Tiếng Việt | English

17/07/2023 - 10:02

Xuất hiện chiêu trò 'bùng' nợ vay tiền qua app

Tội phạm không gian mạng không phải là vấn đề quá mới đối với người dùng mạng xã hội (MXH) hiện nay. Tuy nhiên, mới đây, trên MXH xuất hiện một số hội, nhóm hướng dẫn cách "bùng" tiền vay qua ứng dụng (app) hoặc qua trang web, với số lượng thành viên rất lớn. Điều này có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Bài đăng của một tài khoản đang dùng từ ngữ hoa mỹ để kích động các thành viên mạnh mẽ "bùng" nợ vay app

Nhờ vào những kẽ hở, sự dễ dãi trong quy trình duyệt hồ sơ vay của các app và trang web cũng như việc bỏ qua không tiến hành xác minh thông tin của người vay, nhiều người đã tìm cách vay tiền và sử dụng các chiêu trò tinh vi để qua mặt các app. Ban đầu, họ vay tiền và trả nợ đầy đủ, đúng hẹn nhằm tạo lòng tin và được nâng hạn mức vay. Sau đó, khi đã có hạn mức cao hơn, họ tiến hành "bùng" tiền khi vay một số tiền lớn hoặc vay nhiều app cùng lúc. Đương nhiên, những thông tin mà họ cung cấp cho các app chỉ là thông tin giả, bao gồm cả số điện thoại không có thật,...

Trên các hội, nhóm, nhiều người tự hào về "chiến tích" "bùng" nợ của mình và rủ rê các thành viên khác tham gia các hoạt động như cài danh bạ để tránh bị đòi nợ. Họ cung cấp các dịch vụ như chuyển cuộc gọi và điều chỉnh thông tin trên MXH để giảm thiểu thiệt hại tinh thần, thậm chí, có cả quảng cáo dịch vụ làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân và hóa đơn thanh toán cho những ai có nhu cầu.

Tuy nhiên, trong các hội, nhóm đó cũng có ý kiến cảnh báo rằng những hình thức "giúp đỡ" này thực tế là các chiêu trò của các app để người vay tin rằng việc "bùng" nợ qua app là dễ dàng, từ đó họ sẽ lựa chọn vay tiền qua app. Trên thực tế, các app có rất nhiều cách để đòi lại số tiền đã cho vay.

Hoạt động công khai của các hội, nhóm "bùng" nợ trên MXH gây bất ổn về an ninh, trật tự. Họ chia sẻ và hướng dẫn nhau một cách nhiệt tình mà không suy nghĩ rằng những hành vi này có thể vi phạm pháp luật.

Theo ý kiến của một số người dùng MXH, hoạt động vay tiền trực tuyến qua app và trang web đang có những diễn biến khá phức tạp và đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất "cắt cổ".

Hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền trực tuyến qua app và trang web rồi không trả nợ có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, những người kích động, xúi giục và cung cấp điều kiện cho hành vi lừa đảo có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm theo Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đối với những cá nhân có hành vi sử dụng căn cước công dân giả, cung cấp thông tin không chính xác về nhân thân và công việc, lợi dụng app vay tiền để sử dụng vào chi tiêu cá nhân, sau đó không trả nợ theo đúng quy định và điều kiện của app,... Theo giảng viên Nguyễn Thị Dung - Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, nếu có căn cứ chứng minh việc vi phạm của cá nhân này qua các hành vi gian dối từ đầu nhằm chiếm đoạt tiền từ các tổ chức và cá nhân thông qua việc sử dụng dịch vụ app vay tiền, có thể vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, mức án cao nhất có thể là 20 năm tù hoặc án chung thân.

Vì vậy, người dân nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ các quy định và thỏa thuận liên quan đến các app tín dụng khi vay tiền để tránh gặp phải những hậu quả không đáng có. Nếu có nhu cầu vay vốn để chi tiêu cá nhân, nên tìm hiểu từ các tổ chức tín dụng uy tín của ngân hàng, nơi có các chính sách cụ thể về lãi suất vay, thời hạn vay, lãi suất và cung cấp các chính sách bảo vệ quyền lợi của người vay./.

Phạm Đang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích