Tiếng Việt | English

24/01/2017 - 11:07

Xuân về ấm áp tình người - Bài 2: Những bông hoa thiện nguyện

Bên cạnh các tổ chức, một số cá nhân cũng là những nhân tố tích cực trong công tác thiện nguyện, luôn sống hết mình vì hạnh phúc cộng đồng. Họ, có thể thuộc một hoặc nhiều tổ chức từ thiện, cũng có thể là những người hoạt động độc lập, không thuộc bất cứ đội, nhóm, câu lạc bộ nào. Với họ, làm điều tốt, điều hay giúp đời, chia sẻ cùng cộng đồng, xã hội là điều nên làm và chẳng cần báo đáp.


Thầy Thích Đức Hảo nhận thư cảm ơn của địa phương nhân chuyến từ thiện, tặng quà tết cho Việt kiều Campuchia tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng

Về huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhắc đến Thượng tọa Thích Đức Hảo - Trụ trì chùa Phổ An (xã Long Trạch, huyện Cần Đước), rất nhiều người cảm mến vì tấm lòng của thầy dành cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chùa Phổ An cũng là nơi giúp rất nhiều bệnh nhân nghèo ở Phòng khám Đa khoa khu vực Rạch Kiến và Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Đước có được những bữa cơm ngon trong hơn 10 năm qua.

Là một trong những phật tử tích cực, hăng hái tham gia công tác từ thiện nhiều năm qua cùng thầy Thích Đức Hảo, bà Lâm Thị Bạch (ở quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Thầy Thích Đức Hảo là người có tấm lòng nhân ái. Khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, thầy mạnh dạn vận động phật tử quyên góp, ủng hộ để họ vượt qua khó khăn. Thường xuyên tham gia các chuyến từ thiện do thầy tổ chức, tôi và những người xung quanh luôn cảm phục tấm chân tình của thầy dành cho người nghèo. Hiện tại, dù sức khỏe không tốt nhưng thầy vẫn thường xuyên gắn bó cùng những chuyến từ thiện cả trong và ngoài tỉnh”.

Nhân dịp xuân về, thầy Thích Đức Hảo vận động phật tử tặng 600 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng cho người nghèo ở các nơi như: Huyện Vĩnh Hưng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh,... Những phần quà này được thầy trực tiếp mang đến phát cho từng người nhằm có điều kiện thăm hỏi, động viên họ.

Bà Trần Thị Phước (Việt kiều Campuchia ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) xúc động: “Cuộc sống xứ người quá khó khăn, tôi đành trở về Việt Nam sinh sống. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm mà tôi có chỗ xây nhà để an cư, lạc nghiệp. Đặc biệt, gia đình tôi còn nhận được những phần quà vào các dịp lễ, tết. Riêng ngày hôm nay, tôi càng thấy ấm lòng, hạnh phúc khi được thầy Thích Đức Hảo động viên, thăm hỏi”.


Thầy Thích Đức Hảo vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến tặng 150 phần quà cho Việt Kiều kiều Campuchia ở các xã biên giới của huyện Vĩnh Hưng

Với quan niệm “Của cho không bằng cách cho”, thầy Thích Đức Hảo không chỉ giúp người nghèo trang trải một phần khó khăn trong cuộc sống mà còn ân cần động viên, giúp họ có thêm lòng tin để vượt lên nghịch cảnh. Thầy Thích Đức Hảo chia sẻ: “Làm từ thiện chủ yếu là xuất phát từ cái tâm. Có cái tâm thiện và không vụ lợi thì mới gắn bó lâu dài với công tác từ thiện. Bởi, khi gặp những hoàn cảnh bất hạnh, tôi lại mong muốn giúp đỡ họ. Tuy nhiên, làm từ thiện cũng là nhận lại niềm vui từ nụ cười của những mảnh đời kém may mắn, trong đó, hạnh phúc nào bằng khi nhìn thấy sự vươn lên của những trường hợp mình từng giúp đỡ”.

Còn với bà Nguyễn Thị Kiều Nga - cán bộ hưu trí, hiện là Chủ tịch Hội Luật gia huyện Bến Lức, làm công tác từ thiện trở thành thói quen, thấy ở đâu cần giúp đỡ, người nào cần hỗ trợ là bà sẵn sàng vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Dù nghỉ hưu nhưng hẹn gặp bà rất khó, bởi vì hầu như ngày nào bà cũng tất bật với các hoạt động vì cộng đồng: Khi thì xây nhà tình thương, khi thì xây cầu, làm đường, có lúc lại theo đoàn mổ tim, khám bệnh cho người nghèo hay trao quà cho người già neo đơn, trẻ em khuyết tật,...

Theo bà, làm từ thiện giúp đời cũng là giúp bản thân có thêm niềm vui trong cuộc sống. Nhìn những ánh mắt trẻ thơ háo hức đạp xe đến trường trên chiếc cầu bêtông chắc chắn, nụ cười móm mém của cụ già cả cuộc đời mới được che mưa, che nắng trong ngôi nhà khang trang hay giọt nước mắt của người mẹ, người cha khi con mình được mổ tim miễn phí,... bà thấy mình càng phải làm nhiều hơn, mang niềm vui ấy đến với nhiều người, nhiều địa phương hơn nữa. Cho đến giờ, bà Nga không thể nhớ hết mình vận động xây bao nhiêu chiếc cầu, căn nhà hay giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh,... Bà chỉ biết làm hết sức mình, hỗ trợ chính quyền địa phương giúp đỡ người nghèo, trao quà đúng đối tượng để mọi người đều hạnh phúc.

Chưa tròn tháng đầu tiên của năm 2017, riêng tại Bến Lức, bà vận động mạnh thường quân làm đường, xây cầu tại xã Long Hiệp; làm cống, xây cầu tại Lương Hòa, chuẩn bị bàn giao 2 cây cầu tại Lương Bình và tiếp tục vận động khởi công xây cầu tại xã Tân Bửu,... cùng 7 căn nhà tình thương trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Tết Đinh Dậu này, bà cũng vận động tiền để tặng quà xuân cho cựu tù chính trị, trẻ em nghèo, những người chạy xe ôm, bán vé số tại Bến Lức cùng những hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Trà Vinh. Chuyến xe cuối năm của bà cứ liên tục lăn bánh theo hành trình thiện nguyện và hứa hẹn tiếp tục đến với những nơi người nghèo cần giúp đỡ.


Bà Nguyễn Thị Kiều Nga trong lễ khánh thành chiếc cầu do bà vận động các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm hỗ trợ cho người dân đi lại

Không chỉ vận động quà, ủng hộ tiền giúp đỡ người nghèo, có người làm từ thiện cũng là tự thân mình bỏ công giúp đỡ cộng đồng, xã hội. Đối với ông Trịnh Khắc Phi Thoàng, ngụ tại ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa thì giúp đời, giúp người bằng cách đi hái thuốc, hỗ trợ các lương y khám bệnh từ thiện và nấu ăn cho bệnh nhân nghèo. Suốt tuần, ngày nào cũng vậy, trên chiếc xe máy cũ, ông rảo hết con đường này đến con đường khác trong huyện đi sưu tầm thuốc về cho phòng khám thuốc Nam miễn phí của Hội Chữ thập đỏ huyện Thủ Thừa (thị trấn Thủ Thừa) và phòng khám tại chùa Kim Thọ (xã Nhị Thành). Mỗi tuần 3 ngày, ông thức dậy thật sớm đến chùa Hư Không (thị trấn Thủ Thừa) nấu ăn giúp bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện.

Khi được hỏi, cả tuần vất vả làm việc “không lương”, thu nhập đâu để ông lo cho gia đình, ông cũng thật thà chia sẻ: “Tôi có một ít đất ruộng cho thuê nên cũng đủ trang trải cuộc sống. Giúp đỡ mọi người là điều nên làm, tôi từng bị loét và xuất huyết bao tử rất nặng, may nhờ khám bệnh tại phòng thuốc Nam của Hội Chữ thập đỏ huyện mà bệnh tình thuyên giảm rồi chấm dứt hẳn. Ai có của thì giúp bằng vật chất, vợ chồng tôi không nhiều tiền thì bỏ công giúp lại những người bệnh, người nghèo khó. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, xem việc thiện cũng là điều mình phải làm vì mang lại niềm vui cho bản thân và mọi người. Đây cũng là cách tôi dạy các con biết sống vì mọi người hơn!”.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” - quả thật, cuộc đời này vẫn đẹp biết bao khi có thật nhiều tấm lòng chân thành, luôn biết suy nghĩ vì mọi người. Với họ, sống là để cho đi, chẳng cần nhận lại. Chẳng ruột rà, máu mủ, họ đến với những hoàn cảnh nghèo khó để cùng san sẻ những vất vả, lo toan, sẻ chia miếng cơm, manh áo, giúp người nghèo thêm niềm tin và động lực vươn lên.

Đẹp thay những tấm lòng thiện nguyện, bởi “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”!

Lê Ngọc - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết