Công tác cán bộ (CB) và CB luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư về mọi mặt qua những chính sách, cơ chế đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB, nhất là CB lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình, nhiệm vụ mới.
Trong thời hội nhập quốc tế, yêu cầu CB phải là những người “vừa hồng, vừa chuyên”. Trước hết, CB phải được đào tạo thật cơ bản về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CB, cần làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; sắp xếp, bố trí đúng sở trường, phát huy đúng năng lực, chuyên môn được đào tạo. Việc cất nhắc, đề bạt chức vụ lãnh đạo phải đúng quy trình và phải qua thử thách thực tiễn; giao việc, thử thách, “tôi luyện” để trưởng thành về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,...
Ngày nay, nếu CB không có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, không sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, không biết ngoại ngữ để giao tiếp hay nghiên cứu một lĩnh vực chuyên môn thì CB đó sẽ là người lạc hậu, khó đảm trách nhiệm vụ, trọng trách được phân công; hoặc chỉ phát triển một thời gian nhất định mà không thể phát huy lâu dài, phục vụ nhiều hơn cho đất nước, nhân dân.
Hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực luôn có mặt tiêu cực dễ làm CB sa ngã; do đó, đội ngũ CB phải là những người có tư tưởng, bản lĩnh chính trị thật vững vàng; không dao động trước những cám dỗ vật chất của cuộc sống đời thường. Từng cá nhân CB phải tự nỗ lực học tập, không ngừng nâng cao kiến thức về mọi mặt; đồng thời, cần sâu sát thực tiễn, học tập kinh nghiệm của những người đi trước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, công việc được phân công.
Đội ngũ CB lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành cần được tập trung xây dựng đồng bộ, bảo đảm về số lượng, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân!
Bé Bảy