Tiếng Việt | English

29/02/2016 - 20:37

1001 chuyện "dở khóc" khi phải phục tùng người nhà sếp

Sếp bảo, rất xin lỗi chúng tôi vì đã làm chúng tôi bức xúc suốt thời gian qua. Sếp hứa sẽ chấn chỉnh cả hai người bọn họ! Nghe chuyện của sếp xong, đúng là chúng tôi cũng muốn thở dài: người giàu cũng khóc.

Nếu hỏi tôi ghét nhất điều gì ở cái công ty này, thì tôi phải nói thực rằng tôi ghét nhất là cái hệ thống dây lằng nhằng những thể loại họ hàng của sếp. Sếp làm giám đốc, em trai sếp làm trưởng phòng, em dâu sếp làm trưởng phòng khác... Cái cặp đôi vợ chồng quái thai là em trai và em dâu của sếp, họ tủn mủn, vặt vãnh. Họ liên kết, kể lể với nhau, hành hạ chúng tôi "sắp chết".

Chưa từng có ai dỗi hờn nhiều như em dâu sếp. Cái con bé học hành chắp vá, kiến thức chẳng có gì, giải quyết công việc gì cũng rối tinh rối mù. Hỏi đến chuyện gì cũng bảo là “không biết”. Quyết định nhiều việc ngớ ngẩn quá, anh chị em rất chán! Nhưng sau có vài năm đến công ty này đã nghiễm nhiên nhận chức trưởng phòng với mức lương thưởng cao ngất ngưởng.

Nó kém hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, nên nó thường xuyên nhận được sự góp ý của mọi người. Thật, chỉ là “góp ý” thôi, vì chẳng ai dám động vào cái tính sĩ diện dởm của nó mà làm tổn thương cho mệt người ra. Nhưng nó thì chưa bao giờ nhận ra thành ý của người khác, cứ hễ góp ý là nó dỗi! Nó dỗi thì nó khó và nó sẽ lên gõ cửa phòng giám đốc. Lát sau, “đứa nào” làm nó dỗi, sẽ bị sếp mắng chửi không ra gì.


Ảnh minh họa

Thực lòng mà nói, về cơ bản, sếp tôi là người tốt. Ông ấy giỏi, bản lĩnh và luôn nghĩ đến lợi ích của anh chị em trong công ty. Khi công việc gặp khó khăn, anh chị em cứ trình bày rõ ràng với sếp, ông ấy sẽ luôn có cách giải quyết hợp lý hợp tình, và đem lại nhiều lợi ích nhất cho nhân viên của mình.

Nhưng chỉ có chuyện đưa người nhà vào làm việc, và bênh vực người nhà quá mức, là điều mà chúng tôi rất chán khi nghĩ về sếp. Nhưng thôi thì, cân nhắc giữa cái lợi và cái hại, giữa tài năng của ông ấy và một chút sai lầm, chúng tôi thấy ông ấy vẫn có nhiều ưu thế! Đó là lí do chính mà dù rất nhiều lần bị ông ấy mắng cho oan ức khi có “đứa nào” trót làm cho “con dở” là em dâu ông ấy ăn vạ, khóc lóc, thì chúng tôi, dù bực bội đầy mình vẫn không muốn rời bỏ công ty.

Nhưng dù không rời bỏ thì cũng không thể nào vui vẻ nổi. Ai đời, đến công ty, chưa chào sếp đã phải chào hỏi em dâu sếp. Bữa trưa, sếp đơn giản, ăn uống gọn nhẹ nhưng cứ hễ em dâu sếp làm mình làm mẩy là chúng tôi phải lựa ý, gọi món ngon cho “nó”. “Cái con ranh” ấy nó mang thai, mà nó kêu ca đinh tai nhức óc, than thở loạn cả đầu.

Cứ làm như chị em phụ nữ chúng tôi không ai biết đẻ, ngoài con bé ấy ra! Rồi sinh con xong, hễ đứa nhỏ ốm đau là chúng tôi lại mất công thăm hỏi. Ai đến thăm hỏi chậm, hoặc cái phong bì nhẹ nhẹ hơn người khác là y như rằng chúng tôi thấy có “phản ứng” ngay. Nói thực, chúng tôi ghét nó ghê gớm ấy!

Nhưng đấy mới là cô vợ, còn chưa kể đến cái sự “dễ thương” của anh chồng – chính là em trai sếp. Tôi chưa từng thấy ai huênh hoang, ngớ ngẩn và hay đem mối quan hệ anh em với lãnh đạo ra khoe. Sao mà lại lố bịch đến vậy. Anh ta cứ im lặng cũng đâu có ai là không biết.

Khoe khoang với anh chị em trong công ty rồi, còn khoe khoang với cả khách hàng. Cứ khách hàng đến công ty là lại được nghe câu chuyện “cứ yên tâm, giám đốc là người nhà tôi” từ cái miệng của anh ta! Thực sự, tôi và rất nhiều anh chị em khác trong công ty vô cùng khó chịu với cặp đôi này. Anh chồng thì hống hách, khoe khoang. Cô vợ thì dở hơi, hờn dỗi, thóc mách và đưa chuyện!

Trong một cuộc họp cuối năm, tôi và một nhóm đồng nghiệp khác ức chế quá mức, đem chuyện đôi vợ chồng đáng ghét này ra “đấu tố”. Sếp tôi xây xẩm mặt mày vì bị nhân viên lên án tội “bênh người nhà”. Chúng tôi đã lường trước cả chuyện sếp sẽ trù dập, nên chúng tôi thu thập đầy đủ bằng chứng. Cần là sẽ tung ra, đưa lên tổng công ty ngay.

Nhưng có một điều chúng tôi không thể ngờ đến, là... sếp khóc. Sếp đứng nghe chúng tôi và chấm nước mắt đầy tội nghiệp. Thấy biểu hiện của sếp bất ngờ quá, chúng tôi không ai dám nói gì thêm, lặng lẽ nháy nhau rồi... rút quân.

Mấy hôm sau, sếp mới cho gọi đám nhân viên “đầu gấu” chúng tôi lại, rót nước mời chúng tôi uống. Rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của gia đình sếp. Rằng, bố mẹ sếp đã vô cùng đau khổ bởi cậu em trai phá gia chi tử. Cậu em sếp trái ngược hoàn toàn với bản tính chịu khó học hỏi, vươn lên của sếp.

Sếp chăm chỉ, giỏi giang bao nhiêu thì cậu ta lười nhác, mê hưởng thụ bấy nhiêu. Chưa kể cả cô vợ cũng là kiểu phụ nữ “số một” trên đời. Thôi thì cả đại gia đình họp lại và giao cho sếp nhiệm vụ kèm cặp. Cực chẳng đã, sếp mới đành phải đưa họ đến cái công ty này. Sếp bảo, rất xin lỗi chúng tôi vì đã làm chúng tôi bức xúc suốt thời gian qua. Sếp hứa sẽ chấn chỉnh cả hai người bọn họ. Nghe chuyện của sếp xong, đúng là chúng tôi cũng muốn thở dài: người giàu cũng khóc.

Vietnamnet.vn (Theo Công luận)

Chia sẻ bài viết