Tiếng Việt | English

02/11/2016 - 17:57

“Bài toán khó” cho nông dân trồng mía

Những năm gần đây, diện tích mía trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An liên tục bị thu hẹp. Thay vào đó, nhiều nông dân chuyển đổi những cây trồng khác có lợi ích kinh tế hơn để ổn định cuộc sống.


Chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến người dân phá bỏ mía, chuyển sang các cây trồng khác

Theo Quyết định số 2554/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Long An giai đoạn 2011-2020, trong đó, huyện Thủ Thừa được quy hoạch 1.800ha - chủ yếu tâp trung tại xã Tân Thành. Tuy nhiên, dù triển khai nhiều biện pháp duy trì và phát triển vùng nguyên liệu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, diện tích mía tại Thủ Thừa đang giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, diện tích mía toàn huyện hiện chỉ đạt trên 1.400ha (chủ yếu tại xã Tân Thành, thị trấn Thủ Thừa chỉ chiếm khoảng 100ha).

Trước năm 2010, giá mía ổn định, càng về sau giá mía giảm mạnh, có lúc chỉ có khoảng 500.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, việc thu hoạch mía hiện nay hoàn toàn bằng thủ công trong khi công lao động khan hiếm và chi phí cao. Vào thời điểm thu hoạch, nguồn nhân công chủ yếu từ Sóc Trăng, Trà Vinh vì dân địa phương đa phần làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông trong vùng nguyên liệu mía cũng đang là vấn đề khó khăn mà người nông dân phải đối mặt. Tân Thành là vùng đất trũng, dòng chảy không cao nên lục bình, rong phát triển dày đặc, xuồng ghe không di chuyển được. Vùng đê bao cơ bản đáp ứng được việc chống lũ nhưng còn hạn chế vì các kênh bị bồi lắng. Đê bao khu vực trồng mía nhỏ, không được cứng hóa mặt đê, kênh bị bồi lắng nên việc tưới tiêu cũng gặp khó khăn, nước cạn (kênh theo triều cường, nước lên rất chậm và rút xuống cũng chậm). Vì thế, việc vận chuyển hàng hóa hay vật tư nông nghiệp, mía nguyên liệu,… đều gặp khó khăn vì - chuyển mía từ ghe nhỏ ra ghe lớn.

Chi phí sản xuất cao, năng suất kém, giá thu mua thấp, không hiệu quả kinh tế, khiến cho nhiều hộ từ bỏ cây mía. Những năm gần đây, nông dân Tân Thành phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như chanh, thanh long, mì,… Ông Trần Văn Phục, nông dân ấp 3, xã Tân Thành cho biết: “Tôi trồng mía từ năm 1996 nhưng hiện tại không có hiệu quả kinh tế nên tôi chuyển sang đầu tư trồng 3ha thanh long ruột đỏ. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng, sau vài đợt thu hoạch thì đến nay bắt đầu có lãi”.

Còn anh Phạm Thành Trung, cùng ngụ ấp 3, xã Tân Thành cho biết, trước đây, anh có 7ha trồng mía. Sau này, do lợi nhuận quá thấp, anh chuyển sang trồng mì, lúa và thanh long, nhưng cũng duy trì khoảng 1ha mía. Trung bình, trồng mì lãi trên 20 triệu/ha; lúa Đông Xuân lãi từ 10-15 triệu/ha. Thanh long giá bán hiện tại khoảng 44 ngàn đồng/kg ruột đỏ. Trong khi với mía thì lợi nhuận đều dưới 20 triệu/ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Mai Hữu Phước thông tin, toàn xã có gần 1.400ha mía, tập trung tại ấp 3, 4, 5. Nhưng lợi nhuận không cao, từ đó, người dân có xu hướng chuyển dần sang các loại cây như: Thanh long (toàn xã có 45ha, tập trung tại ấp 2, 3, 4), chanh (370ha ở ấp 3). Tuy nhiên, 2 loại cây trồng này cần có nhiều vốn mới có thể đầu tư chuyển đổi. Những hộ không đủ khả năng thì vẫn tiếp tục “bám trụ” cùng cây mía.

Để hỗ trợ nhà nông, chính quyền địa phương sẽ phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chọn những giống mía có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, đề nghị làm lại hệ thống nắp cống tại đường tỉnh, nạo vét kênh mương bị bồi lắng và nâng cấp các đê bao lấy nước, thoát nước, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất.

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi, do chưa cơ giới hóa được trong các khâu sản xuất, từ trồng chăm sóc, bón phân, thu hoạch đều bằng thủ công, chỉ cơ giới hóa được khâu làm đất nên năng suất cây mía không cao. Sản lượng bình quân dao động từ 80-100 tấn/ha với chữ đường trong khoảng 8,9 CCS, cuối vụ mới có thể đạt 10 CCS. Chính vì chi phí đầu tư sản xuất lớn nhưng lợi nhuận không cao nên những hộ có khả năng, điều kiện chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có lợi ích kinh tế cao hơn. Nếu muốn giữ vững diện tích vùng nguyên liệu mía, người nông dân cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.

Thời gian qua, tỉnh nạo vét, nâng cấp đê bao các công trình do tỉnh quản lý như: Kênh T2 và T4 (dài 6km), Kênh Biện Cung (3,5km), Kênh Tám thước (5km) và Kênh Ranh (8km). Huyện không có nguồn vốn riêng dành cho cây mía, chỉ có vốn cho cây lúa nước theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ nạo vét kênh mương, các công trình vùng mía phân cấp huyện quản lý. Bên cạnh đó, người trồng mía cần tăng cường đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để năng năng suất, sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Cụ thể, về canh tác, mật độ trồng phải thưa, kỹ thuật bón phân khoa học, hợp lý để tăng chữ đường, sử dụng các giống mía có năng suất cao. Người dân cần chú trọng việc đánh lá mía để giảm sâu bệnh, nấm mốc và giảm đổ ngã.

Việc người dân “chia tay” cây mía để chuyển sang cây trồng khác cũng là điều tất yếu. Hy vọng trong thời gian tới, không chỉ riêng có sự quan tâm từ các cấp, các ngành, các công ty thu mua cũng cần có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất để người nông dân phải có lãi thì mới có thể tiếp tục gắn bó cùng cây mía./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết