Tiếng Việt | English

12/11/2019 - 22:00

‘Dự án Long Thành phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh, vươn cao’

Đề cập đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất dự án này phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh, vươn cao, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Tại phiên thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, diễn ra ngày 12/11, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất “Dự án này phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh, vươn cao, thoát bẫy thu nhập trung bình. Nếu làm không tốt, nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án đắp chiếu đang tồn tại.”

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Đề cập đến tầm quan trọng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, cử tri, nhân dân và cá nhân đại biểu đều đồng ý phải xây dựng sân bay Long Thành càng sớm càng tốt. Vấn đề là, việc thực hiện chủ trương này như thế nào?

Theo ông Nghĩa, sân bay Long Thành là dự án hạ tầng giao thông gồm bốn yếu tố quan trọng. Đó là kinh tế, xã hội, kỹ thuật, công nghệ. Ngoài ra, dự án này có ý nghĩa hệ trọng đối với an toàn kinh tế cũng như an ninh, quốc phòng của đất nước.

Do đó, “dự án này phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh, vươn cao, thoát bẫy thu nhập trung bình. Nếu làm không tốt, nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án đắp chiếu đang tồn tại,” ông Nghĩa nhấn mạnh.

Với mong muốn nêu trên, ông Nghĩa đề xuất dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải bảo đảm gia tăng bốn tiêu chí. Đó là tăng hiệu quả kinh tế, tăng ổn định xã hội, tăng cơ sở hạ hạ tầng kỹ thuật và tăng trình độ công nghệ.

“Dự án này phải là một phần thưởng quý báu, không thể là một di sản ‘bỏ thì thương, vương thì tội’ trên vai các thế hệ mai sau,” ông Nghĩa nói thêm.

Về phướng án triển khai dự án, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đồng ý chủ trương giao cho các nhà đầu tư trong nước, song cần có chủ trương, chính sách cụ thể, thông minh và chặt chẽ về huy động, quản lý các nguồn vốn đối với dự án này.

Đúc kết bằng câu nói mang ý nghĩa xương máu “khó vạn lần dân liệu cũng xong,” ông Nghĩa nhấn mạnh: “Nếu có chủ trương hợp lý, minh bạch, tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi rất lớn của người dân ở trong nước và hải ngoại. Không khéo thì toàn bộ lợi nhuận về tay tư nhân hết và lỗ thì Nhà nước gánh.”

Bên cạnh đó, để đảm bảo dự án được triển khai hiệu quả, ông Nghĩa cho rằng một số nguyên tắc nhất thiết phải bảo đảm là pháp luật nghiêm minh, không tham nhũng, lãng phí, không bị lợi ích nhóm và lợi ích sân sau chi phối.

Nhắc lại kinh nghiệm từ dự án đường dây 500KV, “một bộ trưởng đã phải đi tù vì pháp luật rất nghiêm minh,” vị đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, Long Thành là sân bay trung chuyển của khu vực, do đó “phải cạnh tranh rất mạnh với các sân bay khác trong khu vực nếu không sẽ lỗ nặng.”

Ngoài ra, “cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh bên cạnh vấn đề thực hiện nhanh và nếu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đủ lực thì cũng không ngại cạnh tranh lành mạnh,” ông Nghĩa chia sẻ thêm.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) phát biểu. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) phát biểu. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Giám sát việc lựa chọn nhà thầu theo phương thức chỉ định

Trong khi đó, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) băn khoăn khi ACV phải huy động 4,194 tỷ USD để đầu tư vào dự án, nhưng có khoảng 2,628 tỷ USD sẽ đi vay. Theo Luật Quản lý nợ công, dự án sân bay Long Thành thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ, khoản vay phải tính vào nợ công.

“ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối, trong trường hợp huy động vốn dưới bất cứ hình thức nào, Nhà nước vẫn có trách nhiệm xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp,” ông Diến phân tích.

Do đó, vị đại biểu cho rằng cần giám sát chặt chẽ hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV để đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Mặt khác, cầ thực hiện cơ chế giám sát đặc thù đối với dự án có hoạt động đặc biệt của quốc gia, không để mất vốn, mất uy tín, mất cán bộ như một số dự án trọng điểm trong thời gian vừa qua.

“Giám sát việc lựa chọn nhà thầu theo phương thức chỉ định, không để chọn nhà thầu như một số dự án chậm tiến độ, nhất là không đảm bảo, thất thoát đang được dư luận quan tâm bức xúc,” ông Diến nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Mai Sỹ Diến cũng kiến nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết để giải quyết những vấn đề lớn, cụ thể theo Tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải đảm bảo tiến độ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, hướng đến việc có được một cảng hàng không đạt chuẩn theo phân cấp của Tổ chức Hàng không quốc tế đáp ứng cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Về các nội dung xin ý kiến, ông Diến bày tỏ tán thành với việc bổ sung đề bù, giải phóng mặt bằng đối với 136 hécta để thực hiện cho 2 tuyến giao thông kết nối; kinh phí bồi thường tái định cư được lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án.

Đại biểu cũng cho rằng việc tăng diện tích giai đoạn 1 từ 1.165 hécta lên 1.810 hécta sẽ không phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng bởi số diện tích đất này vẫn nằm trong 5.000 ha tổng diện tích của dự án.

"Việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối là cần thiết, qua đó vừa thực hiện đồng bộ, rút ngắn thời gian, bảo đảm tiến độ khai thác dự án. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần phải có giải pháp quyết liệt, phải có cam kết bảo đảm tiến độ dự án," ông Diến nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Giải bài toán “đất sạch” để giao thi công vào cuối năm 2020

Chia sẻ thêm về vấn đề chọn nhà đầu tư, bên hành lang Quốc hội ngày 12/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết theo luật hiện hành, tại Điều 44 Luật Đầu tư công năm 2019 và Điều 26 Luật Đấu thầu, việc chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, “Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc đầu tư dự án và quyết định chọn nhà đầu tư. Còn Quốc hội chỉ nên yêu cầu Chính phủ lưu ý việc chọn nhà đầu tư phải ưu tiên đảm bảo vấn đề về an ninh, quốc phòng; đảm bảo tính công nghệ hiện đại, tiên tiến và hiệu quả,” ông Ngân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị với Chính phủ hai việc. Thứ nhất là làm sao có đất sạch để giao thi công vào cuối năm 2020. Đến giờ phút này chỉ mới ước tính hết năm 2019 khoảng 15%. Trong kiến nghị đề nghị áp giá mới cho năm 2020, vấn đề này sẽ rất khó cho giải phóng mặt bằng.

Vì thế, ông Ngân đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải hỗ trợ cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai giải quyết vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư một cách nhanh chóng nhất để chúng ta có thể thi công vào cuối năm 2020, và đến năm 2025 có khả năng đưa dự án này vào khai thác được.

“Có như vậy mới đảm bảo việc phục vụ cho đi lại của người dân, đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn bay,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai, theo ông Ngân đề nghị là nếu làm tốt, làm hiệu quả, làm nhanh thì 6 năm nữa giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành sẽ được đưa vào khai thác với công suất là 25 triệu hành khách một năm. Nhưng trong 6 năm này thì sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khu Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quá tải.

“Lo nhất là khi máy bay phải bay vòng vòng trước khi hạ cánh xuống sân bay. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phải đẩy nhanh vấn đề mở rộng khai thác có hiệu quả sân bay Tân Sơn Nhất,” vị đại biểu đề xuất.

Vị đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý, trong Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII, tại Điều 3 của Nghị quyết này đã ghi chú rất rõ: Bên cạnh việc triển khai dự án sân bay Long Thành là phải lo đầu tư, khai thác có hiệu quả sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc triển khai dự án này đã chậm.

“Đây là một dự án mà nhân dân mong đợi rất nhiều cho nên Chính phủ cần tập trung các nguồn lực để đảm bảo cho các công trình xây dựng chất lượng cao, hiệu quả, tránh những tiêu cực xảy ra trong quá trình thi công. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát các dự án này,” ông Ngân nói thêm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết