Tiếng Việt | English

25/04/2016 - 17:18

“Linh hồn” của văn hóa đọc trong cộng đồng

Văn hóa đọc ngày nay vẫn tồn tại với một bộ phận người yêu sách, thích đọc sách. Vì vậy, nhà sách, thư viện, trường học,... không chỉ là nơi giữ gìn văn hóa đọc mà còn được xem là “linh hồn” để duy trì, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.


Thư viện nhà trường thu hút các em học sinh tìm đến đọc

1. Ngoài thư viện tỉnh hiện có 168.832 bản sách phục vụ bạn đọc, hệ thống thư viện ở các huyện, thị xã, thành phố cũng là một trong những “địa chỉ” giữ gìn, phát huy văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Thư viện huyện Đức Hòa là một trong những điểm sáng như thế! Với gần 15.000 bản sách, thư viện đã và đang đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhiều người. Mỗi tháng, thư viện thu hút khoảng 300 lượt độc giả đến đọc và mượn về sách nhà.

Để có số lượng sách, báo phong phú và đa dạng phục vụ độc giả, thư viện đầu tư tài liệu, bổ sung các loại sách mới 2 đợt/năm. Ngày mới thành lập, thư viện huyện Đức Hòa chỉ có 1.500 đầu sách, báo, đến nay, đầu sách, báo tăng gấp 10 lần. Bên cạnh đó, thư viện kêu gọi mọi người đóng góp sách, báo nhằm làm phong phú thêm nguồn sách. Đặc biệt, các bài báo, bài viết về huyện Đức Hòa, thư viện chủ động tập hợp, sưu tầm làm tư liệu nghiên cứu bổ ích cho bạn đọc có nhu cầu cập nhật thông tin và tìm hiểu về lịch sử quê hương. Thư viện còn cung cấp nguồn sách đến các ấp, khu phố văn hóa, bưu điện văn hóa xã để bạn đọc được thuận tiện trong việc đi lại và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của mọi người.

Từ nhiều hình thức thu hút độc giả, những người gắn bó với thư viện như chị Nguyễn Thị Kim Ngân - chuyên viên phụ trách thư viện huyện Đức Hòa chỉ mong muốn: “Thư viện sẽ ngày càng được độc giả yêu thích và chọn là điểm đến trong thời gian rảnh rỗi hay có nhu cầu bổ sung, tìm kiếm thông tin. Có như vậy, thư viện sẽ trở thành nơi góp phần vào việc phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”.

2.Toàn tỉnh có hơn 400 thư viện trường học. Hằng năm, các thư viện đều củng cố, bổ sung các đầu sách hay nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của giáo viên, học sinh của trường. Tại Trường Tiểu học Thủy Tây, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa có hơn 600 đầu sách. Hằng tháng, cán bộ thư viện giới thiệu đến học sinh những loại sách phù hợp với chủ đề để các em tìm đọc bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng qua các quyển sách được tiếp cận. Ngoài ra, mỗi lớp có Ban thư viện đại diện cho lớp mượn sách, truyện về cho các bạn cùng đọc. Trong từng bài giảng, giáo viên còn giới thiệu sách hay đến học sinh. Các hoạt động của thư viện nhà trường hướng đến việc hình thành cho các em thói quen đọc sách ngay từ lúc nhỏ. Để từ đó, các em sẽ đam mê và gìn giữ văn hóa đọc sách truyền thống của dân tộc.

Cùng với trường học, các nhà sách hiện nay cũng là địa chỉ mà nhiều người tìm đến để đọc sách. Tại nhà sách trung tâm có bố trí một dãy ghế để khách hàng ngồi đọc sách. Mỗi ngày, bạn Nguyễn Thị Thanh Vân ở phường 3, TP.Tân An đều dành 30 phút sau giờ làm để đến nhà sách. Vân chia sẻ: “Ngoài đi nhà sách tìm mua những quyển sách hay, ưng ý, tôi cũng hay đọc tại chỗ. Ở nhà sách thoáng mát, không ồn ào nên khi đọc dễ tiếp thu và thoải mái”. Những người cầm trên tay quyển sách, say sưa với từng con chữ trong trang sách ở những nơi công cộng như thế sẽ là hình ảnh nhân thêm văn hóa đọc sách trong cộng đồng.

3.Trong cộng đồng, còn có những gia đình có tủ sách để thành viên trong nhà cùng đọc, cùng thư giãn. Ông La Quốc Phượng ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa có một tủ sách khoảng 800 cuốn. Con gái ông cũng có một tủ sách lưu lại từ năm học lớp 7 đến tận bây giờ. Mỗi ngày, ông đều dành thời gian đọc sách vào những lúc rảnh rỗi. Con gái ông, sau giờ làm việc cũng đọc những quyển sách trong tủ sách gia đình.
Ông Phượng cho biết: “Vốn xuất thân trong gia đình Nho học nên đọc sách trở thành truyền thống của gia đình qua các thế hệ. Ngoài sách thư viện, tôi còn tìm mua sách để đọc thêm. Tôi đọc nhiều thể loại sách như chính trị, nghiên cứu, văn học...”.

Mấy năm trước, khi Hội sách ở TP.HCM diễn ra, ông đi và mua hơn 2 triệu đồng tiền sách. Thấy cha yêu sách nên con gái cũng hay mua tặng. Từ đó, tủ sách ngày càng dồi dào, là kho tri thức, là hình thức thư giản của gia đình. Là người thích đọc sách từ nhỏ nên ông Phượng nghĩ rằng “để phong trào đọc sách trong cộng đồng lan tỏa và phát triển, mỗi gia đình nên định hướng, tạo niềm đam mê đọc sách cho con cháu ngay từ khi chúng còn là trẻ con”.

Để mọi người đọc sách, nhà nhà đọc sách thật hiệu quả, vừa thư giãn vừa tiếp thu tri thức, những “linh hồn” như hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và các thư viện trường học cũng như nhà sách phải luôn đổi mới cách phục vụ thu hút độc giả và bổ sung nhiều nguồn sách mới đáp ứng nhu cầu đọc. Ngoài ra, gia đình phải là nơi đặt những viên gạch nền móng đầu tiên về niềm đam mê đọc sách cho con ngay từ lúc nhỏ./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết