Tiếng Việt | English

04/08/2015 - 20:58

Xây dựng thương hiệu quốc gia có tạo “cú hích” cho doanh nghiệp?

Xây dựng thương hiệu quốc gia là mục tiêu nhưng cũng là trách nhiệm trong việc gìn giữ hình ảnh sản phẩm của mỗi doanh nghiệp.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (THQG) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Chương trình do Bộ Công Thương là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp tổ chức triển khai.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – Tổng Thư ký Chương trình THQG, từ năm 2003 - 2014, Chương trình THQG đã tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu thông qua các hội thảo, diễn đàn, các lớp tập huấn, đào tạo, phát hành các ấn phẩm thông tin tuyên truyền kiến thức về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp.

“Kết quả từ Chương trình đã góp phần tích cực ở việc tăng cường nhận thức về thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, phát động phong trào xây dựng thương hiệu từ các doanh nghiệp và địa phương theo định hướng đúng đắn Việt Nam đang hướng tới”, ông Sơn nói.

Đặc biệt, trong năm 2015, Chương trình THQG đã có những hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp đạt THQG bằng việc: Thông báo danh sách các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có sự hỗ trợ của Nhà nước, ưu tiên các doanh nghiệp đạt THQG tham dự. Ông Sơn cũng cho biết, Chương trình THQG đã đưa thông tin cập nhật, quảng bá các hoạt động của doanh nghiệp đạt THQG trên website của Cục Xúc tiến thương mại, đồng thời cung cấp các thông tin hữu ích, thiết thực nhất cho các doanh nghiệp.

Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2015 - một trong những hoạt động thuộc Chương trình THQG nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Chương trình THQG còn tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá thương hiệu đạt THQG tại một số hội chợ trong nước và quốc tế. Thông qua các hội chợ được tổ chức trong năm 2015, Chương trình sẽ phân loại và lựa chọn từ 5 – 7 top doanh nghiệp tiêu chuẩn đạt THQG.

“Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam cũng là một trong những hoạt động thuộc Chương trình THQG. Diễn đàn là nơi cung cấp các thông tin, các nội dung liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu, là nơi chia sẻ và thảo luận, đối thoại thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia giữa các nhà quản lý, chuyên gia thương hiệu và doanh nghiệp”, ông Sơn cho biết.

Chất lượng tạo nên thương hiệu

Ông Hồ Văn Vân, Giám đốc Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích thuộc Chi nhành Công ty CP đường Quảng Ngãi, một trong những doanh nghiệp đã đạt THQG cho biết, việc đạt danh hiệu THQG đã tạo cho doanh nghiệp một cú hích mới. Tham gia vào Chương trình THQG, doanh nghiệp đã được hỗ trợ một số quyền lợi nhưng cũng đồng nghĩa với việc bản thân doanh nghiệp đã cam kết sẽ liên tục tự hoàn thiện mình, cần có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng, làm sao xứng đáng với danh hiệu cũng như niềm tự hào của quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm để đạt được THQG, ông Vân khẳng định chất lượng sản phẩm luôn là cái gốc để doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. Doanh nghiệp xác định kim chỉ nam của mình là “Chất lượng tạo nên uy tín” cà đề ra mục tiêu hoạt động là thực hiện cam kết với khách hàng và chiến lược của doanh nghiệp đưa sản phẩm gắn với việc vừa giải khát vừa tăng cường sức khỏe người tiêu dùng.

“Muốn làm được điều này doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo, cập nhật những công nghệ tiên tiến của thế giới, bởi nhu cầu tiêu dùng của thị trường này ngày càng khắt khe và thông thái. Doanh nghiệp tập trung đầu tư nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển và đa dạng hóa 20 dòng sản phẩm các loại với sự đa dạng về mẫu mã, bao bì được thị trường chấp nhận”, ông Vân chia sẻ.

Điều quan trọng nhất theo như ông Vân cho biết đó là khi đạt danh hiệu THQG, doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội hơn trong quá trình xúc tiến thương mại, từ đó nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mới đã chủ động liên hệ và tìm đến cơ hội hợp tác với doanh nghiệp.

Xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng THQG đối với doanh nghiệp và địa phương, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại (Hà Nội), THQG được xem là những hình ảnh ấn tượng, tạo được sự cảm nhận về giá trị tốt đẹp của một quốc gia/địa phương cũng như vùng địa lý.

“THQG được phản ánh và thể hiện thông qua các sản phẩm đặc trưng về đặc sản, chỉ dẫn địa lý với những sản phẩm uy tín, qua thể chế chính trị, các mối quan hệ ngoại giao. Thông qua THQG, người ta biết đến mức sống, điều kiện sống và làm việc của người dân, đời sống văn hóa và những giá trị văn hóa bản địa. THQG như một thương hiệu chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ, chứng nhận về uy tín và chất lượng của sản phẩm cũng như chứng nhận về những giá trị văn hóa và bản sắc”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh chỉ rõ.

Tầm ảnh hưởng của THQG sẽ là rất lớn và có điều kiện phát huy tác dụng đối với mỗi doanh nghiêp, địa phương khi PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, Chương trình THQG hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương nâng cao nhận thức và năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu của mình. THQG sẽ là một thương hiệu bảo chứng cho thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời kết nối và hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý giúp nhanh chóng định vị hình ảnh cho thương hiệu doanh nghiệp và hỗ trợ xâm nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đề làm được điều này, theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, các doanh nghiệp, địa phương cần xác lập các định hướng chiến lược cho Chương trình THQG. Trong đó cần thiết đánh giá lại hình ảnh đại diện của quốc gia, doanh nghiệp bởi những yếu tố hấp dẫn cũng như xác định đối thủ cạnh tranh và nguy cơ đe dọa, phát hiện xu hướng phát triển cũng như xác định được điểm mạnh và điểm yếu trong từng lĩnh vực cụ thể./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích