Tiếng Việt | English

24/04/2019 - 11:02

Yêu và sống hết mình với nghề giáo

"Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ có duy nhất một ước mơ là trở thành cô giáo. Ðây là động lực giúp tôi vượt qua bao khó khăn của cuộc sống để thành công, chinh phục ước mơ của mình". Đó là tâm sự của cô Phan Thị Hoàn Mơ - giáo viên (GV) Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An), vừa đoạt giải nhất cuộc thi GV chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh năm học 2018-2019.

Vượt qua gian khó

Sinh ra trong gia đình nghèo nên con đường đến trường của cô học trò Hoàn Mơ dường như cũng bị hẹp lại. Cô Hoàn Mơ tâm sự: "Trước đây, đi học vất vả lắm, đường từ nhà đến trường phải đi vòng rất xa. Nhà nghèo nên phương tiện đi học cũng không có, tôi thường đi nhờ xuồng của những người quen. Đến khi tôi học lớp 8, đường bộ mới mở, tôi được đi xe đạp nên đỡ cực hơn. Ngoài ra, từ lớp 6, tôi phải vừa đi học, vừa bắt cá, nhổ bông súng, giặm lúa,... phụ giúp gia đình".

Những khó khăn, vất vả ấy không ngăn được ý chí vươn lên của cô học trò giàu nghị lực. Bởi, ngay khi cắp sách đến trường, được gặp gỡ, tiếp xúc thầy, cô giáo, Mơ đã xác định lớn lên phải trở thành GV để dạy chữ cho học sinh (HS). Ước mơ đó được vun đắp từng ngày. Ðó cũng là động lực giúp Mơ đạt HS giỏi 12 năm liền.

Cô Phan Thị Hoàn Mơ đoạt giải nhất cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh năm học 2018-2019

Cô Phan Thị Hoàn Mơ đoạt giải nhất cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh năm học 2018-2019

Cô Hoàn Mơ tâm sự thêm: "Xác định ước mơ trở thành GV có lẽ là động lực lớn giúp mình luôn học giỏi, nhưng một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là sự ủng hộ của gia đình. Mặc dù gia đình khó khăn, lo cho tôi ăn học là cả một vấn đề lớn nhưng cha mẹ chưa bao giờ than vãn. Ngược lại, cha mẹ còn động viên tôi rất nhiều. Cha mẹ nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Dù bán đất cũng phải lo cho con học hành đến nơi, đến chốn”. Vì cha mẹ hiểu rõ, chỉ có học, tôi mới có tương lai và không khổ cực như cha mẹ. Không phụ lòng cha mẹ, tôi ra sức học tập. Trong 4 năm học tại Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp, năm nào tôi cũng nhận được học bổng".

Hết lòng với học sinh

Trở thành GV như mơ ước, cô Mơ luôn hết lòng vì HS. Cô đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy HS làm trung tâm. Tùy theo nội dung bài học, đối tượng HS, cô chọn phương pháp phù hợp.

Cô Hoàn Mơ cho biết: “Muốn tiết dạy đạt hiệu quả, GV phải nắm bắt được tâm lý HS. Từ đó, GV linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy. Có như vậy, HS mới hợp tác, hứng thú học tập và hiểu bài. Theo đó, phương pháp lấy HS làm trung tâm và cho các em  thảo luận nhóm được áp dụng khá nhiều trong quá trình dạy và học. Đây là phương pháp khơi gợi tinh thần học tập, khả năng tư duy của HS nên các em rất thích”.

Ngoài ra, cô Mơ cũng áp dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm vào thực tế giảng dạy. Cô tâm đắc sáng kiến rèn luyện kỹ năng viết văn miêu tả cho HS lớp 4. Theo đó, cô Mơ giúp HS hiểu thế nào là miêu tả; tạo động cơ, hứng thú học tập cho HS; rèn luyện kỹ năng tìm hiểu yêu cầu của đề bài, kỹ năng quan sát, tìm ý, ghi chép, kỹ năng tích lũy vốn từ và lựa chọn từ ngữ miêu tả, kỹ năng lập dàn ý, kỹ năng đặt câu, dựng đoạn, kỹ năng sử dụng từ ngữ biểu cảm và biện pháp tu từ. Từ đó, cô Mơ tiến hành đánh giá sự tiến bộ của từng HS. Nhờ vậy, trong bài văn miêu tả, HS trình bày đầy đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài; có nội dung miêu tả rõ ràng; viết câu đúng chính tả, ngữ pháp; bài viết sạch, dễ đọc hơn trước đây.

Cô Mơ còn quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Trong đó, cô chú trọng giáo dục HS tính tự lập và các kỹ năng cơ bản: Chống đuối nước, chống xâm hại tình dục trẻ em, chống bạo lực học đường, ứng phó thời tiết,... Cô Hoàn Mơ chia sẻ: “Ngoài kiến thức sách giáo khoa, những kiến thức ngoài xã hội cũng quan trọng không kém. Tôi luôn rèn HS khả năng tự phục vụ bản thân và những kỹ năng sống nhằm tự bảo vệ mình. Nhờ vậy, HS tự tin, năng động và hoạt bát hơn”.

6 năm với nghề, trải qua bao kỷ niệm với học trò, hạnh phúc có, buồn, cực cũng có nhưng cô Mơ chưa một lần tắt lửa đam mê. Cô luôn tâm niệm yêu và sống hết mình với nghề giáo mà mình chọn lựa. Đặc biệt, cô còn nỗ lực học tập, tự trau dồi kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực sư phạm, “vững tay” hơn trong nhiệm vụ dìu dắt HS./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết