Bài 2: Những “shipper” đặc biệt
Không lương, không thu nhập, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ rủi ro nhiễm bệnh nhưng thời gian qua, nhiều “shipper” đặc biệt vẫn tình nguyện hỗ trợ vận chuyển thực phẩm, quà tặng đến người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chàng “shipper” áo xanh
Từ cuối tháng 5/2021 đến nay, người dân huyện Cần Giuộc quen với hình ảnh một chàng trai trẻ, dáng người cao ráo, độ chừng 27-28 tuổi trong bộ trang phục quần tây, áo thanh niên tình nguyện, cùng chiếc xe 3 bánh vận chuyển rau miễn phí để hỗ trợ người dân. Anh là Bí thư Đoàn xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc - Trần Phú Quý.
Bí thư Đoàn xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc - Trần Phú Quý chạy xe ba gác, "ship" rau miễn phí đến người dân
Khi xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng (tháng 5/2021), anh Quý đã nảy sinh ý tưởng thành lập mô hình Chuyến xe rau 0 đồng. Phước Hậu có diện tích trồng rau lớn, tận dụng những ưu thế đó của địa phương, anh vận động nông dân hỗ trợ rau miễn phí.
Anh Quý chia sẻ: “Khi đi vận động, nghe tôi trình bày ý tưởng của mô hình, đa số nông dân đều nhiệt tình ủng hộ. Những lần tôi đến chở rau, gặp thương lái đến lấy hàng, biết hoạt động của Đoàn xã nên cũng hỗ trợ mô hình. Mỗi người góp một chút để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19”.
Bất kể giờ giấc, chỉ cần điện thoại reo, đầu dây bên kia thông báo địa điểm, số lượng là anh Quý lại lên đường vận chuyển rau, có hôm là rau ngót, có hôm thì mồng tơi. Rau được cho vô từng túi khoảng 10kg hoặc 20kg. Sau đó, anh vận chuyển đến trụ sở ủy ban, các địa phương tiếp tục chia nhỏ để chuyển đến người dân. Đến nay, những chuyến xe rau 0 đồng của anh Quý đã chuyển trên 5 tấn rau hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đoàn viên, thanh niên tham gia cắt, bó rau trước khi chuyển lên xe
Những chuyến đi đặc biệt
Chứng kiến tình cảnh khó khăn của người dân do ảnh hưởng đại dịch, chị Trần Thị Ngọc Tuyền (45 tuổi), ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An, “đứng ngồi không yên”. Làm ở Bưu điện xã, tiền lương chỉ đủ trang trải cuộc sống nhưng với suy nghĩ “giúp được bao nhiêu thì giúp”, chị Tuyền tranh thủ thời gian ngoài giờ làm đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ người dân.
Theo lời kể của chị, cái gật đầu đồng ý hỗ trợ 25 phần quà, mỗi phần gồm 1kg lạp xưởng, 10kg gạo và 1 thùng mì của một mạnh thường quân trên địa bàn xã khiến chị cảm thấy rất vui. Chị Tuyền phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Tâm lên danh sách người nhận. Những phần quà nhanh chóng được chị “ship” đến người dân đang thực hiện cách ly y tế tại nhà và người dân gặp khó khăn trên địa bàn xã do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến nay, chị Tuyền vận động được 85 phần quà. Trường hợp người dân cách ly y tế tại nhà không nhiều nên chị phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mở rộng đối tượng trao tặng như gia đình chính sách.
Giữa cái nắng như đổ lửa, chị Trần Thị Ngọc Tuyền (bìa phải) âm thầm chở những phần quà, mang yêu thương đến với người dân
Khi đi “ship” những phần quà, chị không quên lồng ghép tuyên truyền mọi người chủ động phòng, chống dịch bệnh. “Tôi không có của nên chỉ có thể góp công, cảm ơn là cảm ơn mạnh thường quân đã hỗ trợ mình” - chị nói chân thành. Giữa cái nắng như đổ lửa, chị Tuyền vẫn âm thầm chở yêu thương đến từng nhà. Dù không góp hiện vật nhưng cái công, cái tình của chị Tuyền thật đáng quý.
Gần 2 năm qua, mỗi tuần 1 lần, nhóm chị Lê Thị Hồng Nga (25 tuổi), ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, đều đặn "ship" những suất ăn miễn phí từ huyện Châu Thành lên TP.Tân An, tặng người cơ nhỡ, người lao động nghèo mưu sinh trong đêm. Từng làm “shipper” khá nhiều lần nhưng có lẽ, chuyến đi vào những ngày TP.Tân An xuất hiện dịch Covid-19 là đặc biệt nhất với chị.
Nhóm của chị Lê Thị Hồng Nga vận chuyển nhu yếu phẩm bằng xe máy, hỗ trợ người dân trước khi TP.Tân An thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Chị Nga chia sẻ: “Trước mỗi chuyến đi, tôi đều liên hệ chính quyền địa phương để nắm thông tin về số hộ tại khu vực bị khoanh vùng cũng như những nhu yếu phẩm người dân đang cần. Tại mỗi điểm đến, chính quyền địa phương đều cử lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn nhóm. Người dân được gọi điện thoại ra nhận quà, tất cả đều mang khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Chẳng ai biết mặt ai nhưng những lời cảm ơn, những cái vẫy tay tạm biệt giúp chúng tôi cảm nhận được tình cảm mà người dân dành cho nhóm”.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh, trong mỗi chuyến đi, các "shipper" đều trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Giữa mùa dịch, những “shipper" đặc biệt không chỉ mang các phần quà hỗ trợ đến với người dân mà còn góp phần truyền đi thông điệp yêu thương, chia sẻ khó khăn./.
Giữa mùa dịch, những “shipper" đặc biệt không chỉ mang các phần quà hỗ trợ đến với người dân mà còn góp phần truyền đi thông điệp yêu thương, chia sẻ khó khăn". |
(còn tiếp)
Nhóm PV