Tập trung giải phóng mặt bằng
Thời gian qua, Long An tập trung nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, tiếp nhận nhiều dự án công nghiệp, dân cư, đô thị, triển khai công trình hạ tầng, từ đó phát sinh yêu cầu phải thu hồi một lượng lớn đất đai để giao mặt bằng cho các công trình, DA. Năm 2019, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác bồi thường, GPMB, tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều thông tin, Long An có 31 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, tổng diện tích 11.391ha. Hiện nay, tỉnh có 16 KCN đang hoạt động, diện tích 3.862ha và 15 KCN với diện tích 7.529ha chưa đi vào hoạt động. Về cụm công nghiệp (CCN), theo quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tỉnh có 62 CCN, tổng diện tích 3.106ha. Hiện tỉnh có 54 CCN, diện tích 2.743ha đã có chủ đầu tư (trong đó có 22 CCN, diện tích 1.095ha đã đi vào hoạt động; 14 CCN, diện tích 641ha đang triển khai đầu tư; 18 CCN, diện tích 1.006ha mới có quyết định thành lập); 8 CCN, diện tích 363ha đang tiến hành thủ tục thành lập. Như vậy, nếu tính cả K,CCN thì tỉnh còn trên 8.000ha đất quy hoạch phát triển công nghiệp đang tiến hành GPMB và đầu tư hạ tầng.
Thu hút đầu tư tốt, tạo điều kiện tốt để nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp tỉnh tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững
Năm 2019, Long An đặt mục tiêu có ít nhất 3 KCN và 3 CCN đưa vào kế hoạch triển khai, hoạt động. Để đạt mục tiêu này, các sở, ngành tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp đang tập trung triển khai công tác bồi thường, GPMB để giao đất cho nhà đầu tư. Việc tập trung GPMB, tiếp tục đầu tư hạ tầng các K,CCN sẽ giúp tỉnh có thêm quỹ đất sạch thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu thuê đất của các DA lớn.
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (QLKKT) tỉnh - Trương Văn Triều cho biết: “Để đạt mục tiêu có thêm 3 KCN đi vào hoạt động, Ban QLKKT phân công trách nhiệm cho từng phòng trong việc triển khai và phối hợp, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện tiếp nhận DA. Trong quá trình thực hiện, có nhiều thuận lợi vì sự hợp tác từ nhà đầu tư, nhưng vẫn còn khó khăn trong bồi thường, GPMB. Ở các trường hợp này, nhà đầu tư phối hợp chính quyền địa phương tích cực làm công tác vận động, tuyên truyền để sớm GPMB thực hiện DA đúng theo thời gian quy định”.
Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư
Ông Nguyễn Văn Tiều thông tin thêm, thời gian qua, Long An thu hút đầu tư luôn tăng về số DA và số vốn đầu tư, nhưng chưa xứng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê lại không nhiều và nằm rải rác ở các KCN. Vừa qua, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, tìm đất để đầu tư nhưng không có nhiều đất để cho thuê lại. Để có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư, năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung GPMB, tiếp tục đầu tư hạ tầng các K,CCN để có thêm quỹ đất cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất của các DA lớn. Bên cạnh đó, khi có nhiều K,CCN hoạt động, cùng cạnh tranh trong thu hút đầu tư mới góp phần kéo giá cho thuê lại thấp xuống hơn so với hiện nay.
Cần Giuộc là một trong những huyện trọng điểm phát triển công nghiệp, được quy hoạch 7 KCN và 8 CCN với diện tích trên 1.096ha. Hiện huyện có 3 KCN hoàn thành GPMB với diện tích trên 333ha, 3 KCN và 2 CCN đang thực hiện GPMB với diện tích khoảng 370ha. Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn chia sẻ: “Theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2019, công tác bồi thường, GPMB, tái định cư được Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra, giám sát, kết quả bước đầu khá khả quan”.
KCN Long Hậu 3 có diện tích gần 124ha do Công ty Cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư là một trong những KCN được chọn, phấn đấu hoàn thiện hạ tầng, đi vào hoạt động trong năm 2019. Đến thời điểm này, tổng diện tích đất bồi thường, GPMB trên 71% diện tích toàn DA. Ở diện tích này, nhà đầu tư đang tiến hành san lấp mặt bằng, triển khai hạ tầng đủ điều kiện đưa vào hoạt động trong năm 2019.
KCN Cầu Cảng Phước Đông là một trong những K,CCN được quy hoạch nhằm phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Cần Đước. Theo đó, diện tích quy hoạch của KCN là 143ha, đến nay, nhà đầu tư thực hiện bồi thường, GPMB với diện tích 141ha. Phần diện tích còn lại đang gặp khó khăn trong GPMB. Với diện tích hoàn thành GPMB, nhà đầu tư đã san lấp 80% diện tích và khẩn trương thực hiện phần hạ tầng. Theo đó, KCN này đang tiến hành triển khai thi công đồng loạt tất cả tuyến đường và hoàn thiện 70% khối lượng công việc lắp đặt cống thoát nước mưa, nước thải trong toàn khu. Theo nhà đầu tư, tất cả công việc đang được gấp rút thực hiện để có thể hoàn thành phần hạ tầng đã GPMB, dự kiến đến cuối tháng 6-2019 sẽ hoàn thiện và sẵn sàng tiếp nhận nhà đầu tư. Bên cạnh thi công hạ tầng, nhà đầu tư KCN Cầu Cảng Phước Đông còn tiến hành ký hợp đồng với các đơn vị khác thi công nhà máy xử lý nước thải, cung cấp nước sạch và điện.
Khu công nghiệp Cầu Cảng Phước Đông đang thực hiện xây dựng hạ tầng
Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: “Khó khăn trong GPMB phần diện tích đất ở KCN Cầu Cảng Phước Đông được lãnh đạo tỉnh, huyện nắm rõ và đã xử lý theo hướng hài hòa giữa nhà đầu tư cũng như các tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng. Đối với các DA K,CCN khác được quy hoạch trên địa bàn huyện, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai DA cũng như thu hút đầu tư”.
Ngoài KCN Long Hậu 3, KCN Cầu Cảng Phước Đông thì một số K,CCN khác như Đông Nam Á, Hựu Thạnh, Việt Phát, DNN-Tân Phú, Sao Vàng, Vissan, Vinh Khang cũng đang trong quá trình thi công hạ tầng để phấn đấu đưa vào hoạt động, thu hút đầu tư trong năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Tiều cho biết thêm, đối với các K,CCN mới có chủ trương đầu tư, UBND các huyện và các ngành tỉnh đang tập trung thực hiện công tác GPMB. Song song đó, tỉnh đang thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất lúa của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất lúa là cơ sở để triển khai thủ tục đất đai. Đây là thủ tục mất nhiều thời gian nhất trong quá trình triển khai DA, do đó UBND cấp huyện, các ngành, chủ đầu tư cần tập trung lập thủ tục đất đai; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cải tiến rút ngắn thời gian lập các thủ tục để sớm giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư triển khai thực hiện DA. Thu hút đầu tư tốt, tạo điều kiện tốt để nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp tỉnh tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững./.
Long An có 31 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tổng diện tích 11.391ha. Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Long An có 62 cụm công nghiệp, tổng diện tích 3.106ha. Tính cả khu, cụm công nghiệp, tỉnh có khoảng 8.170/14.497ha đất quy hoạch công nghiệp đang tiến hành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. |
Gia Hân