Người dân đến nhận gạo
Liên tiếp "ra đời" những "ATM gạo"
Cây "ATM gạo" đầu tiên ở Long An được lắp ráp tại thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, khai trương hoạt động từ ngày 16/4. Theo dự kiến, cây "ATM gạo" này sẽ hoạt động xuyên suốt trong vòng 30 ngày. Sau mấy ngày hoạt động, "ATM gạo" tại đây đã được nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ gạo và cấp phát cho người nghèo, khó khăn.
"Ngay buổi sáng khai trương, chúng tôi đã nhận được mấy tấn gạo của mạnh thường quân. Hết ngày đầu, tại kho đã tiếp nhận được 16 tấn gạo. Trong đó, ngày đầu đã cấp phát cho người nghèo khoảng 2 tấn. Cứ thế những ngày sau, "ATM gạo" lại nhận được sự hỗ trợ, số lượng gạo tiếp tục tăng lên để cấp phát miễn phí cho người nghèo. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức như thế" - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Hòa - Phạm Bích Ngọc cho biết.
Anh Châu Ngọc, 38 tuổi, người lắp máy “ATM gạo” và tổ chức kêu gọi anh em, bạn bè cùng hỗ trợ, thổ lộ: "Được giúp đỡ người nghèo trong lúc khó khăn vì mất việc làm, không có thu nhập, tôi và những người bạn rất vui. Chúng tôi đang xem xét để lắp đặt thêm cây "ATM gạo" tại các xã khác để giúp người dân khó khăn".
Sau khi "ATM gạo" đầu tiên ở Long An đặt tại thị trấn Đức Hòa ra đời đã tạo hiệu ứng tốt, người dân rất hoan nghênh. Thế là, chỉ 2 ngày sau, tiếp tục có thêm 2 cây "ATM gạo" nữa được lắp đặt đưa vào hoạt động giúp người nghèo, khó khăn trên địa bàn huyện. Hai cây "ATM gạo" khai trương đi vào hoạt động sáng ngày 18-4, đặt tại xã Mỹ Hạnh Nam và thị trấn Hậu Nghĩa. Cũng như tại thị trấn Đức Hòa, 2 cây ATM này được đặt kế bên tuyến đường lớn, gần trung tâm xã, thị trấn. Ngay buổi sáng khi mới khai trương, mỗi địa phương đã vận động được gần 5 tấn gạo để cấp phát cho người dân nghèo. Chủ tịch xã Mỹ Hạnh Nam - Phan Văn Anh Phụng thông tin: “Ở xã chỉ còn 10 hộ nghèo nhưng rất nhiều lao động nhập cư hoàn cảnh còn khó khăn. Chính vì vậy, "ATM gạo" với khẩu hiệu “Ai cần đến nhận, ai thừa đến cho”, không phân biệt người địa phương hay ở nơi khác, miễn sao giúp được những người đang gặp khó khăn”.
Ngoài huyện Đức Hòa, tại các địa phương: TP.Tân An, Cần Giuộc, Tân Hưng, "ATM gạo" cũng đã “có mặt”, mang đến những hạt gạo nghĩa tình, san sẻ cùng người nghèo, hoàn cảnh khó khăn giữa mùa dịch. Tại huyện Tân Hưng, "ATM gạo" được đặt trước trụ UBND thị trấn do nhóm thiện nguyện trên địa bàn phối hợp UBND thị trấn tổ chức thực hiện. Thời gian hoạt động của ATM từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ và buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ. Ông Trần Thanh Liêm, ngụ thị trấn Tân Hưng, xúc động nói: “Có được phần gạo mỗi ngày trong thời điểm này, chúng tôi mừng lắm. Tôi cảm ơn các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã quan tâm đến hộ nghèo!”.
Người dân đến nhận gạo tại "ATM gạo" ở thị trấn Tân Hưng
Mong có nhiều "ATM gạo" giúp người nghèo
Trước khi đưa vào hoạt động "ATM gạo" ở thị trấn Tân Hưng, chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ được hơn 3 tấn gạo để cung cấp cho hộ nghèo, khó khăn trong và ngoài địa phương. “Thời gian tới, để "ATM gạo" hoạt động hiệu quả, địa phương tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương chung tay hỗ trợ để bổ sung thêm nguồn gạo giúp đỡ người nghèo hàng ngày, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19" - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Hưng - Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Còn theo Chủ tịch UBND thị trấn Hậu Nghĩa - Trương Minh Khánh, địa phương sẽ cố gắng vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ nguồn gạo để duy trì "ATM gạo" càng lâu, càng tốt.
Xếp hàng, giữ khoảng cách 2m chờ nhận gạo
Những ngày qua, tại các cây "ATM gạo", rất nhiều người dân đến nhận gạo. Ngược lại, nhiều người cũng chở gạo đến cho, ủng hộ. Người đến nhận là những người bán vé số, chạy xe ôm, công nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn,... Mỗi lần bấm, ATM sẽ cho ra 2kg gạo. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cử lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân hướng dẫn người dân xếp hàng, bấm nút. Đồng thời còn đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m và rửa tay diệt khuẩn. Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình hoạt động của các "ATM gạo" trong những ngày qua khá nghiêm túc, trật tự, không xảy ra tụ tập đông người hoặc chen lấn.
Bà Trần Thị Thương, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, bày tỏ: “Mấy ngày qua, tôi có nghe nói về ATM phát gạo miễn phí cho người lao động nghèo ở nhiều tỉnh. Tôi ước gì ở địa phương mình cũng có cái "ATM gạo" này. Hôm nay, mong ước đó đã thành sự thật".
Là một trong những người đầu tiên đến nhận ở "ATM gạo" tại thị trấn Hậu Nghĩa, bà Thương nói: “Mừng lắm, vui lắm! Cảm ơn chính quyền và mạnh thường quân rất nhiều!”. Vừa dùng tay bấm nút, bà Thương còn vui cười đọc câu "thần chú": "Gạo ơi chảy ra". Quả thật, những hạt gạo trắng nõn, ồ ạt chảy xuống bịch đang hứng sẵn. Nghe câu nói vui của bà, nhiều người không nhịn được cười.
Gia đình bà Lê Thị Bảy có 5 người, cuộc sống vốn gặp nhiều khó khăn và càng thiếu thốn hơn khi thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công việc bán vé số mưu sinh của bà phải tạm dừng. Sáng sớm, đi qua xã Mỹ Hạnh Nam, thấy có "ATM gạo" ở đây nên bà ghé vào. Không phải người đang sinh sống ở xã nên bà cứ nghĩ không thuộc diện thụ hưởng. Tuy nhiên, nghe loa phát, cán bộ thông báo, không kể người trong hay ngoài xã, thế là bà vào xếp hàng để bấm nút nhận 2kg gạo.
"Chỉ 2kg gạo thôi nhưng gia đình tui cũng đỡ được mấy chục ngàn đồng trong ngày. Cá, thịt thì chưa có nhưng chắc chắn một điều là ngày hôm nay, gia đình tôi không bị đói. Thấy nhiều người cũng đến nhận gạo, tôi ứa nước mắt vì xúc động. Qua đó, càng thấy được ý nghĩa và việc làm này của chính quyền, mạnh thường quân. Tôi mong rằng, "ATM gạo" tiếp tục được mở tại nhiều nơi để giúp đỡ những người nghèo, nhân lên tình người, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc" - bà Bảy xúc động nói.
"ATM gạo" đã thật sự lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng, thể hiện tinh thần "Lá lành đùm lá rách"./.
Lê Đức - Văn Đát