Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước tiến hành và công bố.
Trong lần đầu công bố, Nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà Nhóm thu thập được từ năm 2014.
Nhân sự kiện này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Giáp Văn Dương, người sáng lập và đang điều hành cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà giúp người học tiếp cận với những tri thức tiên tiến, mới mẻ trên thế giới và cũng là thành viên của nhóm nhóm chuyên gia độc lập đánh giá về xếp hạng các trường ĐH.
PV: Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước tiến hành và công bố. Xin ông cho biết mục đích của việc công bố bảng xếp hạng này?
TS Giáp Văn Dương: Mục đích của việc công bố bảng xếp hạng này vô cùng giản dị: Tạo ra một bảng xếp hạng khách quan, định lượng, kiểm chứng được để xã hội, các trường đại học và các nhà quản lý tham khảo.
Cụ thể, các em sinh viên và các phụ huynh có thể dùng nó để tham khảo và hiểu thêm về các trường. Còn các trường và các nhà quản lý thì biết được điểm mạnh điểm yếu của trường mình để cải thiện.
PV: Ông và nhóm chuyên gia đã lường trước việc công bố bảng xếp hạng các trường đại học không như kỳ vọng và vấp phải sự phản ứng từ các trường như thế nào?
TS Giáp Văn Dương: Chúng tôi cũng lường trước là việc công bố bảng xếp hạng đại học có thể gặp phải những phản ứng từ các trường hoặc xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi minh bạch trong tiêu chí xếp hạng, sử dụng số liệu công khai, kiểm chứng được, lại tuân thủ các nguyên tắc độc lập, khách quan, minh bạch, có tính khoa học, nên cũng không có gì lo ngại lắm.
Đối với chúng tôi, đây là dự án độc lập và vô vị lợi, triển khai dựa trên công sức cá nhân của các thành viên, nên không có sự thiên vị trong đánh giá. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy yên tâm khi công bố. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng trao đổi để làm rõ những điều còn chưa rõ.
PV: Thực tế là từ trước đến nay, một số tổ chức quốc tế đã có đánh giá và xếp hạng một số trường đại học của Việt Nam. Xin ông cho biết việc công bố này được thực hiện như thế nào, có gì mới và khác biệt so với các tổ chức quốc tế đã thực hiện khi đánh giá, xếp hạng các trường đại học?
TS Giáp Văn Dương: Đúng là đã có một số tổ chức quốc tế đã đánh giá xếp hạng các đại học Việt Nam, như QS University Rankings dành cho các trường châu Á, nhưng chỉ có vài trường trong tổng số hàng trăm trường đại học của Việt Nam được đánh giá. Điều này làm cho bức tranh đại học Việt Nam không được rõ ràng. Không ai biết các trường khác đang nằm trong vị trí nào. Hoặc bảng xếp hạng của Webometrics lại chỉ dựa trên thông tin và hoạt động của trang web của các trường, mà những gì trên trang web và những gì thực tế thường khác xa nhau rất nhiều. Hay nhóm Scientometrics for Vietnam lại xếp hạng chỉ dựa trên các công bố khoa học của các trường mà không xét đến các tiêu chí liên quan đến đào tạo và cơ sở vật chất.
Điều này cho thấy, cho đến nay, một xếp hạng có tính toàn diện các trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa có. Còn một số bảng xếp hạng quốc tế lại chỉ điểm qua một vài trường lớn, vì thế không vẽ ra được bức tranh lớn về đánh giá xếp hạng các đại học Việt Nam.
Do đó, bảng xếp hạng của chúng tôi khác với các bảng xếp hạng đã có ở chỗ, nó đánh giá toàn diện các trường về ba hạng mục lớn: Đào tạo – Nghiên cứu – Cơ sở vật chất và quản trị. Trong năm đầu tiên, bảng xếp hạng chỉ đánh giá 49 trường có bộ dữ liệu đầy đủ nhất, trong số hơn một trăm trường mà nhóm đã thu thập số liệu trong thời gian qua, nhờ đó đưa ra được bức tranh chung về đánh giá xếp hạng các đại học Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ tạo ra một đánh giá khách quan, độc lập để xã hội, các trường và các nhà quản lý tham khảo.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương
Yếu tố quyết định đến xếp hạng của các trường đại học
PV: Theo ông, yếu tố nào quyết định đến bảng xếp hạng các trường đại học và vì sao?
TS Giáp Văn Dương: Như đã nói ở trên, quy mô, chất lượng và hiệu quả của ba hạng mục lớn, là Đào tạo – Nghiên cứu – Cơ sở vật chất và quản trị, sẽ quyết định vị trí của các trường. Đây là những dữ liệu khách quan đã được nhóm xếp hạng thu thập và xử lý theo quy trình khoa học, kiểm chứng được.
Còn vì sao các yếu tố này lại ảnh hưởng đến bảng xếp hạng? Vì chúng tôi cho rằng, để đánh giá một trường đại học thì phải đánh giá kết quả đầu ra các hoạt động của nó. Đó là quy mô, chất lượng và hiệu quả của đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, cơ sở vật chất và chất lượng quản trị, thể hiện qua sự minh bạch thông tin, cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các trường. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dựa trên đánh giá ba hạng mục lớn, gồm Đào tạo – Nghiên cứu – Cơ sở vật chất và quản trị.
Độc lập, khách quan, minh bạch là tiêu chí quan trọng nhất
PV: Việt Nam đang tiến tới đánh giá, xếp hạng, phân tầng các trường đại học. Theo ông, để thực hiện việc này được khách quan, công bằng thì Bộ GD-ĐT và các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải chú trọng đến những vấn đề nào?
TS Giáp Văn Dương: Để đánh giá và xếp hạng được một trường đại học, thì quan trọng nhất là phải có bộ tiêu chí khách quan, phù hợp với điều kiện của các đại học Việt Nam; số liệu thu thập được phải định lượng và kiểm chứng được; phân tích và báo cáo phải độc lập, không thiên vị. Tóm lại là phải tuân thủ các nguyên tắc độc lập, khách quan, minh bạch, định lượng và kiểm chứng được để đánh giá, sử dụng phương pháp khoa học trong quá trình thu thập và xử lý số liệu, thì mới có thể đánh giá và xếp hạng các trường đại học một cách khách quan, không thiên vị.
Đây chính là lý do vì sao chúng tôi xây dựng bảng đánh giá xếp hạng này. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm các nhóm khác đưa ra các bảng đánh giá, xếp hạng khác, để bức tranh đại học của Việt Nam được thêm chính xác.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Bích Lan/VOV.VN