Tiếng Việt | English

20/03/2023 - 10:32

An toàn từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác quản lý giết mổ, kiểm soát giết mổ động vật, thời gian qua, hầu hết cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ (KDKSGM), góp phần cung cấp các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nhân viên kiểm dịch, kiểm soát giết mổ kiểm tra, đóng dấu tại lò mổ Long Hiệp

Hàng đêm, cơ sở giết mổ Dương Văn Nghĩa (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, hay còn gọi là lò mổ Long Hiệp) mổ từ 500-700 con heo, số heo này chủ yếu đến từ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre,… Trước khi đưa vào cơ sở, tại cổng vào, nhân viên KDKSGM tiến hành kiểm tra các loại giấy tờ như giấy chứng nhận kiểm dịch động vật chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; kết quả xét nghiệm dịch tả heo châu Phi của Chi cục Thú y vùng VI; số lượng heo nhập vào,... Sau đó, tiếp tục kiểm tra sức khỏe thực tế của gia súc; trong trường hợp nghi ngờ heo không khỏe, tiến hành đánh dấu và nhốt cách ly theo dõi tiếp.

Sau khi kiểm tra đầy đủ các điều kiện trước khi giết mổ, nhân viên KDKSGM cho xe vào khu vực nhốt, tắm heo và tiếp tục quan sát xem heo có bị các bệnh truyền nhiễm không để có biện pháp xử lý kịp thời. Ông Đỗ Ngọc Ẩn (quản lý lò mổ Long Hiệp) cho biết: “Tất cả heo nhập về lò mổ đều có nguồn gốc rõ ràng, trong đó, có nhiều thương lái gắn bó với cơ sở từ khi mới thành lập đến nay. Chúng tôi luôn nhắc nhở công nhân phải giữ gìn vệ sinh chung, thường xuyên sát khuẩn các dụng cụ giết mổ. Hiện cơ sở giết mổ theo mô hình bán công nghiệp nhưng thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư, cải tiến phương tiện”.

Năm 2013, cơ sở giết mổ Nghĩa Hưng (ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) được thành lập với công suất 400 con heo/đêm. Vừa qua, chủ cơ sở đầu tư gần 10 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng lò, trang bị hệ thống xử lý nước thải tránh làm ô nhiễm môi trường. Ông Phan Thanh Hưng (chủ cơ sở giết mổ Nghĩa Hưng) cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận mổ heo khi các thương lái cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ, nhân viên KDKSGM thực hiện đúng quy trình”.

Còn tại cơ sở giết mổ Thuận Phát (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ), chủ cơ sở trang bị 16 camera, hệ thống phun sương nhằm quan sát quy trình KDKSGM, tránh tình trạng heo bị bơm nước. Ông Lê Hữu Bình (chủ cơ sở giết mổ Thuận Phát) cho hay: “Cơ sở có diện tích 5.000m2, thiết kế thành 2 khu (khu giết mổ và khu nhốt) với 2 cửa (1 cửa nhập, 1 cửa xuất), bố trí 4 nhân viên trực KDKSGM. Từ đầu năm đến nay, số lượng heo nhập vào cơ sở tăng 30% so với cùng kỳ. Dù tăng về số lượng nhưng cơ sở luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên KDKSGM thực hiện đúng quy trình. Cơ sở cũng chủ động dọn vệ sinh, sát khuẩn thường xuyên tại các khu”.

“Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật xây dựng, nâng cấp cơ sở, bảo đảm về điều kiện vệ sinh thú y; thường xuyên kiểm tra, giám sát cơ sở giết mổ trong việc tuân thủ các quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; quán triệt cho nhân viên thú y tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về kiểm soát giết mổ; giao trách nhiệm cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên thú y; kiên quyết xử lý mạnh các trường hợp sai phạm theo quy định của pháp luật,…” - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh chia sẻ./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Trang home Mèo Cưng