Tiếp tục chấn chỉnh nạn khai thác cát lậu
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ TN&MT triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống nạn khai thác khoáng sản, trong đó có cát lậu.
Cụ thể, thời gian qua, lực lượng của Bộ Quốc phòng đã bắt giữ, xử lý gần 300 vụ khai thác khoáng sản trái phép. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện bắt giữ 53 vụ/57 tàu biển vận chuyển hàng trái phép trên 72.000 tấn than, trên 3.000 tấn quặng ilmenit, 7.660 tấn quặng sắt, 151 tấn quặng titan.
Sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây địa bàn xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An
Các lực lượng của Bộ Công an phát hiện xử lý gần 7.000 vụ khai thác khoáng sản trái phép với 6.800 đối tượng vi phạm, xử phạt gần 100 tỉ đồng, tịch thu hơn 300 máy nổ, 30 máy xúc, 20 giàn sàng cát, 150 ghe, tàu, thuyền các loại và hơn 20 xe ben đổ đất, hàng ngàn m3 đất, cát, sỏi được khai thác trái phép.
Riêng Bộ TN&MT thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản, bổ sung nhiều điều mới quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác khoáng sản.
Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 23/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24-02-2020 về quy định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản để kéo dài mà không được xử lý.
Đến nay, các địa phương có tình trạng khai thác trái phép khoáng sản đã ban hành 52 quy chế quản lý cát, sỏi lòng sông ở những khu vực giáp ranh, nơi có 652 bãi tập kết vật liệu xây dựng được cấp phép hoạt động. Các địa phương trong cả nước tiến hành thanh, kiểm tra phát hiện gần 15.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 7.302 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt số tiền gần 178 tỉ đồng, xử lý hình sự 26 vụ.
Thời gian tới, Bộ TN&MT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chấn chỉnh, rà soát các hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông và thu hồi cát lấp tại các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch trên địa bàn; cấp phép mở bến bãi mới phải trên cơ sở có quy hoạch; kiên quyết xử lý dứt điểm bến bãi kinh doanh tập kết cát, sỏi trái phép; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, cộng đồng với chính quyền và doanh nghiệp; tăng cường giám sát việc khai thác khoáng sản của doanh nghiệp theo đúng giấy phép và quy định của pháp luật, nhất là tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Đóng cửa các cơ sở vi phạm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Liên quan đến những kiến nghị của cử tri Long An về việc xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường (ONMT) tại khu, cụm công nghiệp (K-CCN), Bộ TN&MT trả lời, thời gian qua, Bộ phối hợp các bộ, ngành và địa phương tiến hành đồng loạt các giải pháp để giảm thiểu và khắc phục tình trạng ONMT tại K-CCN trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng ONMT vẫn xảy ra và chậm được khắc phục.
Thời gian tới, Bộ TN&MT xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường; rà soát toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiến hành sửa đổi các quy chuẩn tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới. Trên cơ sở đó, các địa phương ban hành những quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật của địa phương phải cao hơn quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia.
Phân loại rác thải tại nguồn là trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ môi trường
Song song đó, Bộ TN&MT sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các K-CCN; xử lý nghiêm hành vi vi phạm kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa các cơ sở vi phạm ONMT nghiêm trọng; tiến hành phân vùng để áp dụng công nghệ xử lý thích hợp đối với từng nguồn nước; những vùng nước đã và đang bị ô nhiễm, sẽ sớm nghiên cứu áp dụng công nghệ cải tạo phù hợp.
Ngoài ra, Bộ TN&MT chú trọng công tác xử lý nước tại nguồn thông qua việc triển khai, thực hiện có hiệu quả việc thoát nước, xử lý nước thải tại K-CCN; không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chưa có biện pháp quản lý chất thải rắn bảo vệ môi trường đi vào hoạt động. Các K-CCN phải bảo đảm nguồn nước khi xả thải được xử lý theo quy định của pháp luật; ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định và cấp phép xả thải./.
Minh Đăng