Tiếng Việt | English

15/06/2017 - 14:00

"4 nhà" trong chuỗi liên kết: Bao giờ mới “gặp nhau”?

Liên kết (LK) “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp (DN), nhà nông) là xu hướng tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Những năm qua, Long An bước đầu hình thành LK “4 nhà” giúp nông dân (ND) tiếp cận giống cây, con, khoa học - kỹ thuật mang lại năng suất, hiệu quả cao. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.


Một vài nơi, nông dân chưa quen với liên kết và còn làm theo ý mình. (Trong ảnh: Chăm sóc rau tại xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc)

Chưa “mặn mà” liên kết

Trong sản xuất nông nghiệp, LK không phải là vấn đề mới. Tại Long An, nhiều năm qua xuất hiện khá nhiều mô hình LK và có tính LK trên cây lúa, cây rau, chanh,... đặc biệt là xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) - phương thức LK rõ nét nhất trong LK “4 nhà”.

Không thể phủ nhận nhiều lợi ích, hiệu quả từ LK “4 nhà” mang lại từ những CĐL. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, diện tích LK còn thấp so với thực tế sản xuất. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, so với vụ Đông Xuân 2016-2017, diện tích CĐL và số hộ tham gia, kể cả DN bao tiêu sản phẩm của vụ Hè Thu năm 2017 đều giảm đáng kể.

Cụ thể, trong vụ Hè Thu này, chỉ có 16 DN đăng ký 48 lượt CĐL với diện tích hơn 10.000ha, trên 5.100 hộ dân tham gia trong toàn tỉnh (trong khi đó, tổng diện tích gieo sạ vụ Hè Thu toàn tỉnh gần 170.000ha). Theo chúng tôi tìm hiểu, diện tích giảm nhiều so với kế hoạch trước đó do Công ty (Cty) Tân Đồng Tiến bị thất thu nhiều trong vụ Đông Xuân trước đó; Tập đoàn Lộc Trời cũng giảm nhiều diện tích so với kế hoạch.

Chị Phạm Út Thủy, ngụ ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng chia sẻ, gia đình chị có gần 6ha đất trồng lúa. Hơn 10 năm nay, chị có hơn 1ha đất nằm trong chương trình Cùng ND ra đồng của Tập đoàn Lộc Trời. Thời gian qua, được Cty hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu thuốc bảo vệ thực vật,... nhưng gia đình chị tự bán lúa cho thương lái.

Chị nói: "Năm 2015-2016, chúng tôi mướn thêm 2ha đất trồng lúa để thực hiện vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời. Lúc đó, Cty giới thiệu giống, cho kỹ sư xuống hướng dẫn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, tôi thấy năng suất lúa không cao, lại có nhiều bất cập nên không tham gia vùng nguyên liệu nữa. Tôi được biết, từ đầu năm đến nay, Cty giảm nhiều diện tích bao tiêu sản phẩm với một số hộ dân trong vùng nguyên liệu tại địa phương nhưng vẫn thực hiện chương trình Cùng ND ra đồng".

Theo đại diện một số DN, trong quá trình kinh doanh, Nhà nước đưa ra quy định bắt buộc DN phải có LK vùng nguyên liệu mới cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Do đó, họ phải LK cùng ND, Nhà nước xây dựng CĐL chứ bản thân DN còn gặp khó vì khi đầu tư cần có lợi nhuận.

Theo anh Trần Ngọc Toàn, ND xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, gia đình anh có 4.000m2 trồng rau ăn lá và rau gia vị. Lúc trước, anh được vài người vận động tham gia hợp tác xã (HTX) nhưng anh nhận thấy, vấn đề LK với ND trong tiêu thụ sản phẩm từ HTX cũng không mấy hiệu quả, giá cả không thay đổi gì nhiều so với bên ngoài. Hơn nữa, vào HTX phải ràng buộc nhiều vấn đề nên anh từ chối tham gia. Thỉnh thoảng, anh dự tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn tại xã nhưng khi áp dụng thực tế, vẫn lúng túng. Do đó, ND tự trồng rau và bán cho thương lái từ bao đời nay.

Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được ứng dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất đồng loạt, lợi nhuận cao hơn

Vẫn còn lỏng lẻo

Không chỉ chưa có sự “mặn mà” giữa các bên khi tham gia mà mối LK giữa DN và ND, ND với DN vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau; số DN thu mua, tiêu thụ nông sản của tỉnh không nhiều,... là một trong những nguyên nhân dẫn đến “4 nhà” chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngoài ra, ND khi muốn LK với DN cần thông qua bên đại diện là HTX hoặc tổ hợp tác. Thế nhưng, trong tổng số khoảng 90 HTX nông nghiệp toàn tỉnh, chỉ có 20 số HTX hoạt động có lãi, còn lại đa số hoạt động cầm chừng. Năng lực cạnh tranh của HTX không lớn dẫn đến ND không tin tưởng. Từ đó, rất dễ nảy sinh tình trạng “bẻ kèo” lẫn nhau khi thị trường biến động. Trong trường hợp này, bên thiệt hại không thể làm gì được, bởi hiện không có quy định pháp luật cụ thể để xử lý;...

Gần đây nhất là trường hợp DNTN Công Bình (huyện Tân Trụ) và HTX SXTMDV Nông nghiệp Tiên Tiến - gọi tắt HTX Tiên Tiến (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa), trong vụ Đông Xuân 2016-2017. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Tiên Tiến - Huỳnh Văn Cư phản ánh, vụ Đông Xuân 2016-2017, HTX có ký hợp đồng LK sản xuất và tiêu thụ lúa với DN Công Bình, số lượng gần 245ha của 65 hộ dân. Trong lúc ký hợp đồng, DN đề nghị HTX mua lúa giống cấp cho hộ ND vì DN không có lúa giống, sau đó DN sẽ chuyển tiền qua tài khoản HTX với số tiền tạm ứng 780 triệu đồng. Nhưng sau đó, DN không thực hiện hợp đồng cho đến cuối vụ.

Ông Cư cho biết: “Lần đầu tiên ký kết làm ăn với DN Công Bình vì chữ tín, bản thân tôi cũng hiểu DN có lúc gặp khó khăn về vốn nhưng như vậy thì sẽ giảm lòng tin của ND. Khi DN không thực hiện theo hợp đồng, HTX vẫn đầu tư đúng cho ND. Chúng tôi cùng kêu gọi thương lái và DN bên ngoài giúp ND bán lúa. Tuy nhiên, chúng tôi bị lỗ tiền lãi do vay vốn đầu tư cho ND”.

Không chỉ có DN thất hứa với ND mà bản thân ND cũng có lúc bội tín với DN. Đó là trường hợp của DNTN Khánh Tâm (huyện Thủ Thừa). Vụ Hè Thu năm 2016, DN này không thu mua lúa được theo đúng với diện tích gần 250ha tại xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa do ND bán cho thương lái và lấy tiền đặt cọc trước khi DN đến mua.

Theo Cty Lương thực Long An, Cty hợp tác, LK với các DN, trung tâm, đơn vị khác cung ứng đầu vào cho ND sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do đơn vị cung ứng và phòng, ngừa sâu, bệnh trên lúa kịp thời,... bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vụ Hè Thu năm 2017, Cty đăng ký 7 lượt cánh đồng với diện tích 1.500ha, tập trung tại các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường.

Tuy nhiên, LK với ND là vấn đề nan giải. Trước hết là việc xác định giá mua trên thị trường để thống nhất cùng ND quyết định giá mua gặp khó. Khi giá lúa tăng, ND bán ra bên ngoài; giá lúa giảm thì yêu cầu DN mua hết, kể cả các hộ ND làm không đúng quy trình kỹ thuật. Một số ND còn phun xịt các loại thuốc kích thích nhằm tăng trọng lượng hạt gây nên chất lượng lúa kém, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn lưu trữ trong lúa khiến DN không thể xuất khẩu,…

Tập quán bán lúa tươi tại ruộng của ND khá phổ biến, việc LK tiêu thụ, ND yêu cầu Cty cân lúa trả tiền mặt tại ruộng như thương lái. Khi thực hiện phương thức mua này, Cty phải thuê phương tiện vận chuyển, thành lập tổ thu mua và phân công nhân viên áp tải lúa về nhà máy sấy, tốn nhiều lao động. Do đó, DN không thể mở rộng thêm diện tích.


Một vài nơi, nông dân chưa quen với liên kết và còn làm theo ý mình (Trong ảnh: Chăm sóc rau tại xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc)

Cần có cơ chế thích hợp

Hiện nay, tại Long An, các DN đang thực hiện LK xây dựng CĐL với 3 phương thức đầu tư. Đó là đầu tư đồng bộ đầu vào như giống lúa xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc và thu mua sản phẩm. Đây là phương thức tốt nhất. Thứ hai, DN chỉ đầu tư một phần vật tư như giống,... bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thứ ba, DN chỉ thu mua sản phẩm hoặc DN LK với thương lái thu gom. Đây là phương thức LK không bền vững.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, LK “4 nhà”, đặc biệt là trong kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có lời giải căn cơ. Vấn đề này còn nhiều bất cập. Trước hết, diện tích đất sản xuất của ND rất nhỏ, do đó, muốn LK “4 nhà”, số lượng ND tham gia rất đông. Hơn nữa, tư tưởng, quan điểm sản xuất nhỏ, cá thể, làm theo ý mình ăn sâu vào trong suy nghĩ ND. Trong thực hiện quy trình sản xuất theo hướng dẫn, yêu cầu của DN, người dân có lúc thực hiện đúng.

Tuy nhiên, trong từng khâu SX, nhất là lúc thu hoạch, vì ham lợi nên ND không thực hiện đúng cam kết ban đầu. Những lúc giá thị trường cao hơn giá hợp đồng, ND dễ bội tín với DN và ngược lại, khi giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng, DN lại bội tín với ND. Hiện tại, cơ chế quản lý, xử phạt khi vi phạm hợp đồng chưa rõ ràng, nghiêm minh nên chưa tạo tính răn đe, chưa có người đứng ra giải quyết khi xảy ra vi phạm,...

Bên cạnh đó, vai trò quản lý của Nhà nước trong hợp đồng chưa rõ, chưa có chế tài xử phạt khi vi phạm. Quy định về tiêu chí CĐL (Quyết định số 3604/QĐ-UBND, ngày 02-10-2015 của UBND tỉnh) chưa phù hợp, gây khó khăn cho quá trình thực hiện; chính sách chưa đến với người dân. Cụ thể là quy định về diện tích và quy định về liền canh, liền thửa.

Đến nay, tỉnh có 4 DN có dự án/phương án CĐL phê duyệt nhưng chưa có DN nào thỏa tiêu chí CĐL để hưởng chính sách ưu đãi. Đồng thời, mức hỗ trợ của chính sách tương đối thấp, trong khi đó, để được hưởng chính sách, DN và các HTX phải có đơn đề nghị phê duyệt chủ trương, phải xây dựng phương án, phải được hội đồng thẩm định họp thông qua, thủ tục phải trải qua nhiều bước phức tạp nên các DN và HTX không tích cực xây dựng phương án. Các DN chưa “mặn mà” với phương án, dự án CĐL vì trong chính sách cho đối tượng, DN được hưởng rất ít và để ND được hưởng chính sách, chính DN phải xây dựng kế hoạch. Phía DN chỉ muốn xây dựng phương án, dự án để làm phương tiện vay vốn và làm vùng nguyên liệu. Vì vậy, họ không muốn xây dựng và đề xuất phần chính sách cho ND được hưởng.

Chính quyền địa phương một số nơi còn lúng túng trong triển khai, chưa nắm rõ các điều kiện để thụ hưởng chính sách của các đối tượng. Các khó khăn của DN khi tham gia CĐL là nguồn vốn, hệ thống kho chứa bảo quản lúa và nhà máy chế biến để thu mua lúa cho ND khi đến vụ thu hoạch rộ, thị trường tiêu thụ đòi hỏi ngày càng cao.

Theo ông Hoàng, để giúp ND sống tốt trên mảnh đất của mình, Nhà nước cần có chính sách ràng buộc trách nhiệm của từng người, hình thức phạt đúng mức mới có sức răn đe. Đồng thời, để cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh, Nhà nước cần xử phạt nghiêm túc với những đối tượng gian lận thương mại. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục hướng dẫn ND sản xuất theo quy trình sạch; tăng cường phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra của các sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc,...

LK “4 nhà” có nhiều ưu điểm trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, sẽ tạo cho ND có ý thức sản xuất sản phẩm theo quy trình sạch. Từ đó, tạo ra sản phẩm có khối lượng hàng hóa tương đối lớn, chất lượng đồng đều; sản xuất đồng loạt, theo thời vụ. Chính điều này góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho ND. Trong quá trình sản xuất, có sự kiểm soát của nhà khoa học, DN, toàn bộ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi được kiểm soát bảo đảm độ tin cậy với người tiêu dùng. Qua đó, phục vụ tốt việc xây dựng chuỗi LK giá trị để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là vấn đề bắt buộc của các nơi tiêu thụ trong thị trường tiêu dùng hiện nay./.

(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết