Tiếng Việt | English

16/03/2021 - 09:34

Ấm lòng những suất ăn từ thiện

Những suất cháo chay có giá 2.000 đồng, bữa cơm chay 5.000 đồng không chỉ chia sẻ một phần khó khăn mà còn làm những người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo cảm thấy ấm lòng.

Chị Thái Quỳnh Như (bìa trái) là người khởi xướng hoạt động cháo chay 2.000 đồng

Chị Thái Quỳnh Như (bìa trái) là người khởi xướng hoạt động cháo chay 2.000 đồng

Cháo chay 2.000 đồng

Những suất cháo chay 2.000 đồng của nhóm chị Thái Quỳnh Như (SN 1990), ngụ khu phố 2, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ra đời từ năm 2018, hoạt động vào ngày mùng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng. Được biết, ban đầu, nhóm ra đời nhằm phục vụ cháo chay miễn phí cho người dân nhưng vì miễn phí nên một số người có tâm lý “ngại” đến. Trong một lần tình cờ, nhóm được mọi người gợi ý thay vì phát miễn phí thì nên bán với giá thấp để người nhận đỡ ngại, từ đó, nhóm có tên cháo chay 2k.

Mỗi suất cháo chay bao gồm cháo, gỏi, bánh mì, sườn non, có giá 2.000 đồng nhưng phải ngon và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là phương châm của nhóm. Trung bình mỗi đợt, nhóm nấu khoảng 500-600 phần. Để cháo đến tay người dân, nhóm phải chuẩn bị từ trước đó 2 ngày. Nếu bán ngày 15 Âm lịch thì ngày 13, nhóm làm sườn non chay, sườn được xé thành từng miếng nhỏ. Ngày 14, mọi người gọt nấm, rau, củ. 3 giờ khuya ngày 15 thì bắt tay vào nấu, vô bịch rồi vận chuyển đến điểm tập kết tại khu vực gần chân cầu An Thạnh, khu phố 2, thị trấn Bến Lức.

Phương châm của nhóm là cháo phải ngon và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm

Phương châm của nhóm là cháo phải ngon và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm

Chị Như chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của nhóm hiện tại là vấn đề thời gian. Nếu mùng 1 và 15 Âm lịch rơi đúng vào ngày cuối tuần thì lực lượng hỗ trợ sẽ đông hơn, những suất ăn sẽ đến tay mọi người vào buổi sáng nhưng nếu hôm nào ít người làm thì phải đến trưa, cháo mới ra lò”.

Được biết, khi mới ra đời, từ nhân lực đến kinh phí thực hiện chủ yếu từ chị Như và người thân trong gia đình chị. Sau thời gian hoạt động, nhóm đã thu hút được nhiều người tham gia, các thành viên trong nhóm ở nhiều độ tuổi khác nhau, ngày nấu cháo đã cố định nên hôm nào rảnh thì mọi người sẽ đến hỗ trợ. Thấu hiểu mục đích ra đời của nhóm nên mạnh thường quân hỗ trợ tiền, nguyên liệu như: Nấm, rau, củ, bánh mì,...

Tiết lộ về mức giá 2.000 đồng cho một suất ăn, chị Như cho hay, thật ra con số chỉ để mọi người được vui vẻ, thoải mái khi đến đây. Mua với giá 2.000 đồng, 0 đồng hay bất kỳ con số nào thì nhóm cũng vui vẻ đón nhận, cái chính là mọi người được ăn ngon và cảm thấy ấm lòng khi mang cháo ra về. Số tiền thu về sau mỗi đợt cháo chay hay số tiền mạnh thường quân hỗ trợ đều được sung vào quỹ nhóm. Quỹ được lập ra ngoài để duy trì hoạt động nấu cháo, còn được dùng để giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xây cầu,... trên địa bàn huyện Bến Lức.

Trên hành trình “gieo duyên” cùng nhóm cháo chay 2k, chị Như cũng từng gặp phải những ý kiến trái chiều, sự hoài nghi từ người khác. Chia sẻ về “tuyệt chiêu” vượt qua dư luận không hay, chị Như trải lòng: “Ai nói gì thì nói, mình vẫn làm, ai không hiểu thì mình giải thích cho họ hiểu. Là người quản lý chi tiêu nguồn quỹ nên tất cả những khoản thu, chi, tiền mạnh thường quân đóng góp đều được tôi ghi chú lại rồi công khai, minh bạch lên mạng xã hội. Sau hơn 3 năm, bản thân tôi nghiệm ra, thật sự để duy trì hoạt động này không khó nhưng quan trọng nhất là sau tất cả, tâm mình cảm thấy thoải mái, mọi người cảm thấy vui vẻ, ấm áp là được”.

Mỗi ngày, quán cơm chay 5.000 đồng của bà Phan Thị Nga phục vụ trên 150 suất ăn

5.000 đồng một suất cơm chay

Bà Phan Thị Nga (SN 1967), ngụ ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, mở quán cơm chay 5.000 đồng/phần, tại xã Thanh Phú (đối diện Trường THCS Thanh Phú) để giúp người có thu nhập thấp một bữa ăn ấm lòng, giảm bớt một phần lo toan trong cuộc sống hàng ngày.

Hàng ngày, quán mở cửa phục vụ từ 6-11 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy, với các món chay: Kho, chiên, xào và canh. Ngoài ra, quán còn có thêm các món như hủ tiếu, bún riêu và cháo chay, tất cả chỉ với 5.000 đồng/phần nhưng vẫn bảo đảm vệ sinh và dinh dưỡng. Quán phục vụ trên 150 suất ăn mỗi ngày, thực khách đủ các thành phần từ người bán vé số cho đến công nhân, học sinh,...

Để có thể duy trì hoạt động của quán, ngoài phần ăn có giá 5.000 đồng, bà Nga còn bán thêm nước giải khát để có kinh phí bù vào bếp ăn. Nhiều người thấy vậy cũng đóng góp hỗ trợ gạo, gia vị, rau, củ,... Để có được những món ăn ngon phục vụ người nghèo, bà Nga thức khuya, dậy sớm để sơ chế nguyên liệu và nấu các món ăn.

Bà Nga chia sẻ: “Nếu mình không lấy tiền thì khách ngại không tới quán nên bán với giá 5.000 đồng là để mọi người cảm thấy thoải mái khi nhận phần cơm. Khi giúp được người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái hơn”.

Nhiều việc làm thiện nguyện ý nghĩa như quán cơm 5.000 đồng, cháo chay 2.000 đồng đã góp phần giúp người nghèo bớt nỗi lo trong cuộc sống./.

Nguyễn Dung - Việt Hằng - Lê Hạnh

Chia sẻ bài viết