Tiếng Việt | English

22/11/2016 - 10:28

Cựu giáo chức “nặng nợ” với cuộc đời

Một cô giáo dù nghỉ hưu nhiều năm nhưng vẫn luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Với cô, nếu nghề giáo là cái nghiệp thì việc tham gia công tác xã hội là cái duyên mà cô luôn trân trọng và gắn bó.


Cô Nguyễn Thị Nhiển (mặc áo dài) chụp ảnh cùng Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam tỉnh - thầy Ngô Hải Phong (bìa trái) cùng các học trò cũ

Hết lòng vì nghề giáo

Cô Nguyễn Thị Nhiển (sinh năm 1942), hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cô Nhiển có cha là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Khi cha mất, cô vừa tròn 3 tuổi, còn người em út chỉ mới hơn 1 tuổi. Qua lời kể của mẹ và các anh chị, sau khi giặc vào nhà kéo cha ra sân xử tử, mẹ cô phải bồng bế 5 con xuống thị trấn Đức Hòa tản cư, bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa,... nên đời sống rất túng thiếu, khó khăn. Ấy vậy mà, các anh em cô rất ham học, người sau bước theo người trước, cả 5 anh chị em đều là thầy, cô giáo.

Năm 1966, cô dạy tại Trường Tiểu học Đức Lập và năm 1972, dạy tại Trường Tiểu học Hòa Khánh. Do có thành tích nổi bật khi 62 học sinh của cô lúc bấy giờ đều đậu vào trường công lập với thứ hạng rất cao, cô được cử đi học đại học rồi dạy Pháp văn tại Trường Trung học Đức Hòa (nay là Trường THCS Võ Văn Tần). Rất nhiều học trò của cô giờ trưởng thành, trong đó, nhiều người có sự nghiệp, thành đạt, vị trí cao trong xã hội. Trong đó, phải kể đến Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Mai Văn Chính, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành,...

Nhớ hoài cô giáo với nụ cười hiền hòa ngày nào, hễ có dịp rảnh là các học trò lại chở theo vợ/ chồng, các con đến thăm cô. Thế nên, năm nào mùng 3 tết, nhà cô cũng rộn rã tiếng nói cười, ấm áp như một đại gia đình... Trong căn nhà nhỏ của cô, có lẽ, tài sản quý nhất là những quyển lưu bút phai màu mực, giấy ố vàng. Quyển lưu bút được các học trò tập hợp, đóng cuốn rồi đem bản gốc tặng cô. Mỗi trang giấy như chứa một câu chuyện, một đoạn phim về ký ức của học trò,...

Kể về học trò của mình, tay cô lần giở từng trang sách, có khi cười, có lúc nước mắt rưng rưng. Từng lời, từng chữ ngây ngô,... là tất cả tình cảm của học trò thân thương dành cho cô giáo trẻ. Cô nhớ hoài hình ảnh những học trò nghèo ngày ấy, bàn ghế, trường lớp ọp ẹp, sách vở thiếu thốn vậy mà em nào cũng hiền, trò nào cũng ngoan. Cô nhớ, em này học giỏi ra sao, em kia ngoan hiền thế nào.


Tài sản quý báu của cô là những hình ảnh, lá thư, lưu bút của học trò cũ

“Nặng nợ” với cuộc đời

Dù bước vào ngưỡng “thất thập” nhưng cô vẫn tất bật với công tác xã hội. Vẫn giữ tác phong một nhà giáo, cô có rất nhiều sổ ghi chép. Bất kể vận động được quà gì, cho ai, hoàn cảnh ra sao, cô đều ghi lại cẩn thận và không quên dán hình ảnh, hóa đơn, chi phí điều trị bệnh, hồ sơ liên quan của đối tượng cần giúp đỡ. Ngoài ra, bảng theo dõi tiền trợ cấp học sinh nghèo, chi phí xây nhà tình thương cho học sinh, giấy ra viện,... cũng được cô lưu giữ.

Mở quyển sổ với hàng chục hoàn cảnh khó khăn, từ cựu giáo chức nghèo, neo đơn cho đến học sinh nghèo hiếu học, mồ côi cha mẹ,... đều được cô kể “vanh vách” tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh,... Nào là chuyện em Huỳnh Thị Hồng Đào (ấp Hòa Hiệp, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa) là nạn nhân chất độc da cam, 21 tuổi mà cân nặng chỉ có 16kg. Gia đình em khó khăn, sau khi được xây nhà tình thương thì qua đời. Cô cũng là người đứng ra vận động tiền lo mai táng. Hay như trường hợp gia đình em Bùi Thị Ngọc Yến (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa), mẹ mất sớm, một mình cha phải gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Trong nhà chỉ có duy nhất chiếc giường cho mấy cha con chen nhau ngủ qua đêm,...

Nguyên Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Ngọc Hạnh chia sẻ: “Tôi được học cô Nhiển năm lớp 6, lớp 7 môn Pháp văn. Cô rất hiền và ân cần, quan tâm học trò nên chúng tôi ai cũng quý mến. Thuở ấy, điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng cô trò rất gần gũi. Cô dù tuổi cao lại mắc bệnh nhưng luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người và rất nhiệt tình trong công tác xã hội”.

Với cô, không quan trọng học trò mình phải là “ông này, bà nọ” mà chỉ cần có trái tim nhân ái, luôn biết yêu thương, giúp đỡ mọi người là món quà lớn nhất. Có lẽ, bất kỳ ai khi trò chuyện cùng cô sẽ cảm nhận được sự hiền hòa, lạc quan như có thể lan tỏa cho người đối diện. Từ khi mắc bệnh ung thư năm 2009, phải trải qua những đợt hóa trị, xạ trị với chi phí rất cao, kinh tế gia đình cô gần như kiệt quệ. Tuổi cao, tai cũng bắt đầu khó nghe, nhớ trước quên sau,... nhưng nụ cười của cô lúc nào cũng thường trực trên môi.

Với những đóng góp của mình vì công tác xã hội, cô nhận được bằng khen của Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam, bằng khen của UBND tỉnh và rất nhiều giấy khen của các cấp, các ngành. Thành quả của cô không phải là quà cáp của học trò, bằng khen, giấy khen, thành tích mà điều cô trân trọng nhất là mang lại tiếng cười cho những hoàn cảnh khó khăn. Những nụ cười, cái bắt tay, ánh mắt trìu mến của những trường hợp từng được cô giúp đỡ là động lực, sức mạnh để cô tiếp tục hành trình mang tiếng cười cho những mảnh đời kém may mắn./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết