Phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng bệnh trên gia súc, gia cầm cho người dân
Chủ động phòng bệnh
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản - Phan Ngọc Châu, ngay khi nắm được thông tin một số địa phương ở các tỉnh lân cận có GS mắc bệnh và chết do LMLM gây ra, chi cục chủ động thông tin đến người chăn nuôi nắm tình hình dịch bệnh, nhận biết dấu hiệu bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cử cán bộ đến khu vực giáp ranh, các điểm trung chuyển giám sát chặt chẽ tình hình đàn GS; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi;... Tại các trạm kiểm dịch động vật, chi cục yêu cầu đội ngũ cán bộ thú y trực 24/24 giờ, thực hiện kiểm dịch GS vận chuyển vào tỉnh; kiên quyết không cấp giấy chứng nhận nếu phương tiện, giống vật nuôi, sản phẩm GS không đủ điều kiện theo quy định vào địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Bé, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước, cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi luôn bảo đảm tiêm phòng vắc-xin các bệnh như tai xanh, LMLM,... đầy đủ, đúng lịch cho đàn heo của mình nên đàn heo luôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Tuần trước, gia đình tôi xuất bán 14 con heo. Với giá 52.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi từ 1,2-1,5 triệu đồng/con. Gần đây, thông tin có dịch heo tai xanh, LMLM ở các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre làm cho người nuôi heo hết sức lo lắng, nhất là những hộ sắp xuất bán và những hộ chuẩn bị tái đàn”. Còn ông Nguyễn Minh Trang, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi heo gần 30 năm, hiện trong chuồng có 2 con heo giống và gần 20 con heo thịt. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Do đó, trước thông tin bệnh xuất hiện ở các tỉnh khác, tôi tích cực tham gia những buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi và chủ động phòng bệnh trên heo. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ thú y huyện mà đàn heo của gia đình tôi được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, chuồng trại được xử lý sạch sẽ”. Ông Phan Dục Hoang, ngụ cùng địa phương với ông Trang, cho biết, gia đình ông nuôi heo hơn 20 năm với số lượng gần 100 con mỗi lứa. Heo giống được ông lựa chọn kỹ lưỡng ở những cơ sở uy tín. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn heo của gia đình, ngoài việc thực hiện tiêm phòng theo kế hoạch, gia đình ông còn chủ động tiêm phòng ngoài kế hoạch để bảo vệ đàn heo. Ông Nguyễn Văn Hảo, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn heo trước tình hình bệnh LMLM, tai xanh,... xảy ra ở một số tỉnh lân cận. Mỗi tuần 1 lần, tôi phun thuốc khử trùng, hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh”.
Chủ cơ sở giết mổ Long Hiệp (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) - Dương Văn Nghĩa cho biết: “Trước tình hình bệnh phức tạp trên GS ở nhiều tỉnh, cơ sở yêu cầu thương lái phải bảo đảm GS có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đóng dấu kiểm dịch của ngành chức năng theo quy định thì mới tiếp nhận giết mổ. Bên cạnh đó, cán bộ thú y trực 24/24 tại cơ sở để kiểm tra quá trình nhập đầu vào cũng như khi xuất bán sản phẩm ra thị trường, nhằm bảo đảm an toàn và kịp thời xử lý khi phát hiện dịch bệnh”.
Tăng cường kiểm soát tại các lò giết mổ để hạn chế dịch bệnh
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Đước - Hồ Minh Chí cho biết: “Sau khi khống chế và dập thành công ổ dịch cúm A/H5N1 ở xã Long Sơn vào tháng 01/2019, hiện trên địa bàn huyện chưa xuất hiện ổ dịch nào khác trên GSGC. Từ đầu năm đến nay, trung tâm phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê số liệu đàn GSGC trên địa bàn huyện; đồng thời, tăng cường giám sát, lập kế hoạch tiêm phòng và triển khai chính sách hỗ trợ vắc-xin, phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng bệnh trên GSGC cho người dân. Hiện tình hình chăn nuôi GSGC trên địa bàn huyện được kiểm soát tốt, chưa có dấu hiệu của dịch bệnh.
Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp các đài truyền thanh địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, buôn bán GS và sản phẩm GS thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật, tích cực khai báo với cơ quan thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện có GS mắc bệnh, không giấu dịch, không bán, giết mổ heo mắc bệnh tai xanh, LMLM,...”.
Để chăn nuôi hiệu quả
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Trụ - Kiều Xuân Hải cho biết: “Hàng năm, tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 30.000 con, GC khoảng 3 triệu con và có 17 trang trại chăn nuôi GSGC. Để người dân chăn nuôi hiệu quả trong năm 2019, trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng bệnh trên GSGC; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh, LMLM tại các địa bàn có nguy cơ cao, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại; thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc-xin; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn GSGC nhằm phát hiện dịch bệnh sớm để kịp thời xử lý”.
Người chăn nuôi chủ động phòng bệnh trên gia súc
Ông Phan Ngọc Châu cho biết: “Trước tình hình heo bị LMLM xuất hiện tại một số tỉnh lân cận, chi cục phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng và địa phương rà soát số lượng vật nuôi tại các hộ chăn nuôi, trang trại; tăng cường kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển động vật; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại ổ dịch và những khu vực lân cận nếu xuất hiện dịch; sẵn sàng cung ứng thuốc để kiểm soát, dập dịch. Bên cạnh đó, chi cục tích cực tuyên truyền và khuyến cáo người dân khi phát hiện GS bệnh phải thông báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán sản phẩm trên thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y; xử lý động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ lây lan, các biện pháp phòng, chống dịch để người dân biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; vận động người dân không giết mổ, bán chạy GS nghi nhiễm bệnh. Người chăn nuôi cần chủ động trong việc chăm sóc GS nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại về tài sản. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo cán bộ thú y điều trị tích cực cho GS mắc bệnh; thành lập các tổ kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển GS. Đặc biệt, nghiêm cấm hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ GS mẫn cảm ra vào địa bàn và triển khai phun thuốc khử trùng, tiêu độc ở những khu vực xảy ra dịch bệnh”./.
Huỳnh Phong - Bùi Tùng