1. Măng tây xào thịt bò
- Nguyên liệu: Măng tây 300g, thịt bò 100g. Gia vị vừa đủ, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê dầu hào, tỏi 3-4 nhánh. Một ít hành lá và hạt tiêu.
- Cách làm: Măng tây rửa sạch, thái đoạn ngắn 3cm, thịt bò thái mỏng tẩm ướp với gia vị, tỏi, dầu ăn, dầu hào để một lúc cho ngấm. Xào thịt bò to lửa cho thịt gần chín mềm. Xào măng tây, gần chín cho thịt bò đã xào vào, xào chung với măng tây. Cho hành lá cắt khúc 3cm vào. Rắc hạt tiêu, ăn nóng với cơm.
Lượng trên vừa đủ cho 4 người ăn.
Măng tây xào thịt bò tốt cho người thấp khớp, đái tháo đường...
- Tác dụng: Măng tây thường có tên là thạch tiêu bách, là loại thân thảo có thân mọc ngầm trong đất. Ta lấy các thân mọc trên mặt đất, những đoạn còn non làm thực phẩm, rất bổ dưỡng. Ngoài ra, măng tây còn có tác dụng chữa bệnh.
Măng tây có tác dụng làm dịu sự kích thích, lợi tiểu, nhuận tràng, trợ tim, cung cấp chất khoáng cho cơ thể, làm giảm lượng glucose niệu.
Rễ lợi tiểu hơn măng, làm giảm lượng muối, giúp ăn ngon và làm dịu tim. Chất asparagin có trong măng tây rất cần cho xây dựng, phân chia các tế bào và phục hồi của cơ thể.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Măng thường dùng để ăn, có mùi dễ chịu, dùng rất tốt cho người suy niệu, thấp khớp, thống phong, viêm phế quản mạn tính, đái tháo đường, đánh trống ngực…
Rễ được dùng cho các trường hợp giảm niệu ở bệnh nhân tim, các bệnh về thận, thủy thũng, vàng da.
Ở Trung Quốc, măng tây được dùng trị phổi nóng sinh ho và sát trùng, được dùng ngoài trị bệnh ngoài da, ghẻ, nấm và ký sinh trùng.
Dưa góp tiêu thực phù hợp với mọi lứa tuổi trong dịp tết.
2. Dưa góp tiêu thực
- Thành phần: Dưa chuột 3 quả, củ đậu 1 củ, cà rốt 1 củ, su hào 1 củ, đu đủ quả nhỏ, ô mai 5 quả thái sợi, lạc rang, rau mùi, hành củ, tỏi, dấm trắng, đường trắng, muối canh, ớt 1 quả.
- Cách làm: Dưa chuột thái lát hoặc hình gợn sóng cho đẹp mắt, các loại khác cũng thái như vậy, riêng đu đủ thái sợi rồi bóp muối riêng sau đó rửa sạch. Tất cả hỗn hợp trên trộn đều với gia vị rồi bày lên đĩa, cuối cùng rắc lạc rang giã dập lên trên và kèm vài cọng mùi thơm trang trí cho đẹp mắt.
- Tác dụng: Bài thức trên có các vị vừa bùi, ngọt, chua và cay. Chủ đạo là vị chua và bùi, có tác dụng tiêu thực, trừ đạo, làm cho thức ăn không bị ngấy, chống đầy bụng do ăn nhiều thịt, mỡ.
Ô mai có vị chua tính liễm, sáp trường, chỉ tả, nên an toàn trong các ngày tết. Thực sự đây là món ăn cần thiết trong ngày tết, dễ ăn, thích hợp với nhiều lứa tuổi.
Canh thập cẩm ngũ vị dễ ăn và tốt cho sức khỏe trong dịp tết.
3. Canh thập cẩm ngũ vị
Trong mùa lễ tết ăn thịt nhiều dễ ngán, các món canh hay được chú trọng hơn và mang tính chất bổ dưỡng và hữu hiệu hơn cả. Do vậy các món ăn này dễ được yêu thích.
- Nguyên liệu: Hạt sen, củ cải, su hào, đậu ván, củ cà rốt, bí ngô, bí đao, đậu đỏ, củ dền đỏ, quả mướp đắng, thịt nạc 100g.
- Cách chế biến: Các nguyên liệu trên rửa sạch, thái khúc nhỏ vừa miếng cho dễ ăn. Khi nấu canh chú ý nên cho thịt trước, đun sôi 30 phút rồi cho các nguyên liệu khác vào.
- Tác dụng: Các loại thức trên có hạt sen kiện tỳ an thần, dưỡng tâm. Củ cải tiêu thực trừ đàm, tiêu nhầy, trừ ho. Su hào thanh vị, lợi niệu, mát thận âm, làm mát phần huyết. Đậu ván mát huyết (lương huyết). Cà rốt nhiều vitamin A giúp sáng mắt, nhuận táo. Bí ngô bổ máu, lương huyết, chữa đau đầu, mất ngủ, ăn uống kém. Bí đao thanh nhiệt, mát tỳ vị, lợi niệu, tiêu đàm. Đậu đỏ lợi niệu, thông lâm, kiện vị, làm nhẹ cho tim. Mướp đắng vị đắng tính lương, làm mát gan, tiêu mỡ, trừ đàm ở can đởm. Củ dền đỏ thanh nhiệt lương huyết, trị hoa mắt chóng mặt, chữa thiếu máu cho người âm huyết hư. Hơn nữa củ dền đỏ còn có tác dụng phòng ngừa ung thư vì nó có tác dụng chống lão hóa và giảm các gốc tự do./.
Theo SK&ĐS