Tiếng Việt | English

14/07/2015 - 16:29

Xây dựng nông thôn mới: Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng

Những năm qua, tỉnh Long An đã đầu tư mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, từ đó tạo nên bộ mặt tươi mới, khang trang, nhất là ở khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM).


Thủy lợi thời gian qua được đầu tư khá lớn. Ảnh: Hồng Lam

Với lợi thế nông nghiệp, nhất là cây lúa, những năm qua, Tân Hưng đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Năm 2014, huyện có tổng diện tích lúa gieo sạ 76.000ha, nhưng đã có trên 30.500ha/vụ nằm trong đê bao lửng, do đó, nông dân không còn phải lo lắng mỗi khi lũ về sớm. Tiếp đến, hệ thống kênh mương liên tục được nạo vét, mở rộng; trạm bơm điện cũng liên tục phát triển mạnh mẽ. Đến nay, đã có 43 trạm nằm rải rác ở các xã phục vụ tưới, tiêu cho hơn 8.000ha/vụ.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết:  “Xác định nông nghiệp là thế mạnh, nên năm nào xã cũng có hàng chục công trình thủy lợi được đầu tư thi công, nạo vét. Từ sự đầu tư lớn cho thủy lợi, nông dân đã chủ động trong sản xuất, giảm được chi phí, năng suất được nâng lên, từ đó lợi nhuận cũng tăng theo. Không những vậy, còn tạo điều kiện thuận lợi cho huyện thực hiện xây dựng các cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao”.

Huyện Châu Thành là địa phương có nhiều xã nhất (5 xã) hoàn thành 19 tiêu chí XDNTM. Trong đó, nổi bật là hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) đã có sự thay đổi kỳ diệu. Đến nay, cơ bản các tuyến đường trục chính của các xã đều được bêtông hoặc cứng hóa. Năm 2013, huyện vinh dự được Bộ Giao thông-Vận tải khen tặng thành tích xuất sắc phong trào thi đua phát triển GTNT mạnh. Trong hội nghị tổng kết 5 năm (2010-2015), huyện vinh dự nằm trong 56 đơn vị của cả nước được Bộ Giao thông-Vận tải khen tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng GTNT gắn mục tiêu XDNTM.

Ông Phan Hữu Thật, ngụ xã Dương Xuân Hội vui vẻ nói: “Người dân đều rất tích cực đóng góp, hiến đất làm GTNT. Việc hiến đất làm đường không chỉ ở một vài xã mà lan tỏa và trở thành phong trào trong toàn huyện. Hiện hệ thống giao thông thông suốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, trao đổi hàng hóa. Nhất là thúc đẩy thế mạnh cây thanh long ở huyện ngày càng phát triển”.


Đường giao thông nông thôn xã Long Trì được bêtông hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất tại địa phương

Ngoài giao thông, thủy lợi, nhìn chung các hạ tầng khác như: Điện, trường, trạm y tế, nước, văn hóa, trụ sở hành chính,... cũng được đầu tư đồng bộ. Hiện về tận các xã vùng sâu, khó khăn của các huyện, thị xã, thành phố thì kết cấu hạ tầng đều được đầu tư tương đối đều. Những hạng mục hạ tầng quan trọng chưa có thì được đầu tư xây dựng; những hạng mục và công trình đã cũ, xuống cấp được duy tu, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới hiện đại, đẹp hơn,...

Đặc biệt, những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, tỉnh đã chú trọng phát triển hạ tầng cung cấp điện, cấp nước, khu-cụm công nghiệp, thương mại, thông tin-truyền thông, giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-thể thao-du lịch,... Từ đó, nhiều công trình từ lớn đến nhỏ ở các lĩnh vực đã được xây dựng.

Theo đánh giá, dù vẫn còn những hạn chế và kết quả chưa được như mong muốn, song rõ ràng, từ thực hiện nghị quyết này, kết cấu hạ tầng từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh càng được cải thiện đáng kể, tạo động lực thúc đẩy KT-XH ngày càng phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân được nâng cao.

Thật phấn khởi, nhiều công trình hạ tầng thời gian qua đã được người dân đồng tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp, nhất là trong thực hiện làm đường GTNT và thủy lợi. Qua 4 năm thực hiện chương trình XDNTM, toàn tỉnh đã huy động được hơn 16.000 tỉ đồng, trong đó, vốn huy động nhân dân đóng góp tự nguyện chiếm 38,1% (trong đó, các công trình giao thông, thủy lợi được nhân dân đóng góp nhiều nhất).Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Nguyễn Trung Giang, trong thực hiện các công trình trong chương trình NTM, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân. Từ đó, người dân đã tích cực ủng hộ, đóng góp cùng Nhà nước thực hiện nhiều công trình. Việc chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn đã góp phần giúp nhiều xã, địa phương tháo gỡ khó khăn để về đích chương trình NTM. Hiện trong số 166 xã thì có 28 xã đã về đích chương trình này.

Từ việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện cho cư dân nông thôn nâng cao mức hưởng thụ về vật chất lẫn tinh thần, thúc đẩy giao thương, sản xuất phát triển.

Lam Hồng-Đại Lâm

Chia sẻ bài viết