Tiếng Việt | English

26/08/2015 - 15:31

Xuất khẩu lúa gạo đang bị giấy phép “trói chân”?

Hàng loạt điều kiện đặt ra, trong đó có quy định về giấy phép xuất khẩu đang làm khó doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo.

“Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo liên tục sụt giảm cả lượng lẫn giá trị. Trong khi điều kiện được xuất khẩu gạo lại hạn chế năng lực doanh nghiệp xuất khẩu...” - đây là phản ánh của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo “Góp ý Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Dự thảo Thông tư quản lý cây ngắn ngày” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội ngày 25/8.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, xuất khẩu gạo đang trong thời kì khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư tham gia xuất khẩu lại phải có giấy phép xuất khẩu. Những điều kiện về xuất khẩu như phải có nhà máy chế biến, kho chứa lớn cũng đang hạn chế việc doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo…

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay Việt Nam xuất khẩu từ 6 - 7 triệu tấn gạo/năm nhưng lợi nhuận còn thấp. Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan.

Điều kiện giấy phép xuất khẩu gạo hạn chế năng lực doanh nghiệp xuất khẩu. (Ảnh minh họa: KT)

Ngoài ra xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh mạnh với Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ, Myanmar. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ “nóng lạnh” Trung Quốc. Vì vậy, tái cơ cấu ngành lúa gạo là nhu cầu bức thiết của ngành trồng trọt hiện nay bởi đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho ngành nông nghiệp.

“Cần có định hướng chung làm sao nâng cao được giá trị gia tăng và mục tiêu hướng đến là tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng lúa. Trong Đề án tái cơ cấu lúa gạo, vai trò của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Cụ thể, khi xây dựng cánh đồng nguyên liệu, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín sẽ giúp cho doanh nghiệp, tổ hợp tác nông dân phối hợp với nhau, tạo ra những sản phẩm an toàn, đặc biệt là giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào. Đồng thời, tái cấu trúc ngành lúa gạo cũng hướng đến việc tạo vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, làm sao xây dựng được thương hiệu lúa gạo của Việt Nam”, ông Định chỉ rõ.

Theo Dự thảo Thông tư quản lý cây ngắn ngày, mục tiêu cụ thể Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đặt ra đến năm 2020 là đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích; giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống bình quân còn 80kg/ha.

Ngoài ra, cần giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với hiện nay; Giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính 10% so với hiện nay. Tại vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên./.

Minh Long/VOV - Trung tâm Tin 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích