Tiếng Việt | English

26/10/2017 - 11:31

Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam: Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Xây dựng nền văn hóa (VH) và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đó chính là mục tiêu chung của việc thực hiện Nghị quyết (NQ) số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển VH, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Sau 3 năm triển khai thực hiện NQ số 33, Long An đáp ứng tốt yêu cầu chung của NQ.


Con người là "gốc" để phát triển văn hóa

Xây dựng con người phát triển toàn diện

Xác định con người là yếu tố cốt lõi, là động lực của sự phát triển nên các cấp ủy Đảng trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể chất nhằm hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử - VH cho giới trẻ - những người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, hầu hết học sinh (HS) trong các trường học đều có đạo đức tốt, ngoan, lễ phép. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS có biểu hiện đáng lo ngại về đạo đức như gây mất trật tự trong tiết học, bỏ tiết, vào lớp không thuộc bài, mang và sử dụng điện thoại trong tiết học,...Xác định việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS luôn là vấn đề thường xuyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Huỳnh Thanh Phong chia sẻ: “Từ năm 2010 đến nay, ngành GD&ĐT tổ chức biên soạn và triển khai thực hiện chương trình Giáo dục địa phương trong chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý,... giúp HS hiểu hơn về đời sống vật chất, tinh thần, VH, truyền thống lịch sử của Việt Nam nói chung và Long An nói riêng.

Năm học 2016-2017, nhằm tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức cho HS, ngành triển khai sử dụng tài liệu Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho HS, nhất là HS trong trường phổ thông, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giảng dạy cho HS trong các hoạt động ngoài giờ và hoạt động ngoại khóa. Qua đó, tỷ lệ HS bỏ học giảm, HS xếp loại hạnh kiểm khá, tốt tăng, góp phần tạo nên môi trường giáo dục đoàn kết, an toàn và lành mạnh”.

Bên cạnh việc quan tâm rèn luyện đạo đức, tinh thần cách mạng, lòng tự tôn dân tộc, các cấp, các ngành trong tỉnh còn quan tâm việc chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể chất cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động thể dục - thể thao. Theo số liệu năm 2016, số người luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên trong tỉnh là 458.330 người (chiếm 37,75%); số hộ tham gia thể thao là 83.839 hộ (chiếm 21,96%). Ngoài ra, hàng năm, tỉnh còn tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020; Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam;...

Phong phú đời sống tinh thần

Việc thực hiện hiệu quả NQ số 33 chính là nâng cao mức hưởng thụ VH tinh thần cho nhân dân,... Cần Đước là huyện tiêu biểu làm tốt công tác này, góp phần nâng chất lượng các hoạt động ở huyện điểm điển hình về VH.


Hiện nay, toàn tỉnh có 369.546/378.500 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 97,6%)

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy - Lê Phước Sử cho biết: “Những năm qua, Cần Đước luôn bảo đảm việc phát triển kinh tế song song với phát triển VH - xã hội. Trong đó, công tác xây dựng gia đình VH được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; đặc biệt là việc đánh giá, bình xét gia đình VH bảo đảm công khai, dân chủ.

Ngoài ra, phong trào VH - văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức sôi nổi từ huyện đến cơ sở, góp phần giữ gìn bản sắc VH dân tộc. Qua đó, phong trào xây dựng và giữ vững ấp, khu phố, xã, thị trấn, huyện VH trên địa bàn huyện với những thành tích đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển KT-XH. Đến nay, toàn huyện có 118/118 ấp, khu phố, 17/17 xã, thị trấn giữ vững danh hiệu VH, đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79%; 99% hộ sử dụng điện an toàn và có nhà xây kiên cố; các trục đường chính của xã được nhựa hóa; 90% đường giao thông nông thôn được mở rộng, cứng hóa;...”.

Không chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng con người hay nâng cao mức hưởng thụ VH, tinh thần cho người dân, thời gian qua, Long An còn tích cực đẩy mạnh việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng hoạt động VH để trục lợi, gây mất an ninh, trật tự. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tân An - Võ Quang Nhơn: “Hiện nay, TP.Tân An có 143 hộ kinh doanh nhạc sống, karaoke di động, trong đó có 50 hộ đăng ký kinh doanh và 50 điểm kinh doanh karaoke. Từ năm 2016 đến tháng 9-2017, TP.Tân An và các xã, phường tổ chức kiểm tra 235 cuộc với 352 cơ sở, nhắc nhở 322 cơ sở, xử phạt hành chính 30 cơ sở với tổng số tiền 111,2 triệu đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 369.546/378.500 gia đình được công  nhận gia đình VH (đạt 97,6%); có 1.017/1.036 ấp, khu phố đăng ký thực hiện mô hình ấp, khu phố VH, được công nhận lại và công nhận mới 1.017 ấp, khu phố (đạt 98,2%); có 112/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn VH giai đoạn 2010-2015 (chiếm 58,3%/tổng số) và công nhận mới 8 xã VH, phường, thị trấn văn minh đô thị giai đoạn 2016-2020, nâng tổng số lên 120/192 (chiếm 62,5%).

Toàn tỉnh hiện có 109 di tích lịch sử - VH, trong đó có 20 di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Để nâng cao trách nhiệm, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm khai thác và phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống, Sở VH - Thể thao và Du lịch bàn giao 18 di tích quốc gia, 84 di tích cấp tỉnh cho huyện tổ chức quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng.

Thời gian tới, TP.Tân An tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động nhạc sống và kinh doanh trò chơi điện tử; thường xuyên tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức trong việc chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về VH; kịp thời phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng về những hoạt động kinh doanh dịch vụ VH không đúng quy định,...”.

Chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng con người phát triển toàn diện chính là góp phần xây dựng, gìn giữ, phát huy những giá trị của nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” đi vào chiều sâu. Qua đó, phong trào ngày càng phát huy tính tích cực của các giá trị tốt đẹp, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, những hủ tục; đồng thời, củng cố những tập quán tốt đẹp; phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Đỗ Hữu Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả của các cấp, các ngành trong việc thực hiện NQ số 33, đồng thời yêu cầu, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của NQ số 33 và Chương trình số 38-CTr/TU của Tỉnh ủy; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và người dân; tiếp tục xây dựng môi trường VH lành mạnh, phong phú và đa dạng nhằm đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;.../.

Lê Ngọc

"Tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của NQ số 33 và Chương trình số 38-CTr/TU của Tỉnh ủy; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và người dân; tiếp tục xây dựng môi trường VH lành mạnh, phong phú và đa dạng nhằm đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;..."

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Đỗ Hữu Lâm

 

Chia sẻ bài viết