Phương tiện vi phạm bị lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phát hiện, lập biên bản xử lý
Vi phạm tải trọng còn phức tạp tại các địa phương giáp ranh
Mặc dù hiện nay, tình trạng vi phạm tải trọng trong hoạt động vận tải đã giảm đáng kể và không còn công khai như trước nhưng tại một số địa phương giáp ranh TP.HCM như huyện Đức Hòa, Bến Lức và cả Đức Huệ (tỉnh Long An), tình trạng vi phạm tải trọng vẫn xảy ra khá phức tạp. Xe vi phạm tải trọng chủ yếu là các loại xe chở vật liệu, khoáng sản từ các bến bãi, hầm khai thác đất phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng tại các công trình xây dựng.
Trên tuyến Đường tỉnh 824, 825, huyện Đức Hòa, không khó để bắt gặp những đoàn xe ben chở đầy đất lao đi vun vút, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông. Trên nhiều tuyến đường, tình trạng mặt đường hư hỏng liên tục xảy ra.
Tương tự, tại huyện Đức Huệ, hơn 1 năm nay, tình trạng xe ben chở đất từ các hầm khai thác phục vụ công trình cho các địa bàn lân cận như Đức Hòa hay qua Tây Ninh cũng hoạt động rầm rộ gây mất ATGT. Từ năm 2021 đến nay, ít nhất có 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe ben chở đất xảy ra trên địa bàn huyện Đức Huệ, khiến 3 người tử vong.
Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT - Lê Văn Viên, từ sau giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đến nay, tình trạng xe vi phạm tải trọng xuất hiện trở lại, nhất là tại các địa bàn giáp ranh TP.HCM. Trước đây, xe vi phạm quá tải thường chạy trên tuyến đường dài, liên huyện thì nay chủ yếu chạy cự ly ngắn dưới 10km, lợi dụng việc qua lại giữa 2 địa phương để né tránh và gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Trước thực trạng vi phạm tải trọng, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở chỉ đạo các đội thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Thông tin từ Thanh tra Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra, xử lý vi phạm công trình giao thông và TTATGT phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 167 vụ. Trong đó, vi phạm về quá tải trọng lưu hành 57 vụ, quá tải trọng cầu đường 6 vụ, các lỗi vi phạm khác 99 vụ và xử phạt vi phạm trên lĩnh vực đường thủy 5 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 650 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 trường hợp và tước phù hiệu đối với 20 trường hợp.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, Thanh tra Sở GTVT thành lập 3 đoàn thanh tra độc lập kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ. Theo đó, từ ngày 04/4 đến 13/5/2022, lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra 34 đơn vị cảng, bến và các đầu mối bốc xếp hàng hóa, kiểm tra đối với 36 phương tiện. Qua kiểm tra, lực lượng thanh tra lập biên bản xử lý vi phạm 6 trường hợp, yêu cầu 34 đơn vị cảng, bến và các đầu mối bốc xếp hàng hóa thực hiện cam kết bảo đảm việc bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng cho phép khi tham gia giao thông. Ngoài ra, từ ngày 23/5 đến ngày 03/6, Thanh tra Sở thành lập 14 đoàn thanh tra, thực hiện kiểm tra tại 12 đơn vị kinh doanh vận tải, 69 phương tiện về lắp đặt thiết bị giám sát trên ôtô kinh doanh vận tải. Qua kiểm tra, các đơn vị chấp hành tốt việc lắp đặt camera theo quy định, thiết bị ghi hình và lưu trữ bảo đảm thời gian quy định.
Mở đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm tải trọng
Thông tin từ Thanh tra Sở GTVT, từ ngày 15/6 đến 15/7/2022, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT, lực lượng Thanh tra Sở GTVT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra ra quân mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, tập trung tại các khu vực, tuyến đường có nhiều phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng nhằm góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
|
Còn nhiều khó khăn Trong phát hiện, xử lý xe quá tải
Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng như Thanh tra GTVT, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm qua các đợt cao điểm ra quân xử lý, tuy nhiên, việc phát hiện xe vi phạm tải trọng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
“Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm tải trọng, người dân cũng phản ánh nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm tải trọng không phải dễ dàng. Với mức phạt vi phạm tải trọng cao như hiện nay kèm theo chế tài tước giấy phép lái xe thời gian dài nên hầu hết trước các Đội Thanh tra GTVT và ngay cả Thanh tra Sở, các đối tượng đều bố trí lực lượng canh đường, cảnh báo. Khi lực lượng tổ chức ra quân kiểm tra, các đối tượng canh đường lập tức điện thoại thông báo cho các tài xế để dừng lưu thông. Hoặc có chăng, khi lực lượng phát hiện, xử lý 1-2 trường hợp là các tài xế thông báo cho nhau né kiểm tra. Vì vậy, nhiều trường hợp người lưu thông thường phát hiện các đoàn xe ben, xe tải tấp vào lề đường, tài xế đóng cửa bỏ đi nơi khác để đối phó với lực lượng kiểm tra. Ngoài ra, hiện nay, chế tài xử lý đối với các bến, bãi, điểm bốc xếp hàng hóa tư nhân vi phạm còn nhẹ, khó có thể áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoặc tước giấy phép kinh doanh cũng gây khó khăn cho lực lượng khi kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng” - Chánh Thanh tra Sở GTVT - Lê Văn Viên cho biết.
Ông Viên cũng cho rằng, hiện nay, lực lượng thanh tra thực hiện nhiệm vụ còn mỏng; quá trình ra quân kiểm tra, xử lý đều phải có quyết định, kế hoạch công khai và không thể tổ chức kiểm tra 24/24 giờ nên các đối tượng, đơn vị vận tải lợi dụng các thời điểm như buổi trưa hay đêm khuya để hoạt động, gây khó khăn trong phát hiện, xử lý.
Lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý xe quá tải
Để kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là xử lý vi phạm về tải trọng, Chánh Thanh tra Sở GTVT - Lê Văn Viên khẳng định, thời gian tới, lực lượng Thanh tra GTVT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ôtô vận tải và xử lý vi phạm về kích thước thành thùng xe, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong kiểm tra, lực lượng kết hợp kiểm tra, đối chiếu hóa đơn xuất bán hàng hóa giữa chủ đơn vị bến bãi, đầu mối bốc xếp hàng hóa với phương tiện nhận hàng làm cơ sở để phát hiện, xử lý vi phạm tải trọng.
Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, lực lượng Thanh tra GTVT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến quy định pháp luật về xếp hàng hóa trên phương tiện bảo đảm đúng tải trọng cho phép, yêu cầu các đơn vị ký cam kết bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành của các đơn vị vận tải và các đầu mối kinh doanh bến, bãi, mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh, tiến tới đẩy lùi, ngăn chặn triệt để tình trạng xe chở quá tải trên địa bàn tỉnh./.
Vi phạm tải trọng hiện nay có mức phạt rất cao
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt người điều khiển xe môtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô vận chuyển hàng hóa vượt tải trọng hiện nay rất cao. Theo đó, tỷ lệ quá tải trên 10% đến 30% thì sẽ bị xử phạt 800.000-1.000.000 đồng; tỷ lệ quá tải trên 30% đến 50% thì sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng; tỷ lệ quá tải trên 50% đến 100% thì sẽ bị xử phạt 5-7 triệu đồng; tỷ lệ quá tải trên 100% đến 150% thì sẽ bị xử phạt 7-8 triệu đồng. Còn tỷ lệ quá tải trên 150% thì sẽ bị xử phạt 8-12 triệu đồng.
Ngoài ra, khi xe vượt quá tải trọng cho phép, không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt rất nặng. Theo đó, tỷ lệ quá tải trên 10% đến 30% (hoặc từ trên 20% đến 30% đối với xe xi-téc chở chất lỏng) thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 2-4 triệu đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 4-8 triệu đồng; tỷ lệ quá tải trên 30% đến 50% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 12-16 triệu đồng; tỷ lệ quá tải trên 50% đến 100% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 14-16 triệu đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 28-32 triệu đồng; tỷ lệ quá tải trên 100% đến 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16-18 triệu đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 32-36 triệu đồng. Trường hợp tỷ lệ quá tải trên 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 18-20 triệu đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36-40 triệu đồng.
|
Kiên Định