Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH thông qua nhiều hình thức: đăng ký xét tuyển trực tuyến, nộp trực tiếp hồ sơ đến trường ĐH hay gửi qua bưu điện.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) sẽ có những tư vấn hữu ích để giúp thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường học, ngành nghề phù hợp với khả năng của mình.
Đối với việc đăng ký xét tuyển thông qua việc nhận hồ sơ xét tuyển trực tiếp của thí sinh, các trường ĐH phải công khai trên website của mình thì mới được Bộ GD-ĐT cho phép thì học sinh mới đến đăng ký được. Còn nếu trường nào không công bố việc nhận hồ sơ trực tiếp lên website thì sẽ không được trực tiếp nhận hồ sơ của thí sinh.
Nếu thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện thì cần cầm lại biên lai xác nhận của bưu điện là đã nhận của các em nhưng gì để phòng tránh có sự thất lạc về giấy tờ.
Khi đăng ký theo hình thức này, nhân viên bưu điện yêu cầu thí sinh phải khai một số thông tin: họ tên, mã trường đăng ký học. Trong mục số báo danh, thí sinh không ghi số báo danh của mình mà ghi là HD để nhà trường biết được là thí sinh xét tuyển qua đường bưu điện bằng học bạ.
Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý là khi nộp tiền xét tuyển, thí sinh phải để vào phong bì riêng.
Đối với việc xét tuyển trực tuyến, Bộ GD-ĐT cảnh báo thí sinh là hiện nay có một số website giả mạo nên thí sinh cần xem xét kỹ và chỉ đăng ký trực tuyến đúng theo website chính thức do Bộ GD-ĐT và các trường công bố.
Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, để đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh cần phải điền đúng số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại di dộng, mã truy cập hệ thống... Thí sinh cần lưu ý là khi đăng ký trực tuyến, mỗi một thao tác của thí sinh đều có hướng dẫn và cảnh báo nên thí sinh cần đọc kỹ để làm cho đúng.
Khi đăng ký xét tuyển ĐH trực tuyến, mỗi một mã ngành, mã trường đều có sẵn nên thí sinh dễ dàng tìm thấy. Tuy nhiên, đăng ký trực tuyến cũng có một số bất tiện là thí sinh không thể đăng ký nộp lệ phí được nên các em cần lưu ý đọc kỹ là trường ĐH thực hiện xét tuyển trực tuyến đó yêu cầu nộp lệ phí đăng ký qua trường học, bưu điện hay ngân hàng để thực hiện theo đề nghị của trường.
Khi đăng ký xét tuyển ĐH trực tuyến xong, thí sinh sẽ được báo là đã đăng ký xong và được gửi một bản in là đã đăng ký thành công.
Nếu đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh không được phép đăng ký quá 2 hồ sơ trong đợt 1 vì như vậy, hệ thống sẽ tự loại 1 hồ sơ cái thứ 3 mà thí sinh không biết là loại cái nào.
Đối với việc đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội, công an sẽ cập nhật vào phần mềm xét tuyển muộn hơn 1 chút. Vì thế, nếu thí sinh đăng ký quá 2 hồ sơ thì nguyện vọng vào các trường công an, quân đội cũng sẽ bị bỏ qua.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016
Thí sinh cần xem xét kỹ yêu cầu xét tuyển của từng trường
Năm 2015, hệ thống xét tuyển ĐH đều như nhau. Thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng trong cùng 1 phiếu xét tuyển đều bình đẳng như nhau. Khi thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì được tự động xem xét ở nguyện vọng 2.
Còn năm 2016, Bộ GD-ĐT vẫn cho các trường ĐH được tự chủ trong việc xét tuyển nên sẽ có 3 trường hợp xét tuyển.
Thứ nhất là những trường xét bình đẳng giữa các nguyện vọng.
Thứ hai, ở một số trường có quy định thí sinh muốn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 thì phải có điểm số cao hơn nguyện vọng 1. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc rất kỹ khi đăng ký xét tuyển so với việc bình đẳng giữa các nguyện vọng.
Thứ ba, sẽ có những trường không đủ chỉ tiêu thì sẽ đăng ký xét tuyển ở đợt bổ sung. Do đó, thí sinh không trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì có đăng ký xét tuyển ở những trường tuyển sinh ở nguyện vọng 2.
Năm nay, thí sinh chỉ có 1 giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia 2016 và phải nộp giấy chứng nhận bản gốc vào trường ĐH mà mình đăng ký và không được thay đổi nguyện vọng.
Vì thế, khi đăng ký xét vào ĐH, thí sinh cần phải biết rõ sở thích của mình là gì để chọn trường, ngành học phù hợp. Tránh trường thí sinh đăng ký xong rồi lại bỏ thì rất phí.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa lưu ý: Để biết khả năng trúng tuyển, thí sinh cần tham khảo bảng điểm chuẩn năm 2015 vào các ngành ở trường ĐH mà mình đang có ý định đăng ký. Nếu thí sinh đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng hoặc đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm (GX) thì sẽ có tất cả 4 nguyện vọng. Khi đăng ký chọn ngành, thí sinh cần cân nhắc chọn ngành có khả năng trúng tuyển và khả năng trúng tuyển cao để không phải tiếc nuối sau khi đã đăng ký xét tuyển ĐH.
Thí sinh nên chọn tổ hợp có điểm cao nhất để xét tuyển
Nếu xét tuyển ĐH bằng tổ hợp khối thi, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu những trường ĐH nào xét tuyển thì phải công bố chính thức lên website của trường theo hướng như thế nào.
Nếu có trường đăng ký xét tuyển theo tổ hợp khối thi thông báo điểm chuẩn các tổ hợp đều bằng nhau thì thí sinh cần phải tính toán xem tổ hợp khối thi nào có số điểm cao nhất để xét tuyển.
Nếu thí sinh được cộng điểm theo chế độ ưu tiên mà muốn sửa chữa trong giấy đăng ký xét tuyển thì bắt buộc thí sinh phải nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc đến tận trường ĐH chứ không được sửa chữa theo đường đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Khi muốn sửa chữa đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên trong giấy đăng ký xét tuyển, bắt buộc thí sinh phải mang theo các giấy tờ liên quan như: hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh thư, giấy xác nhận được hưởng chế độ ưu tiên…/.
Bích Lan/VOV.VN