Tiếng Việt | English

07/12/2023 - 10:01

41 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục

Thầy Trần Hữu Tuyết - một trong những “người lái đò” dành cả đời mình để đưa biết bao thế hệ học sinh “sang sông”. Cũng như bao thầy, cô giáo khác, niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy Tuyết là được chứng kiến học trò trưởng thành, có những đóng góp cho xã hội.

Thầy Trần Hữu Tuyết nhắn nhủ các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học 2023-2024

Thầy Trần Hữu Tuyết nhắn nhủ các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học 2023-2024

Sinh ra ở tỉnh Hà Tĩnh và lớn lên trong một gia đình nhà giáo, thầy Trần Hữu Tuyết (SN 1959) tiếp nối truyền thống bằng những ước mơ từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy đến Long An công tác. Khi đó, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh chỉ có duy nhất 1 trường THPT ở huyện Mộc Hóa. Và đó chính là nơi đầu tiên anh sinh viên mới ra trường gắn bó với nghề.

Thầy Tuyết nhớ lại lần đầu tiên di chuyển đến trường phải đi tàu khách hơn 8 giờ từ thị xã Tân An (TP.Tân An bây giờ) đến huyện Mộc Hóa. Ngồi trên tàu nhìn ra hai bên toàn là đồng hoang, thầy không biết mình sẽ gắn bó với nơi này được bao lâu. Nhưng rồi khi đến nơi, gặp được 2 đồng nghiệp từng học chung trường, thầy an tâm phần nào.

Mỗi ngày gắn bó với vùng đất khó là mỗi ngày thầy càng thêm thương học trò vùng sâu phải chịu nhiều thiệt thòi. Các em ở huyện Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa,... về học phải cất chòi tạm ở gần trường, cuối tuần di chuyển bằng tàu, xuồng 30-40km để về nhà. Mỗi lần đến trường, các em lại lỉnh kỉnh nào gạo, cá, khô,... để nấu cơm. Vất vả là vậy nhưng các em ham học lắm!

Năm 1983, thầy được điều chuyển công tác đến Trường THPT Tân Thạnh, lúc đó, trường chỉ có 4 giáo viên, do thiếu giáo viên nên mỗi người phải đảm nhiệm nhiều vai trò và phụ trách giảng dạy cùng lúc nhiều môn học. Thầy Tuyết kể: “Mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện khó khăn nhưng ai cũng hết lòng với công việc, nhất là khi thấy học sinh đã nỗ lực rất lớn để được đến trường. Thầy, trò cứ cùng nhau cố gắng, khắc phục khó khăn".

Là một trong những giáo viên đầu tiên về Trường THPT Tân Thạnh khi trường mới được thành lập, thầy Tuyết cùng các thầy, cô giáo ở đây nỗ lực rất nhiều, khắc phục những khó khăn từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị dạy học. Mặc dù ngày đó có cơ hội tốt hơn với một công việc khác nhưng thầy Tuyết vẫn quyết định gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn như Tân Thạnh.

Thầy Tuyết chia sẻ: "Được kết nạp Đảng ngay từ ngày còn học ở trường sư phạm, tôi nguyện với lòng sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Thế nên dù có cơ hội với một công việc khác nhưng tôi vẫn quyết định ở lại, gắn bó với công việc của một giáo viên vùng sâu". Tâm huyết với nghề, nỗ lực hết mình vì công tác giáo dục, năm 1984, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT Tân Thạnh.

Thầy Lê Thanh Hải (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An) là một trong những học trò cũ của thầy Tuyết. Thầy Hải bày tỏ: "Tôi là học trò cũ của thầy Tuyết tại thời điểm thầy mới ra trường. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy mẫu mực, luôn yêu thương học sinh. Thầy là một trong những người tạo động lực để tôi quyết tâm theo nghề giáo và gắn bó cho đến nay".

Năm 1997, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh được thành lập, thầy Tuyết được điều về đây với vai trò phụ trách công tác đào tạo, liên kết với các trường đại học trong cả nước mở các lớp tại chức, từ xa các ngành và dạy văn hóa cho cán bộ các ban, ngành trong tỉnh cho đến năm 2018. Sau khi về hưu, thầy được mời về đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS&THPT Hà Long cho đến nay.

“Trong suốt 41 năm công tác trong ngành Giáo dục, niềm vinh dự của tôi là học trò năm xưa thành đạt, trở thành người có ích cho xã hội. Không chỉ với tôi mà với tất cả các thầy, cô giáo, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất!” - thầy Tuyết trải lòng./.

Thảo Mi

Chia sẻ bài viết