Tiếng Việt | English

24/06/2015 - 11:08

Xét xử án hành chính cấp huyện: “Một cú alo là thôi rồi, khó xử lắm”

Theo đại biểu Ngô Văn Minh, xét xử án hành chính ở cấp huyện, đội ngũ thẩm phán chịu rất nhiều áp lực do bị “can thiệp”.

Ngày 23/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), vấn đề “dân kiện quan” được các đại biểu lần lượt chia sẻ và cho rằng, để bảo bảo tính khách quan và nghiêm minh, nên giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; đề nghị chuyển lên Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết sơ thẩm đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; UBND cấp tỉnh.


Đại biểu Ngô Văn Minh (Ảnh: Q.T)

Làm sao để người dân tin vào công lý

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) ví von án hành chính như “con kiến kiện củ khoai”. Do đó, vấn đề đổi mới mới sao để mỗi ngày người dân càng tin tưởng hơn vào công lý, cần phải hoàn thiện hơn nữa những chế định trong luật.

Ông Ngô Văn Minh nói: “Xét xử án hành chính ở cấp huyện, đội ngũ thẩm phán chịu rất nhiều áp lực, dù anh có trình độ, bản lĩnh trời đi chăng nữa nhưng chỉ cần một cú alo là thôi rồi, khó xử lắm. Cho nên tôi đề nghị nên quy định theo hướng này. Chúng ta không sợ là dân phải đi xa, không sợ phải xa dân; mà dù dân có đi xa hơn một tí nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn một tí thì nên cố gắng đến dân đi xa”.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngô Văn Minh cũng khẳng định, dứt khoát người đứng đầu cơ quan hành chính bị kiện phải ra tòa khi được mời. Nếu vì lý do nào đó không ra được thì phải ủy quyền cho một cấp phó trực tiếp giải quyết công việc, người trực tiếp ký quyết định hành chính này ra tòa; mà cần phải tham gia xuyên suốt, đầy đủ, toàn bộ tiến trình xét xử để đảm bảo khách quan trong tố tụng và nghiêm minh của pháp luật.

Đại biểu cũng băn khoăn về vấn đề thi hành án hành chính. Bởi loại án này bị ách tắc rất nhiều và chưa giải quyết được. Nguyên nhân căn bản đó là thi hành án kiểu “bỏ túi”. Do đó, rất nhiều bản án về hành chính chẳng thi hành được.

Luật phải bảo vệ người yếu thế

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) dẫn lại chuyện “dân kiện quan” và khẳng định, án hành chính cấp huyện rất khó xử vì ngại va chạm với chính quyền. Do đó đại biểu đồng ý với dự thảo giao Tòa án tỉnh thụ lý giải quyết đối với khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch hoặc của Ủy ban huyện.

Ông Đỗ Văn Đương khẳng định: “Nếu án từ cấp huyện chuyển lên cấp tỉnh rồi bảo là xa dân thì không phải. Vì 80% khiếu kiện ở cấp huyện, tỉnh thuộc lĩnh vực này chủ yếu là đất đai ở thành phố lớn, những tỉnh đô thị hóa mạnh mẽ, ít khi xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Cho nên cái phổ biến nên tôn trọng và quy thành luật pháp. Còn nếu như bảo thẩm phán cấp huyện bị áp lực từ chính quyền cũng đúng, nhưng thẩm phán cấp tỉnh cũng vậy. Số lượng án hành chính khoảng 4.500 vụ chia đều cho 63 tỉnh thành thì không nhiều. Cho dù cấp huyện xử, phúc thẩm lên tỉnh thì cũng có xa dân đâu?”.

Theo ông Đỗ Văn Đương, hiện tại, xử sơ thẩm hay phúc thẩm đều nằm trong tỉnh đó cả. Giờ đổi mới, đưa phần quyết định về hành chính của Chủ tịch huyện lên tỉnh xử sơ thẩm và các vụ việc thuộc quyền xét xử sơ thẩm của tỉnh tới đây đều được chuyển lên tòa án cấp cao, độc lập với chính quyền địa phương.

Điều quan trọng và khi dịch chuyển đổi với xét xử như vậy cũng phải đặt ra việc dịch chuyển thẩm quyền thi hành án. “Theo tôi, tất cả những bản án liên quan đến phán quyết của tòa án cấp tỉnh về án hành chính cũng đồng thời giao cho cơ quan thi hành án ở cấp tỉnh tiến hành. Đối với những khiếu kiện liên quan đến quyết định của Chủ tịch Ủy ban tỉnh nên giao cho Tổng cục Thi hành án của Bộ Tư pháp để đỡ “vướng víu” dưới địa phương” – đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cũng đề nghị, Luật thiết kế cần bảo vệ bên đi kiện là người yếu thế, bởi bên bị kiện là đối tượng có quyền lực trong tay./.

Lại Thìn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết