Bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Sáng 04/01, tiếp tục phần thẩm vấn trong phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án Việt Á, Hội đồng Xét xử đã tập trung thẩm vấn các bị cáo về hành vi nhận tiền của Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Á - Công ty Việt Á).
Hầu hết các bị cáo thuộc nhóm tội này đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, tuy nhiên, nhiều bị cáo không cho việc nhận tiền này là hành vi nhận hối lộ mà chỉ là nhận "quà cảm ơn" của Công ty Việt Á khi công việc kinh doanh có hiệu quả.
Khai tại tòa, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến cho rằng việc nhận 27 tỷ đồng chỉ là chia sẻ lợi nhuận, song lại dùng số tài khoản của bạn bè, người thân để chuyển tiền.
Đầu năm 2021, khi COVID-19 bùng phát ở tỉnh Hải Dương, cả hệ thống chính trị phải gồng mình chống dịch, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Mặc dù Bộ Y tế đã điều 4 đơn vị "thiện chiến" nhất hỗ trợ địa phương, song bị cáo Tuyến cho rằng các đơn vị này không đáp ứng được yêu cầu về thu mẫu, chuyển mẫu từ Hải Dương về Hà Nội sau đó sàng lọc, cập nhật số liệu. Do vậy, Công ty Việt Á đã được giới thiệu đưa vào với mục tiêu là một đơn vị độc lập xét nghiệm tức tốc tại chỗ với phương châm nhanh, gọn, chuẩn xác. Bị cáo Tuyến khai việc này do nhận được chỉ đạo.
Về phương thức thanh toán, bị cáo Tuyến giải thích rằng tất cả đều làm theo quy trình rút gọn, lấy hàng trước, hoàn thiện hồ sơ thanh toán sau. Kết quả, CDC Hải Dương đã thanh toán cho Việt Á 4 hợp đồng với tổng số hơn 147 tỷ đồng.
Sau đợt thanh toán đầu tiên, bị cáo Tuyến khai không được Việt Á đưa cho gì cả. Những lần sau, Việt Á tự đề nghị "chia sẻ lợi nhuận" cho CDC Hải Dương như một lời cảm ơn. Bị cáo Tuyến thừa nhận đã cầm 27 tỷ đồng của Việt qua 3 lần chuyển khoản và cho rằng đó là chia sẻ lợi nhuận. Cho đến khi bị bắt, bị cáo Tuyến mới biết việc nhận tiền là sai.
Sau khi nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng, Tuyến đưa tiền cho một số người và bản thân bị cáo sử dụng riêng hơn 16 tỷ đồng. Trong số đó, Tuyến khai có đưa cho Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) 7 tỷ đồng; 3 lần đưa tiền cho Phạm Xuân Thăng với tổng số 600 triệu đồng và 50.000 USD.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết có chỉ đạo này là do Thứ trưởng Bộ Y tế khi đó là Nguyễn Thanh Long giới thiệu Công ty Việt Á.
Bản thân cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong lời khai trước đó cũng khẳng định tỉnh Hải Dương chính là địa phương duy nhất mà bị cáo "giới thiệu, can thiệp" đưa Công ty Việt Á vào chống dịch và bán kit xét nghiệm.
Thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng, bị cáo Phạm Xuân Thăng khai 1 lần nhận của Việt đưa 100.000 USD và nhận từ Phạm Duy Tuyến 3 lần với tổng số 600 triệu đồng và 50.000 USD.
Theo cáo trạng, lợi dụng chủ trương cho Công ty Việt Á được độc quyền cung cấp kit xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương, bị cáo Phạm Duy Tuyến thỏa thuận thông đồng với Phan Quốc Việt về việc hợp thức thủ tục hồ sơ cho Công ty Việt Á trúng thầu và Công ty Việt Á sẽ chi cho Tuyến 20%-25% giá trị hợp đồng. Do đó, Tuyến chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ứng kit xét nghiệm để CDC Hải Dương sử dụng trước, rồi phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á hợp thức thủ tục sau.
Hai bên còn thông đồng ban hành Chứng thư thẩm định giá theo giá Công ty Việt Á đưa ra, lập Tờ trình, hồ sơ để Công ty Việt Á được trúng thầu, ký hợp đồng, thanh quyết toán trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại 73,8 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Quốc Việt, cựu Tổng Giám đốc Công ty Việt Á tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Đồng thời, thực hiện thỏa thuận từ trước với Phan Quốc Việt, từ ngày 19/5/2021 đến ngày 19/11/2021, Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận của Việt tổng số tiền 27 tỷ đồng; trong đó, Tuyến sử dụng cá nhân số tiền hơn 16 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Tuyến là người nhận hối lộ nhiều thứ hai, 27 tỷ đồng, chỉ đứng sau bị cáo Nguyễn Thanh Long (51 tỷ đồng).
Giống như nhiều bị cáo khác, 2 bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đều thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố mình về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là đúng, có cơ sở pháp lý.
Cáo trạng xác định 2 bị cáo biết rõ Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, đưa vào sản xuất thương mại trái quy định của pháp luật nhưng Chu Ngọc Anh đồng ý để Phạm Công Tạc chủ trì tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng kit xét nghiệm cho Việt Á, khẳng định năng lực sản xuất của Công ty Việt Á.
Sau khi thực hiện những hành vi trái pháp luật, có lợi cho Việt Á, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã được Phan Quốc Việt đưa tiền cảm ơn. Trong đó, Việt đưa cho Chu Ngọc Anh số tiền 200.000 USD (tương đương hơn 4,6 tỷ đồng), đưa cho Phạm Công Tạc số tiền 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng). Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Tạc lại cho rằng bị cáo chỉ nhận 2 cọc tiền 50.000 đồng với tổng cộng là 100 triệu đồng.
Cũng trong phiên tòa sáng 04/01, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Bộ, đã có những đóng góp, cống hiến cho ngành Khoa học công nghệ và có nhiều thành tích xuất sắc như trong cáo trạng đã công bố tại phiên tòa./.
Theo vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/xet-xu-so-tham-vu-an-viet-a-lam-ro-hanh-vi-nhan-tien-cua-cac-bi-cao-post919173.vnp