Tiếng Việt | English

08/11/2017 - 11:41

Xây dựng trường chuẩn quốc gia - Phấn đấu giữ vững danh hiệu theo tiêu chí mới

Một số cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THCS ở các địa phương, dù được công nhận trường chuẩn quốc gia (CQG) nhưng vẫn dễ “rớt”danh hiệu sau 5 năm phúc tra, công nhận lại theo bộ tiêu chí mới. Cơ sở vật chất khó khăn, thiếu giáo viên (GV) mầm non,... là nỗi trăn trở trong quá trình xây dựng và giữ danh hiệu trường CQG.

Nỗ lực đạt chuẩn

Gần 2 năm, Trường Mẫu giáo (MG) Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An được công nhận đạt CQG mức độ 1, là niềm vui của tập thể nhà trường. Bởi, đó là “quả ngọt” của một ngôi trường vùng sâu sau thời gian dài dạy, học trong điều kiện khó khăn. “Từ khi đạt trường chuẩn, cơ sở vật chất bảo đảm hơn cho những hoạt động của GV và trẻ. Học tập trong môi trường khang trang, xanh mát, đầy đủ trang thiết bị, trẻ cũng thích hơn. Vì vậy, khi gửi con, phụ huynh an tâm và tin tưởng” - cô Nguyễn Thanh Thủy - GV Trường MG Bình Hòa Tây, chia sẻ.

Trường Mẫu giáo Bình Hòa Tây được công nhận trường chuẩn với phòng học khang trang, kiên cố và đầy đủ trang thiết bị, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng nâng chất

Hiệu trưởng Trường MG Bình Hòa Tây - Nguyễn Thị Mai Lan cho biết: “Lúc bắt đầu xây dựng trường chuẩn, trường gặp khó khăn ở cả 5 tiêu chí. Khi đó, hàng rào, cảnh quan không bảo đảm, nhà trường vận động trồng cây xanh, nhờ chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng trồng giúp nên khi công nhận, không gian của trường xanh mát. Ngoài ra, lúc ấy, đội ngũ GV cũng thiếu nên không thể tổ chức dạy bán trú cho trẻ”.

Còn hiện tại, ở điểm chính của Trường MG Bình Hòa Tây có 14 GV phụ trách 7 lớp với số lượng 216 trẻ từ 3-5 tuổi. Đa số GV đều trẻ nên thực hiện chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khá thuận lợi. Từ đó, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng nâng cao. Bằng những nguyên liệu sẵn có, GV tự làm đồ dùng dạy học và trang trí lớp,... tạo hứng thú cho trẻ. Khi học bán trú, trẻ được ăn 3 bữa/ngày, bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. “Trường chú trọng sự giao lưu giữa cô và trẻ, trẻ và trẻ thông qua các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian nhằm giáo dục phát triển vận động và tạo niềm vui cho trẻ” - cô Mai Lan cho biết thêm.

Trường MG Bình Hòa Tây đạt CQG với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ như một “thương hiệu” ở vùng sâu. Hiện tại, trường có 7 phòng học, 9 phòng chức năng: Phòng giáo dục thể chất - nghệ thuật, y tế,... Ngoài sân trường, góc thiên nhiên và các thiết bị đồ chơi đều có đủ, phục vụ hoạt động vui chơi của trẻ: Đu quay địa cầu, thang leo cầu tuột, xích đu thuyền rồng,... Theo cô Mai Lan, tất cả cơ sở vật chất đầu tư cho trường chuẩn, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn có nguồn đóng góp từ xã hội hóa. Đây là điều đáng quý ở một trường vùng sâu!

Với huyện Tân Trụ, công tác xây dựng trường CQG cũng được quan tâm từ đội ngũ quản lý, GV đến đầu tư cơ sở vật chất. Hiện tại, toàn huyện có 32 trường từ mầm non, tiểu học (TH) và THCS với 64 cán bộ quản lý, trong đó, 62 cán bộ đã và đang học trung cấp lý luận chính trị. “Huyện tạo điều kiện để cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục được học tập, bảo đảm trình độ chính trị đúng quy định. GV được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Vì vậy, 100% GV của huyện đều đạt chuẩn” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ - Trương Thế Hiền thông tin.

Về cơ sở vật chất, năm 2017, huyện đầu tư kinh phí hơn 6 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị cho một số trường. Giai đoạn 2016-2020, huyện đầu tư hơn 20 tỉ đồng và tỉnh hỗ trợ trên 87 tỉ đồng. Từ đó, góp phần giảm khó khăn về cơ sở vật chất cho một số trường.

“Lỗi thời” so với tiêu chí mới

Trong quá trình xây dựng trường chuẩn, các trường đều nỗ lực, phấn đấu nhưng một số nơi “lực bất tòng tâm”. Trường TH Nguyễn Văn Thuần, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ được công nhân đạt CQG mức độ 2 vào tháng 11/2013. Đến cuối năm 2018, trường đến hạn phúc tra, công nhận lại. “Trong giai đoạn này, tập thể nhà trường cố gắng giữ danh hiệu, còn được công nhận lại hay không do đoàn kiểm tra quyết định. Bởi, theo tiêu chí mới, trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất” - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Thuần - Trương Ngọc Ẩn chia sẻ.

Hiện tại, Trường TH Nguyễn Văn Thuần có 11 phòng học, bảo đảm đủ số lớp học văn hóa và 11 phòng chức năng. Theo ông Ẩn, những dãy phòng chức năng là loại phòng cấp 4, xây dựng gần 20 năm. Khi công nhận trường CQG vào năm 2013 thì các phòng chức năng phù hợp nhưng theo tiêu chí mới lại “lỗi thời” - vì diện tích không đủ. Diện tích phòng học cũng nhỏ nên sắp xếp bàn, ghế theo mô hình trường học mới không thuận tiện. Hiện tại, trường chỉ cố gắng bảo đảm hoạt động dạy, học tốt. Dù vậy, phòng chức năng chẳng thể mở rộng diện tích vì các dãy nhà được xây kín quanh khuôn viên trường. Còn mở rộng diện tích trường cũng không được vì với tổng số 244 học sinh, diện tích khuôn viên hơn 4.627m2 là không thiếu. Đây là nỗi trăn trở nhất của trường trước thời điểm phúc tra, công nhận lại trường CQG.

Theo ông Trương Thế Hiền, giai đoạn 2010-2015, toàn huyện có 31/32 trường CQG, trong đó có 6 trường đạt mức độ 2. Khi công nhận theo tiêu chí mới, toàn huyện hiện còn 19/31 trường đạt chuẩn. Các trường “rớt” chuẩn hầu hết đều vướng tiêu chí cơ sở vật chất. Ngoài ra, với bậc mầm non, một số trường thiếu GV. Tính đến ngày 01/9/2017, toàn huyện có 153 GV/83 lớp. Như vậy, bình quân mỗi lớp chưa đủ 2 GV như quy định. “Tính ra, huyện còn thiếu 13 GV mầm non và sẽ tuyển dụng sau khi một số GV nghỉ hưu” - ông Hiền cho biết thêm.

Còn huyện Mộc Hóa, khó khăn nhất trong xây dựng trường chuẩn là thực hiện xã hội hóa giáo dục. “Là huyện mới, ít doanh nghiệp, đời sống người dân khó khăn nên vận động kinh phí xây dựng bếp ăn cho một số trường TH, THCS không dễ. Nếu không có bếp ăn tập thể, các trường không thể tổ chức dạy bán trú và khó khăn khi kiểm tra, công nhận đạt chuẩn” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh chia sẻ.

Cơ sở vật chất khó khăn là trở ngại trong quá trình xây dựng trường chuẩn theo tiêu chí mớiNhìn chung, cơ sở vật chất là nỗi trăn trở của những trường đã được công nhận và đang trong quá trình xây dựng trường chuẩn. Giải quyết bài toán cơ sở vật chất cần phải có nguồn kinh phí lớn. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thanh Phong, lộ trình giai đoạn 2016-2020, tỉnh đầu tư xây dựng 154 trường chuẩn với quy mô 941 phòng học, 1.517 phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị. Tổng kinh phí đầu tư hơn 1.473 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu vốn mà các đoàn khảo sát liên ngành thực hiện năm 2016, nguồn kinh phí này vẫn chưa đủ đáp ứng. Hơn nữa, nguồn kinh phí được phân bổ chủ yếu tập trung nhiều trong năm 2019 và 2020 nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và kiểm tra công nhận vào cuối nhiệm kỳ.

Áp lực sĩ số

Liên quan đến cơ sở vật chất, một số huyện phát triển công nghiệp, thu hút nhiều dân nhập cư: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức thì áp lực sĩ số là trở ngại lớn nhất trong chặng đường xây dựng trường chuẩn. Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bến Lức - Trần Văn Vinh, huyện có 35/53 trường đạt chuẩn, trong đó có 19 trường được công nhận theo tiêu chí mới. Một số trường đạt chuẩn khi công nhận lại có khả năng “rớt” danh hiệu vì số lượng học sinh mỗi lớp quá đông, vượt số lượng theo quy định 35 em/lớp đối với TH. Đó là các trường: TH Mai Thị Non, TH Thuận Đạo, TH Nguyễn Văn Siêu, TH An Thạnh,... Để giảm áp lực sĩ số, giai đoạn 2016-2020, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, Trường TH thị trấn Bến Lức sẽ được đầu tư xây mới và xây thêm phòng học, phòng chức năng cho Trường TH Thuận Đạo.

Tương tự, danh hiệu trường CQG ở một số trường trên địa bàn huyện Đức Hòa bị “lung lay” vì lượng học sinh quá đông. Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Phú, xã Đức Hòa Hạ - Lê Hoàng Cao cho biết: “Hiện tại, trung bình, mỗi lớp có hơn 45 em - vượt trên 10 em so với quy định. Vì vậy, trường chỉ có thể đạt chuẩn nếu được đầu tư xây thêm phòng học mới”.

Còn Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hạnh, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Nhẫn khẳng định: “Trường sẽ không đạt chuẩn nếu chưa xây dựng trường mới. Tuy lượng học sinh mỗi lớp chưa quá 45 em nhưng với con số 1.718 học sinh, trong khi diện tích toàn trường khoảng 5.000m2 thì tính ra, diện tích bình quân cho mỗi học sinh không đạt. Điều này chưa kể học sinh của trường ngày càng tăng”.
Nhìn chung, chặng đường xây dựng trường CQG còn nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực cao để đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020)./.

Hiện tại, từ bậc mầm non đến THPT, toàn tỉnh có 36,72% trường đạt CQG. Để tiếp tục xây dựng trường chuẩn, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020” nhằm giảm áp lực cho trường chuẩn; kêu gọi xã hội hóa và thực hiện tốt các biện pháp phân luồng học sinh chống lưu ban, bỏ học,...

Thùy Hương 

Chia sẻ bài viết