C.V.K., Nguồn: Bộ Công thương, Đồ họa: Vĩ Cường
Theo Tổng cục Hải quan, giá xăng dầu nhập về trong chín tháng đầu năm 2015 giảm 35,8%. Thế nhưng trên thực tế do cách tính thuế phí, quỹ bình ổn…, giá xăng bán lẻ trong nước vẫn cao so với đầu năm.
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan cập nhật ngày 15-10, tính đến hết tháng 9 cả nước nhập khẩu 7,09 triệu tấn xăng dầu, trị giá 3,97 tỉ USD. So với cùng kỳ 2014, dù lượng xăng nhập về tăng 7,4% nhưng giá đã giảm 35,8%.
Giảm không tương xứng
Dù mức giảm bình quân nhiều như vậy nhưng vì sao giá bán lẻ hiện vẫn ở mức cao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Quang Khanh - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu VN - thừa nhận có chênh lệch lớn giữa giá trong nước và giá thế giới.
Giá bình quân mặt hàng xăng Ron 92 tính đến hết tám tháng của năm 2015 là 70,32 USD/thùng. So với mức giá bình quân cùng thời kỳ này năm 2014, giá mặt hàng này đã giảm 35%.
Tuy nhiên, giá bán lẻ trong nước xăng RON 92 bình quân tám tháng qua vẫn là 18.922 đồng/lít, bằng 80% giá bán lẻ bình quân của năm 2014. Nghĩa là giá bán lẻ chỉ giảm bình quân 20% thay vì mức 35%.
“Rõ ràng giá xăng RON 92 không giảm tương xứng” - ông Khanh nói. Đặc biệt, theo ông Khanh, nếu so giá xăng trong nước với giá tại thời điểm cuối năm 2014 thì giá xăng hiện hành còn... cao hơn tới
250 đồng/lít.
Lý giải nguyên nhân giá xăng RON 92 không giảm được mà buộc phải tăng so với thời điểm cuối năm 2014, ông Nguyễn Văn Tiu - tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội) - nhận định do chính sách thuế, phí thu quá lớn.
Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu VN cho thấy nếu lấy giá xăng dầu ngày 9-10, tổng số thu từ thuế, phí thu đối với xăng chiếm 50,4%, còn tính riêng tổng số thu từ các sắc thuế thì chiếm tới 41,3%.
Như vậy có nghĩa xăng dầu về đến VN chỉ có giá khoảng 9.000 đồng/lít. Nhưng sau khi áp các loại thuế phí theo quy định thì nhảy vọt lên gần 19.000 đồng/lít như hiện nay.
Theo quy định, 1 lít xăng “cõng” bốn sắc thuế gồm thuế bảo vệ môi trường với mức tuyệt đối 3.000 đồng, thuế nhập khẩu 20% (khoảng 1.750 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (khoảng 1.060 đồng), thuế giá trị gia tăng 10% (tương ứng 1.650 đồng).
Tổng cộng bốn sắc thuế này, để tiêu thụ 1 lít xăng người tiêu dùng phải đóng góp cho ngân sách khoảng 7.460 đồng. Nếu cộng thêm chi phí định mức, lợi nhuận định mức và mức trích quỹ bình ổn giá thì tổng số tiền thuế và phí mà người tiêu dùng phải bỏ ra nộp ngân sách và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là hơn 9.000 đồng/lít xăng. Tính ra giá 1 lít xăng RON 92 hiện hữu là 18.130 đồng.
Thuế, phí đã chiếm
một nửa giá xăng
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cơ chế giá xăng dầu trong nước thời gian qua được điều hành theo thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Để đánh giá chính xác mức độ tăng giảm của mặt hàng xăng dầu thì phải tính toán, xem xét từng mặt hàng cụ thể.
Ông Tuấn xác nhận tính từ đầu năm tới nay, đúng là giá xăng RON 92 bán trong nước tăng so với thời điểm cuối năm 2014 là 250 đồng/lít. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng các mặt hàng dầu đã giảm mạnh, trên 3.000 đồng/lít (kg), cá biệt như dầu hỏa giảm gần 4.700 đồng/lít.
Đề cập việc giá xăng dầu trong nước thời gian qua không giảm tương xứng với giá xăng dầu thế giới, một chuyên gia từng trực tiếp điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương xác nhận điều này.
Theo chuyên gia này, nếu nhìn kỹ thì các sắc thuế trong nước cũng có điều chỉnh, chẳng hạn từ ngày 1-5 thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít.
Vì vậy, việc Bộ Công thương điều hành giá chỉ là khâu cuối cùng sau khi đã thực hiện các biện pháp điều hành của các
bộ khác, đặc biệt là Bộ Tài chính./.
Người tiêu dùng chịu thiệt Theo ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, 1 lít xăng cõng quá nhiều loại thuế, phí và ở mức cao nên đã lỡ cơ hội giảm giá. Trên thực tế, liên bộ Tài chính - Công thương luôn thông tin điều hành giá xăng dầu đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân - Nhà nước và doanh nghiệp. Song thực tế với việc tăng thu quá lớn từ các loại thuế, phí từ giá xăng dầu khiến người tiêu dùng đang phải chịu thiệt thòi. |
L.Thanh - C.V.Kình/tuoitre online