Tiếng Việt | English

03/11/2021 - 19:27

5 cách tự đánh giá để dự báo nguy cơ đột quỵ

Mùa lạnh với các đợt không khí lạnh giá rét tràn về, đặc biệt tác động tiêu cực lên trái tim. Không ai có thể dự báo chính xác khi nào một cơn đột quỵ sẽ xảy ra, nhưng biết được mức độ nguy cơ đột quỵ có thể giúp điều chỉnh một số yếu tố nguy cơ, phòng ngừa đột quỵ.

Có 5 cách tự đánh giá để dự báo đột quỵ sau đây, bạn có thể tham khảo:

1. Suy giảm rõ khả năng tự chăm sóc bản thân một cách độc lập

Đây là một bài tự kiểm tra dễ làm nhưng có giá trị nhất định, vì giúp xác định xem bạn có thể tham gia tự chăm sóc bản thân thường xuyên, thực hiện được hay không. Bạn tự xem có thực hiện các công việc như mặc quần áo, đánh răng, tắm rửa, tự chăm sóc vệ sinh cá nhân và tự ăn uống. 

Nếu khả năng của bạn bị suy giảm rõ để hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản hàng ngày vừa nêu một cách độc lập, phải xem là một yếu tố dự báo đột quỵ. Bạn nên trao đổi với bác sĩ, nếu nhận thấy bạn hoặc người thân của bạn đang dần mất khả năng tự chăm sóc bản thân một cách độc lập trong thời gian gần đây.

2. Không thể đi bộ tốc độ nhanh, chỉ có thể đi chậm hoặc rất chậm

Nhận biết nguy cơ đột quỵ sớm sẽ giúp bạn phòng ngừa đột quỵ hiệu quả hơn.

Đây là một bài tự kiểm tra quá dễ nhận biết nhưng có giá trị rất cao giúp dự báo đột quỵ. Một nghiên cứu khoa học từ Đại học Y khoa Albert Einstein đã xem xét tốc độ đi bộ của 13.000 phụ nữ cho thấy những người có tốc độ đi bộ chậm nhất có nguy cơ đột quỵ cao hơn 67% so với những người có tốc độ đi bộ nhanh nhất. 

Tốc độ đi bộ liên quan đến một số yếu tố như sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp của cơ thể, sự thăng bằng và chức năng tim và phổi. Các phép đo cụ thể về đi bộ được thực hiện bởi Đại học Y khoa Albert Einstein đã xác định tốc độ đi bộ nhanh là 1,24 mét / giây, tốc độ đi bộ trung bình là 1,06-1,24 mét / giây và tốc độ đi bộ chậm là chậm hơn 1,06 mét / giây.

Do đó, mặc dù việc tăng tốc đi bộ của bạn chỉ vì mục đích tăng tốc độ tập luyện, nhưng nếu bạn không thể đi bộ nhanh theo ý muốn, mà chỉ có thể thực hiện đi bộ chậm hoặc rất chậm là một dấu hiệu "báo động đỏ" có thể cho thấy nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn.

3. Tự đứng trên một chân không quá 20 giây

Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã công bố kết quả của một nghiên cứu khoa học kết luận rằng khả năng đứng thăng bằng một chân lâu hơn 20 giây là một chỉ số có thể xác định khả năng bị đột quỵ của một người. 

Nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành không có thể đứng trên một chân lâu hơn 20 giây có xu hướng có tiền sử đột quỵ im lặng. Đột quỵ im lặng là đột quỵ thường không gây ra các triệu chứng thần kinh rõ ràng, nhưng có thể có các tác động nhẹ hoặc không đáng chú ý như suy giảm khả năng thăng bằng, trí nhớ và khả năng tự chăm sóc bản thân.

4. Tự đo huyết áp và tự đánh giá huyết áp

Đây là một thử nghiệm bạn có thể thực hiện tự đo huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp điện tử. Hơn 2/3 số người bị đột quỵ bị mắc bệnh tăng huyết áp - được định nghĩa là huyết áp cao hơn 140mmHg / 90 mmHg. 

Các hướng dẫn cập nhật gần đây về điều trị tăng huyết áp khuyến nghị huyết áp tâm thu bằng hoặc thấp hơn mục tiêu 120 mmHg. Điều đó chỉ ra rằng, nếu bạn đang dùng thuốc để kiểm soát huyết áp hàng ngày, bạn có thể cần điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được đích mới về huyết áp tối ưu.

Nên đo và theo dõi huyết áp thường xuyên.

5. Tự đánh giá thông qua kiểm tra mức chất béo và đường máu của bạn

Quá nhiều cholesterol, triglyceride và cholesterol LDL có thể dẫn đến bệnh mạch máu và góp phần hình thành các cục máu đông, gây đột quỵ và cơn đau tim. Nếu bạn được thông báo có nồng độ chất béo và cholesterol máu cao, bạn nên biết rằng đây là những kết quả có thể kiểm soát được và bạn có thể giảm nồng độ chất béo của mình thông qua sự kết hợp của chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc giảm chất béo. 

Kết quả xét nghiệm glucose và hemoglobin A1c lúc đói có thể được sử dụng để xác định xem bạn có bị tiền đái tháo đường hay đái tháo đường. Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ trong suốt cuộc đời của họ cao hơn gấp 2-3 lần người không mắc bệnh. 

Hơn nữa, những người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều khả năng bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn so với những người không mắc bệnh đái tháo đường.

Cách nhận biết sớm đột quỵ:

Các triệu chứng đột quỵ thường bắt đầu đột ngột, bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

Khó đi lại: Do mất cân bằng, yếu ớt hoặc chóng mặt.

Khó giao tiếp: Người bệnh có thể không hiểu những gì người khác đang nói hoặc ngược lại - mất khả năng phát âm.

Tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể hoặc một bên mặt: Điều này có thể đánh giá bằng cách so sánh vận động giữa cánh tay trái và cánh tay phải khi nâng lên cao. Tê liệt một bên mặt có thể làm cho một bên mặt xệ xuống so với bên còn lại.

Mất phối hợp ở một bên của cơ thể: Yếu tay chân làm người bị đột quỵ không thể thực hiện một hành động thông thường hàng ngày vẫn làm được, chẳng hạn như cầm giữ thìa hoặc treo đồ lên móc. Trong một số ít trường hợp, một bên cơ thể có thể có các chuyển động bất thường và tự phát.

Rối loạn thị lực: Có thể bao gồm giảm hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

Đau đầu dữ dội: Nếu đau đầu xuất hiện đột ngột, nặng hoặc có liên quan đến ói mửa hoặc giảm ý thức thì có thể nghĩ tới đột quỵ.

Co giật: Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn co giật đột nhiên xuất hiện ở người trên 50 tuổi không có tiền sử co giật trước đó.

Đặc biệt dấu hiệu và triệu chứng khởi phát đột quỵ ở phụ nữ thường rất kín đáo. Đôi khi không được công nhận là một triệu chứng của đột quỵ ngay lập tức, do đó dẫn đến trì hoãn điều trị. Một số triệu chứng và dấu hiệu hay gặp trong khởi phát đột quỵ ở phụ nữ: Ngất xỉu hoặc bất tỉnh; yếu toàn thân; khó thở; thay đổi đột ngột trong hành vi; lo lắng; ảo giác; buồn nôn và/hoặc nôn; đau đớn; động kinh và nấc cụt.

‎Thời gian đối với người bệnh đột quỵ vô cùng quan trọng, nên nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau khi đột quỵ xảy ra, nếu chậm trễ hoặc không được điều trị tổn thương não do đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong. Cấp cứu khẩn cấp có thể ngăn ngừa tổn thương đột quỵ, giúp người bệnh có cơ hội sống sót tốt hơn và phục hồi sức khỏe với ít biến chứng hơn./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết